Đường Hồ Chí Minh “kêu cứu”...trước nạn xe quá tải tung hoành (Kỳ 1)

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 04/07/2018 06:07

Suốt thời gian qua, hàng ngàn lượt xe với hàng trăm phương tiện ô tô chở vật liệu xây dựng quá tải, vô tư chạy trên đường Hồ Chí Minh.


LTS: Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã đem lại hiệu quả tích cực khi có đến 90% xe quá tải (XQT) được xử lý và dẹp bỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GTVT, "cuộc chiến" chống XQT còn nhiều gian nan do 10% số xe còn lại đang hoạt động với cường độ cao, mức độ vi phạm rất nghiêm trọng, khó kiểm soát...

Để rộng đường dư luận, Tạp chí Giao thông vận tải khởi đăng loạt phóng sự điều tra: “Điểm mặt những cung đường được mệnh danh là  “thủ phủ” của xe quá tải

Bài 1: Đường Hồ Chí Minh “kêu cứu” trước nạn xe quá tải tung hoành

Suốt thời gian qua, hàng ngàn lượt xe với hàng trăm phương tiện ô tô tải chở vật liệu xây dựng quá tải, vô tư chạy trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận Hà Nội).

Tình trạng trên đã khiến cho giao thông trên đường Hồ Chí Minh bị hỗn loạn, đường sá hư hỏng, môi trường bị ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao khiến cho người dân hết sức bức xúc.

36625097_1694482233953199_1584353988852056064_n
Xe chở vật liệu xây dựng, cơi nới thành thùng "băm nát" đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận Hà Nội)

Oằn mình “cõng” xe quá tải

Thời gian gần đây Tạp chí GTVT liên tục nhận được phản ánh của người dân trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Hà Nội xuất hiện nhiều xe tải nặng. Để có cái nhì khách quan, trong nhiều ngày cuối tháng 6, Tạp chí GTVT đã có mặt tại đây và ghi nhận thực tế.

Từ khoảng 9h sáng đến gần 12h giờ trưa, hàng loạt xe quá tải vô tư chạy bạt mạng trên tuyến đường này. Dừng lại tại Km 411+00, đường Hồ Chí Minh chưa đầy 10 phút nhưng chúng tôi đã ghi nhận được hàng chục lượt xe quá tải "lướt" nhanh trên tuyến đường này. Xe tải lớn màu vàng mang nhãn hiệu DongFeng, “Hổ vồ” chở cát đầy ắp được che chắn hết sức sơ sài cứ nối đuôi nhau chạy ầm ầm trên đường.

Các xe có dấu hiệu quả tải hoạt động trên tuyến đường Hồ Chí Minh và Ql 21 phần lớn đeo “lo-go” CT.VT Minh Sáng 668, Nghĩa Hằng, Cường Thịnh, Mỏ 7, LTB.JSC, Ba Vì...Tất cả những xe quá tải nói trên đều lấy đá...từ các mỏ thuộc tại khu vực giáp danh của huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hoà Bình).

Trên chiếc xe tải màu vàng nhãn hiệu Dongfeng loại 8 tấn, mang biển kiểm soát (BKS) Hà Nội, tài xế Mạnh liên tục phải kéo những hồi còi dài để báo hiệu cho các phương tiện đi phía trước. Anh giải thích: “Đường xấu lại chở nặng, xe mình thì nặng thế, không kéo còi từ xa lúc đến gần sợ không phanh kịp”.

Chúng tôi hỏi: “Xe chở gì, bao nhiêu tấn?”. Anh đáp: “Chở "Bây", cả xác xe và hàng vào khoảng 35 tấn, gấp 3 lần tải trọng cho phép". Hỗn hợp "Bây" được nghiền giữa đá và đất, rất nặng, nhất là khi bị ngấm nước. Tuy vậy, chỉ cần phủ lên trên thùng một lớp bạt mỏng che đậy đám vật liệu nặng nề bị lèn chặt phía dưới, chiếc xe của anh Mạnh cứ thế vun vút lao đi.

Thấy chúng tôi lo lắng vì rất có thể chiếc xe nói trên sẽ bị lực lượng chức năng xử lý, lái xe Mạnh giải thích: “Dẫu cho nơi đổ vật liệu có thể ở bất cứ đâu trên địa bàn Hà Nội và có chở nặng thế nào, thì chiếc xe vẫn cứ bon bon lăn bánh mà không bị sờ gáy”.

Sau nhiều ngày quan sát và ghi chép, theo ước tính sơ bộ của PV, chỉ tính riêng tuyến đường Hồ Chí Minh về thị trấn Xuân Mai, mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt xe tải trọng lớn, có dấu hiệu cơi nới thùng thành và quá tải, chở trọng tải gấp 4-5 lần cho phép, chở vật liệu nặng (chủ yếu là đất, đá) nườm nượp qua lại 

Tại một cây xăng gần đường Hồ Chí Minh vào UBND xã Đồng Tâm chúng tôi dừng lại chưa đầy 30 phút nhưng đã ghi nhận được trên dưới 50 xe chở đá, "Bây"... chất cao có ngọn, bò ì ạch trên mặt đường gồ ghề, thác ghềnh ổ voi, ổ gà.

Trước sức ép quá lớn từ xe quá tải, toàn bộ phần đường bên phải tuyến đường Hồ Chí Minh, từ vị trí các mỏ đá thị trấn Xuân Mai, đã hình thành các vệt "gồ sống trâu" dài hàng ki lô mét.

Mặc dù, tuyến đường này liên tục được sửa chữa, nhưng vài tháng nứt lại hoàn nứt, lún lại hoàn lún. Các vết nứt cứ kéo dài thêm theo năm tháng, tạo thành những con "lươn" khổng lồ. Không chỉ phải chịu đựng bụi bẩn, mỗi lần có đoàn xe tải nối nhau đi qua là nhà cửa hai bên đường rung lên, lâu dần xuất nhiện nhiều vết nứt, dù nhà mới được xây kiên cố cách đây ba năm.

Người dân “bất an” - Lực lượng chức năng ở đâu?

DSC_5808
Các xe có hình hài "khổng lồ" hoạt động ngày đêm khiến mặt đường Hồ Chí Minh và Ql21 xuống cấp, hằn lún.

Anh C.N.Th. người dân xã (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) sống cách đường Hồ Chí Minh hơn 10 bước chân cho biết: "Đã mấy tháng nay không hiểu vì sao mà nhiều xe quá tải đến thế. Xe tải  lặc lè đá hộc, "Bây"…được che chắn sơ sài cứ chạy bạt mạng cả ngày lẫn đêm khiến cho giao thông trên đường Hồ Chí Minh dường như hỗn loạn. Vật liệu rơi vãi bay mù mịt khiến cho môi trường bị ô nhiễm, nhiều lúc đi trên đường vì tránh xe chở cát mà lao xuống mương cạnh đường, rất nguy hiểm".

Một người dân kinh doanh cà phê cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh này bật mí: "Ở đây xe quá tải nhiều lắm, chạy nhiều nhất là buổi giữa trưa và ban đêm. Có lúc cũng thấy CSGT đi tuần tra nhưng không hiểu sao chẳng xử lý. Chỉ thấy ra hiệu cho xe dừng lại nói cái gì đó vài giây với tài xế, xong lại cho đi…?".

Được biết, hiện tượng xe chở cát quá tải chạy trên tuyến đường này diễn ra từ lâu nay, nhất là mấy tháng trở lại đây mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt xe chở cát quá tải nghênh ngang chạy trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Hiện tượng trên không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm hỗn loạn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao mà còn phá hỏng nhiều đoạn đường. Trên thực tế nhiều đoạn đường trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã bị bong tróc, xuất hiện nhiều ổ gà... nguyên nhân một phần cũng do xe quá khổ, quá tải gây nên.

Theo phản ánh của người dân, việc cơ quan chức năng xử lý hời hợt, không nghiêm cũng là một trong những nguyên nhân khiến xe chở cát quá tải đang được thế "lộng hành" trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Theo Chỉ thị 32/CT-TTg, ngày 25-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng xe quá tải (XQT) hoạt động trên địa bàn. Với những gì đang diễn ra trên tuyến đường Hồ Chí Minh thì rõ ràng chỉ thị này đang bị “nhờn”. Và liệu đồng chí Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND - kiêm Trưởng ban ATGT TP. Hà Nội sẽ có động thái gì nhằm xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải lộng hành trên các tuyến đường này?

Dưới đây là một số hình ảnh xe cơi nới thành thùng, có dấu hiệu chở quá tải "băm nát" tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Hà Nội) do PV Tạp chí GTVT thực hiện:

DSC_5808
Một chiếc xe tải chở đá hộc đoạn qua đường Hồ Chí Minh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội)

 

DSC_5790
Bằng mắt thường có thể thấy, kích thước thành thùng của chiếc xe này vượt qua cả ca bin, chiều cao vượt quá quy định cho phép

 

DSC_5874
Nhìn chiếc xe này, nhiều người cứ nghĩ là "quả núi khổng lồ" đang di chuyển trên đường

 

DSC_5824
Từng đoàn xe tải chở xi măng nối đuôi nhau qua cầu Cời

 

DSC_5861
Theo điều tra, hàng đoàn xe tải này đều ăn hàng tại các mỏ đá trên địa bàn huyện Lương Sơn, Hòa Bình rồi nối đuôi nhau  xuôi về về QL 21 đi các quận nội thành Hà Nội

 

DSC_5791
Nhan nhản các xe có thành thùng "cao ngất"

 

DSC_5805
Chiếc xe này từ mỏ 7 đi ra đường trong tình trạng che chắn sơ sài, làm bụi đá bay mù mịt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông

 

DSC_5813
Một chiếc xe đầu kéo chất đầy xi măng, có dấu hiệu quá tải, di chuyển với tốc độ cao khiến người tham gia giao thông hú vía

 

DSC_5868
Các xe Dongfeng có tải trọng 8 tấn nhưng được "phù phép" chở lên tới 30 tấn

 Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./. 

Ý kiến của bạn

Bình luận