Ảnh minh họa. |
Khẳng định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được tính theo giá nhà nhập khẩu bán ra là phù hợp với thông lệ quốc tế, đại diện Bộ Tài chính cho hay, cơ quan này đang nghiên cứu quản lý giá tính thuế với cả những công ty mẹ, con.
Đây là trả lời của Bộ Tài chính gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước một số quan ngại, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp đưa ra trước đó.
Phù hợp thông lệ quốc tế
Về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, đây là "quan ngại" đã được phía Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) nêu lên trong văn bản của mình. Cụ thể, việc thay đổi giá tính thuế theo đại diện cơ quan này có thể làm giá rượu tăng lên và làm mất giá trị, ảnh hưởng đến lợi ích mà khoản cắt giảm thuế quan theo khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đối với rượu mạnh nhập khẩu mang lại.
Phản hồi về ý kiến này, lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, việc quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu là giá nhà nhập khẩu bán ra là không vi phạm cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
"Nhiều nước áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán buôn (giá do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu bán ra) hoặc giá bán lẻ tới người tiêu dùng cuối cùng như: Phần Lan, Chile, Australia, Hàn Quốc,…" đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Trước đó, giá tính thuế của hàng nhập khẩu chỉ bao gồm giá tính thuế nhập khẩu (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên hay còn gọi là giá CIF) cộng với thuế nhập khẩu.
Trong khi ấy, hàng hóa sản xuất trong nước giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của người nộp thuế là cơ sở sản xuất, bao gồm giá thành sản xuất (hay giá vốn) cộng với chi phí bán hàng trong nước (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành,... nếu có), cộng với lãi của người nộp thuế.
Như vậy, so với hàng hóa chịu thuế trong nước thì quy định về giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu chưa có chi phí bán hàng trong nước và lãi của nhà nhập khẩu (nếu có).
Bởi vậy, việc thay đổi trên theo lãnh đạo Bộ Tài chính nhằm thể hiện sự không phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Quy định trên đã được Quốc hội thông qua trong Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực từ 1/7/2016.
Tính tới cả công ty mẹ, con
Đề xuất thêm cho vấn đề trên, đại diện Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho rằng, hướng dẫn cần nói rõ: "Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán ra của cơ sở sản xuất nhưng không thấp hơn 10% so với giá bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm do cơ sở kinh doanh thương mại bán ra."
Đây là một trong những vấn đề theo lãnh đạo Bộ Tài chính đang được ngành tài chính tính tới và đã có công văn lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể, nếu hàng hóa bán cho các cơ sở có quan hệ công ty mẹ, con hoặc cơ sở kinh doanh thương mại có mối quan hệ liên kết thì giá tính thuế không được thấp hơn mức tỷ lệ (%) so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra. Mức tỷ lệ này với ôtô là 7% và mặt hàng khác là 10%.
Một trong những quy định theo Bộ Tài chính để nhận biết cơ sở sản xuất, nhập khẩu và cơ sở kinh doanh thương mại có mối quan hệ liên kết là: Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia.
Riêng mặt hàng xe ôtô, lãnh đạo Bộ Tài chính dự tính, giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại để so sánh là giá bán xe ôtô chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở kinh doanh thương mại lắp đặt thêm theo yêu cầu của khách hàng.
Cũng theo nội dung dự kiến, trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thấp hơn mức tỷ lệ (%) so với giá bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.