Bộ Tài chính không đồng tình giảm trước bạ ô tô

Tác giả: An Nhi

saosaosaosaosao
Thị trường 04/04/2023 14:51

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh hiện nay chưa đặt vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Quan điểm của Bộ Tài chính được đưa ra sau quá trình nghiên cứu, rà soát, lấy ý kiến liên quan đến đề xuất của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhóm các hãng xe nhập khẩu chính hãng (VIVA) cùng một số hiệp hội doanh nghiệp và địa phương kiến nghị ưu đãi 50% lệ phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô.

Cơ hội để ô tô được giảm 50% lệ phí trước bạ là không nhiều.

Cơ hội để ô tô được giảm 50% lệ phí trước bạ là không nhiều.

Cụ thể, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 2914/BTC-CST báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023 của Chính phủ.

Trong đó, liên quan đến đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính cho rằng đây chưa phải thời điểm phù hợp để có thể tính đến chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ ô tô.

Theo Bộ Tài chính, nền kinh tế vĩ mô hiện nay đang cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi, ổn định và phát triển. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng đã được kiểm soát. Các đánh giá nêu trên đã được thể hiện rất rõ tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023 của Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng cho biết ngay từ đầu năm đã nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền để tập trung triển khai ngay một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp của Chính phủ. Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.

"Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung… Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA)", Bộ Tài chính cho biết.

Liên quan đến kiến nghị áp dụng chung giảm lệ phí trước bạ đối với cả xe CKD và xe CBU, Bộ Tài chính cũng cho rằng trong trường hợp cần thực hiện thì phải thực hiện chung. Tuy nhiên, "điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước từ lệ phí trước bạ, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương, nhất là trong điều kiện đây là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100% số thu theo Luật Ngân sách nhà nước".

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị chưa "đặt vấn đề" tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trước đó, Hiệp hội VAMA đã có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vượt qua khó khăn do tình trạng sức mua suy giảm, lượng xe tồn kho lớn thông qua chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.

Sau khi Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất này, nhóm các doanh nghiệp VIVA lập tức có văn bản kiến nghị "đối xử công bằng", đồng nghĩa với việc ô tô nhập khẩu cần được giảm 50% trước bạ như xe lắp ráp trong nước (CKD).

Đáng chú ý là các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu viện dẫn một số quan điểm liên quan đến cạnh tranh và cho rằng việc Chính phủ hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho ô tô CKD đã và sẽ vi phạm quy định tại Hiệp định GATT mà Việt Nam là thành viên.

Được biết, mặt hàng ô tô CKD đã 2 lần được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 chưa được khống chế. Giai đoạn đầu được áp dụng từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020 theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 về lệ phí trước bạ; giai đoạn thứ 2 áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Ý kiến của bạn

Bình luận