Thông tin nước mắm nhiễm Arsen đang khiến người tiêu dùng hoang mang |
Xung quanh việc công bố 67% nước mắm có hàm lượng arsen vượt ngưỡng cho phép, trao đổi với báo giới, ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến bảo quản thủy sản, Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn đã cho rằng, công bố của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) là sơ sài, vội vàng, các thông tin cơ bản chưa minh bạch.
Theo ông Tú, một dự án khảo sát, nghiên cứu về an toàn thực phẩm như nước mắm cần có một hội đồng khoa học nghiệm thu dự án với những phân tích đánh giá cụ thể và có quy trình rõ ràng. Thế nhưng, những thông tin do Vinastas công bố còn gây ra nhiều tranh cãi do chưa đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Đại diện Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, ngay sau khi có công bố này của Vinastas, đã có một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm tại Nha Trang – Khánh Hòa gọi điện đến Cục để phản đối về thông tin nói trên.
Cụ thể, theo những doanh nghiệp này, thông tin được Vinastas công bố là không có cơ sở, bôi xấu, ảnh hưởng đến thương hiệu nước mắm cốt truyền thống bấy lâu nay.
Ông Tú cũng cho biết thêm, trước đó, ngày 10/10/2016, tại Hội thảo về nước mắm được tổ chức tại TP.HCM do Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cùng Hội nghề cá tổ chức, Vinastas đã đề nghị được công bố thông tin nói trên nhưng đã bị cơ quan này phản đối.
Thông tin nước mắm nhiễm Arsen đang khiến người tiêu dùng hoang mang
Theo ông Tú, sản phẩm nước mắm đã có từ hàng ngàn năm nay, từ những năm 1970, Việt Nam đã có tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm và đến năm 2003 được sửa đổi, bổ sung lần thứ 3.
Thậm chí, Việt Nam và Thái Lan còn cùng tham gia xây dựng tiêu chuẩn nước mắm theo tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm CODEX quốc tế. Do đó, những thông tin từ phía Vinastas có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất nước mắm cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Trước đó, ngày 17/10, Vinastas cùng Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả đợt khảo sát nước mắm trên toàn quốc.
Theo đó, 2 đơn vị này đã tiến hành phân tích 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Bình Định, Long An, Phú Thọ, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và 1 mẫu của Thái Lan...
Kết quả cho thấy, 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất 1 tiêu chuẩn trong 5 chỉ tiêu của nhóm hoá học được khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hoá.
Trong đó có 51% mẫu có kết quả chỉ tiêu Nitơ toàn phần nhỏ hơn những gì doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hoá; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ axit amin, 2% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ ammoniac.
Đặc biệt có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế.
Điều đáng chú ý là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu các hàm lượng Arsen càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.
Công bố này đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, bởi nước mắm là sản phẩm quen thuộc và không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.