Ô tô lắp ráp trong nước có thể lại được giảm lệ phí trước bạ

Tác giả: An Nhi

saosaosaosaosao
Thị trường 10/03/2023 05:59

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang nghiên cứu chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đây là một trong những chỉ đạo quan trọng của Chính phủ tại Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023 nhằm giải quyết một loạt vấn đề "nóng".

Cụ thể, đối với ngành công nghiệp ô tô, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) được Bộ Công Thương kiến nghị tại Báo cáo số 22/BC-BCT ngày 02/3/2023; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2023.

trước bạ

Dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ô tô Hyundai Thành Công.

Chỉ đạo của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước nguy cơ sức mua trên thị trường sụt giảm mạnh.

Ngay đầu năm nay, theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hyundai Thành Công và VinFast, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường tháng 1/2023 chỉ đạt vẻn vẹn 21.186 chiếc, sụt giảm sâu đến 56,9% so với tháng liền trước và giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Cú tụt dốc về sức mua ô tô tháng 1/2023 có một phần nguyên nhân do thị trường có quãng nghỉ Tết nguyên đán. Tuy nhiên, theo nhận định của các hãng xe ô tô thì đợt nghỉ lễ chỉ là nguyên nhân bề mặt. Trên thực tế, ngành ô tô đang phải đối mặt với một đợt "sóng ngầm" dẫn đến khả năng lượng tiêu thụ ô tô năm 2023 sẽ bị rút mạnh.

Mới đây, đại diện hãng xe chiếm thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam năm 2022 vừa qua là Hyundai Thành Công đã nhận định tổng dung lượng thị trường ô tô năm 2023 có thể sẽ bị sụt giảm khoảng 17-18%. Do đó, cú tụt dốc của tháng đầu năm chỉ là một nét chấm phá đầu tiên cho bức tranh toàn cảnh ảm đạm của ngành ô tô trong nước.

Nhằm đối phó với tình trạng suy giảm sức mua, bản thân các hãng xe ngay từ đầu năm cũng đã lao vào một cuộc đua giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng ô tô. Đa số các hãng xe áp dụng hình thức hỗ trợ 50-100% lệ phí trước bạ cho khách hàng. Một số hãng xe khác phối hợp cùng hệ thống đại lý giảm giá bán lẻ trực tiếp với giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ở bình diện tổng thể, mới đây các hiệp hội doanh nghiệp như VAMA hay Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng đã kiến nghị Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm nay và giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô CKD.

trước bạ

Mẫu xe Ford Ranger 2023 lắp ráp trong nước bán chạy.

Theo đại diện một số doanh nghiệp ô tô, các doanh nghiệp đang phải gồng mình đối mặt với tình trạng xe tồn kho tăng cao trong khi sức mua giảm mạnh. Do đó, việc áp dụng chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp các doanh nghiệp ô tô trong nước bớt khó khăn hơn.

Như vậy, nếu các kiến nghị của VAMA được hiện thực hoá, đây sẽ là lần thứ 3 mặt hàng ô tô CKD được hỗ trợ bởi chính sách tương tự.

Cụ thể là trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Chính phủ đã có 2 lần áp dụng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho ô tô CKD. Giai đoạn đầu được áp dụng từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020 theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 về lệ phí trước bạ; giai đoạn thứ 2 áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Nhờ chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ gần đây nhất, thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 đã có lần đầu tiên vượt mốc 500.000 xe tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu không được hỗ trợ bởi chính sách, thị trường ô tô năm 2023 sẽ phải đối mặt với nguy cơ trượt dốc sau khi tạo đỉnh lịch sử.

Ý kiến của bạn

Bình luận