Bộ trưởng Bộ GTVT: "Không dùng tiền Nhà nước sửa cầu Vàm Cống"

Chính trị 02/11/2018 06:45

Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao.

 

45197800_735776803456490_7744218611878723584_n_thu
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của các đại biểu

Chi phí sửa chữa cầu Vàm Cống do Chính phủ Úc tài trợ

Trả lời chất vấn của ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) về kinh phí thuê tư vấn thẩm tra, sửa cầu Vàm Vống, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói: Về một số sự cố trên cầu Vàm Cống, đây là dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, hết sức quan trọng. Trong dự án này Chính phủ Úc đã tài trợ cho chúng ta không hoàn lại 100 triệu USD để phát triển cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh.

Ngoài ra, Chính phủ Úc tài trợ không hoàn lại cho công tác tư vấn. Do đó, riêng cây cầu Vàm Cống khi xảy ra sự cố kỹ thuật, Chính phủ Úc sử dụng tiền viện trợ còn lại tiếp tục hỗ trợ cho dự án… Có nghĩa là công tác liên quan đến thiết kế, sửa chữa và tổng kiểm tra chất lượng sau khi sử dụng thì dùng nguồn vốn của Chính phủ Úc… Chúng ta hoàn toàn không sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.

Trước đó, sáng ngày 1/11, Bộ trưởng Thể trả lời về tình trạng của công trình này: "Về cầu Vàm Cống, đây là công trình quan trọng tại ĐBSCL. Công trình chúng ta sử dụng vốn ODA và các đơn vị nước ngoài thi công. Khi thi công phát hiện một vài yếu tố liên quan đến chất lượng, chúng tôi tổ chức đấu thầu quốc tế xem xét nguyên nhân.

Sau khi có nguyên nhân, chúng tôi đã trình hội đồng phương án sửa chữa. Theo kế hoạch cuối năm 2018 dự án sẽ hoàn thành. Đây la dự án quan trọng, chúng tôi đang đấu thầu tư vấn, sau khi sửa chữa xong, sẽ kiểm định toàn cầu để đảm bảo an toàn. Đầu năm 2019 sẽ kiểm định toàn cầu. Hy vọng đến tháng 6/2019 sẽ khánh thành."

Tăng trưởng của Việt Nam trong 3 thập niên qua rất ấn tượng

45121057_745475825787808_6906274813166223360_n

Cũng trong chiều 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn phát biểu, trả lời một số vấn đề đại biểu nêu. Theo Thủ tướng: Gần 75 năm sau ngày độc lập, gần 45 năm sau thống nhất và hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi có nhiều thành công trong phát triển và giảm nghèo. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) có tên “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam” ghi nhận trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục triệu người.

Mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi Đổi Mới là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.

Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỷ đô-la Mỹ năm 1985 lên ước đạt 244 tỷ đô-la Mỹ năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 đô-la Mỹ nay đã tăng lên gần 2.540 đô-la Mỹ (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 đô-la Mỹ).

Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 90, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Mỹ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần…

Ý kiến của bạn

Bình luận