Bộ trưởng GTVT giải đáp nhiều vấn đề “nóng” trước Quốc hội

Tác giả: PV tổng hợp

saosaosaosaosao
Chính trị 23/06/2018 06:40

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ngày 4/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là thành viên đầu tiên của Chính phủ trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao nhất để cử tri cả nước giám sát.

 

BT tra loi chat van.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

 Vẫn “nóng” câu chuyện BOT

Trong phiên chất vấn đã có hơn 10 ý kiến của các đại biểu Quốc hội hỏi về các vấn đề liên quan đến BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã giải trình và trả lời. Theo luật và nghị định của Chính phủ, giai đoạn qua chúng ta tổ chức đấu thầu dự án BOT và ký hợp đồng BOT. Trong dự án BOT có nhiều phần gọi là dự phòng như: Dự phòng trượt giá, dự phòng khối lượng, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và những vấn đề phát sinh kinh phí. Do đó, dự án BOT được duyệt bao gồm các khoản có thể phát sinh nên dự án có giá trị lớn. Căn cứ vào quy định của pháp luật, Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT theo dự án được duyệt, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Trong quá trình thực hiện dự án BOT, Bộ GTVT chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán.

Thời gian qua, với 56 trạm BOT thì Kiểm toán Nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai. Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có 01 điều khoản là giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ GTVT điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí. Việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự chênh lệch là điều hiển nhiên. Với những dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít phát sinh khối lượng thì những phần dự phòng này là phần chênh lệch số năm mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra. Số liệu của Kiểm toán Nhà nước và số lượng quyết toán của Bộ GTVT luôn tương đồng với nhau. Đặc biệt, số lượng quyết toán của Bộ GTVT trong nhiều dự án còn thấp hơn cả số liệu của Kiểm toán Nhà nước. Về thu phí BOT, trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân, vừa qua khi mặt bằng giá tăng cao, Bộ GTVT đã rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2 - 3 lần, từ 35 nghìn đồng/xe con xuống chỉ còn 15 nghìn đồng/xe con.

Đối với thể chế đầu tư, Bộ trưởng cho biết thể chế thực sự chưa hoàn chỉnh nên việc triển khai đã gặp một số vướng mắc, nhất là thời điểm Luật Đầu tư công chưa ra đời. Liên quan đến biểu hiện sai phạm thực hiện BOT, Bộ đang tiếp thu và khắc phục triệt để, xử lý cương quyết, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các luật liên quan, trong đó quy định toàn bộ trách nhiệm, cơ chế chính sách liên quan.

Về vấn đề xét duyệt thanh quyết toán, đặt trạm thu phí, Bộ trưởng khẳng định không dự án nào không tổ chức đấu thầu, không mời thầu công khai trên trang web đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời hạn một tháng theo quy định. Trong thời gian này, những nhà đầu tư quan tâm sẽ nghiên cứu thông tin, hồ sơ để tham gia. Với những dự án có hai nhà đầu tư tham gia trở lên, Bộ sẽ tổ chức tham gia đấu thầu theo luật định. Tuy nhiên trong giai đoạn đó, chúng ta triển khai rất nhiều dự án BOT. Nhiều nhà đầu tư chưa rành thủ tục hoặc vẫn đang có nhiều công việc nên không tham gia. Nhiều dự án chỉ có một nhà đầu tư tham gia nên Bộ GTVT không thể tổ chức đấu thầu. Một số dự án Bộ GTVT kéo dài thời gian thông báo trên trang web đấu thầu để mong muốn có thêm nhà đầu tư nhưng không có. Luật cho phép Bộ GTVT chỉ định thầu nếu chỉ có 01 nhà thầu tham gia.

Việc này đã được Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư giám sát chặt chẽ. Về câu hỏi việc đấu thầu có hình thức hay không, Bộ trưởng trả lời là Luật Đấu thầu của ta hết sức chặt chẽ. Cơ quan chức năng hiện nay cũng tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện Luật. Nếu phát hiện có việc thông thầu, vi phạm luật, căn cứ vào Luật Đấu thầu sẽ xử lý nghiêm. Về việc một số dự án kéo dài gây lãng phí, việc này là có. Khi tham gia đấu thầu, nhà thầu đều mong muốn nhận được nhiều công trình dự án. Một số nhà thầu trúng nhiều dự án, rải rác ở địa phương. Vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương chưa chặt chẽ. Một số dự án sau khi trúng thầu, năng lực tài chính không đáp ứng được nên một số công trình còn chậm.

Về ý kiến cho rằng xét duyệt dự toán, vị trí đặt trạm thu phí BT, BOT có thể dẫn đến thất thoát, Bộ trưởng khẳng định đã làm hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Thời gian qua, khi thực hiện các dự án BOT, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán cho Bộ GTVT. Những dự án BOT khi triển khai, những quy định về vị trí, mức thu đều được giám sát chặt chẽ. Về giải pháp lâu dài, sau khi dự án được duyệt, dự phòng rất lớn. Vì vậy, hiện nay với những dự án sẽ triển khai, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sau khi dự án được duyệt, Bộ GTVT sẽ tiến hành lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán, phê duyệt hồ sơ dự toán của hồ sơ thiết kế kỹ thuật để sao cho gần sát với thực tế, tránh tình trạng ký hợp đồng cao nhưng thực tế lại thấp. Việc này, chúng tôi đã triển khai cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông và các dự án hiện nay.

Trả lời về vấn đề thu phí không dừng, Bộ trưởng khẳng định đây là chủ trương đúng đắn. Thủ tướng đã ban hành Quyết định 07, trong đó nêu rõ đến cuối năm 2018, toàn bộ dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải hoàn thành thu phí tự động, toàn bộ trạm BOT trên các tuyến đường còn lại phải hoàn thành vào cuối năm 2019. Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai quyết liệt và coi việc thu phí tự động không dừng là giải pháp công khai, minh bạch tốt nhất...

Tiếp tục kiềm chế TNGT

Trả lời các đại biểu Quốc hội về vấn đề UTGT, kiềm chế và kéo giảm TNGT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, tình trạng UTGT diễn biến phức tạp tại các thành phố lớn, dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao mặc dù thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã rất quyết tâm vào cuộc. Chúng ta có thể thấy các đô thị lớn đều đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm với rất nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, tuy nhiên trong nhiều giai đoạn quy hoạch lại không sát với thực tiễn. Bộ trưởng nhận thấy rằng cần có điều chỉnh tổng thể quy hoạch tại các thành phố lớn, qua đó giám sát thật chặt việc thực hiện quy hoạch, đặc biệt tại các khu đô thị mới, từ đó mới hy vọng có giải quyết căn cơ để giảm tình trạng UTGT.

Thời gian qua, số người chết do TNGT đã giảm song vẫn còn cao. Các cơ quan chức năng đã thực hiện các giải pháp liên quan, Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của đại biểu để cùng với Ủy ban ATGT Quốc gia tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Qua đây, Bộ trưởng mong người dân cả nước khi tham gia giao thông cần quan tâm chấp hành tốt luật lệ.

Trong nhiều cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đều nghiêm khắc phê bình các địa phương để xảy ra TNGT tăng từ 1 - 3 tiêu chí. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, yêu cầu các địa phương có báo cáo, giải trình cũng như đưa ra giải pháp kiềm chế tai nạn. Tuy nhiên, TNGT không được kiềm chế, tai nạn vẫn xảy ra thì chúng ta cũng cần kiểm điểm để xem trách nhiệm của ban ATGT các địa phương, của Bộ GTVT, của Bộ Công an như thế nào. Về phía Bộ GTVT sẽ nghiêm túc tiếp thu. Bộ sẽ chỉ đạo lực lượng TTGT, Tổng cục ĐBVN tăng cường tuần tra kiểm soát, phấn đấu giảm 5 - 10% số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT.

Liên quan đến TNGT đường sắt liên tục xảy ra trong thời gian qua, Bộ trưởng nêu lên thực trạng đường sắt Bắc - Nam hiện nay rất lạc hậu và có những đoạn đã hình thành từ 70 - 80 năm mà chưa có giải pháp nâng cấp. Bộ trưởng nhận trách nhiệm của Ngành trong công tác tham mưu, nâng cao chất lượng đường sắt. Hiện nay, còn 5.719 điểm giao cắt với đường sắt, trong đó hơn 1.519 điểm  giao cắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức ở những đường cắt ngang lớn có nhiều phương tiện qua lại, còn lại đường giao cắt dân sinh là đường nhỏ kết nối các khu cụm dân cư, những đường giao cắt này luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Để chấn chỉnh, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành có đường sắt đi qua, cam kết với các địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý, xem xét trách nhiệm nào của Bộ GTVT, trách nhiệm nào thuộc về địa phương, đồng thời tăng cường tự động hóa hoặc đưa ra các giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt tốt hơn. Về lâu dài, Bộ GTVT đang chuẩn bị Đề án xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để trình Quốc hội.

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến đầu tư, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông…

Ý kiến của bạn

Bình luận