Bộ GTVT khẳng định đường Hồ Chí Minh không thất thoát, tiêu cực, tham nhũng. Ảnh IT |
Về phân kỳ đầu tư, Bộ GTVT cho biết, đến năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án thành phần (DATP) để nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe. Sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Với các dự án thành phần, ở khu vực phía Bắc từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài khoảng 273 km, theo Bộ GTVT, đã hoàn thành 81 km, đang thi công 32 km và chưa triển khai 160 km. Để nối thông đoạn phía Bắc này, cần bố trí vốn trên 18 nghìn tỷ đồng.
Khu vực miền Trung từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) có chiều dài đầu tư trước đây khoảng 1.532 km, bao gồm cả nhánh Tây dài 684 km, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1.350 km, đang triển khai 182 km (sau khi duyệt dự án chỉnh tuyến còn 175 km). Bộ GTVT dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ khu vực miền Trung này.
Với khu vực Tây Nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài khoảng 553 km, đã hoàn thành toàn bộ. Còn tại khu vực phía Nam từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) có chiều dài khoảng 382 km, đã hoàn thành 192 km, đang thi công 61 km, chưa triển khai 129 km. Theo Bộ GTVT, để nối thông khu vực phía Nam cần bố trí vốn hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Về tiến độ nói chung, Bộ GTVT cho biết, từ năm 2014 đến hết năm 2018 đã hoàn thành đầu tư xây dựng 702 km, trong đó các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã vượt tiến độ 1,5 năm so với yêu cầu. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành 774 km và đến năm 2021 hoàn thành 876 km, còn lại 289 km nhiều khả năng không đáp ứng tiến độ yêu cầu do điều kiện nguồn lực hạn hẹp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, dự án đường Hồ Chí Minh đã được triển khai tuân thủ đúng theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt tuân thủ đúng Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội về các dự án công trình quan trọng quốc gia.
“Các DATP đều triển khai tuân thủ đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành; tổng thể không làm tăng tổng mức vốn đầu tư; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện. Kết quả đã được thể hiện qua các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành”, ông Thể cho hay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.