Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu 5 giải pháp tạo đột phá hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 18/07/2023 13:33

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ khoảng 738.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ, giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ, chủ yếu tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.

Sáng 18/7 tại TP.HCM, Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ tổ chức Hội nghị lần thứ nhất. Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh Thành Nhân)

Vùng Đông Nam bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Vùng có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước (năm 2022). Là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) của quốc gia.

Tại hội nghị, đại diện Văn phòng Chính phủ công bố quyết định thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ và ra mắt Hội đồng điều phối vùng do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Hội đồng.

Hội nghị cũng thảo luận việc lập quy hoạch TP.HCM với vai trò trung tâm vùng gắn với định hướng kết nối đô thị, kết cấu hạ tầng, thúc đẩy liên kết nội vùng. Việc lập quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng, phục vụ mục tiêu xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thành Nhân)

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng Đông Nam bộ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Về đường bộ cao tốc đã đưa vào khai thác 103km, đang thi công 178km và chuẩn bị khởi công 126km, phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400km đường cao tốc đưa vào khai thác.

Về cảng biển, riêng khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải trên 80% lượng hàng hóa thông qua cảng được gom và rút hàng bằng đường thủy nội địa. Bộ GTVT đang đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải vào khu bến cảng và nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Về cảng hàng không, đã hoàn thành nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga CHKQT Tân Sơn Nhất, đang gấp rút triển khai thi công CHKQT Long Thành, nhà ga T3 CHKQT Tân Sơn Nhất và nghiên cứu nâng cấp, cải tạo CHK Côn Đảo, Biên Hòa.

Tuy nhiên, đây mới là những kết quả bước đầu, hệ thống hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn tồn tại hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, mạng lưới kết nối liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, các tuyến Vành đai 3, 4 TP. Hồ Chí Minh chưa hoàn chỉnh, chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ khoảng 738.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ, giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ, chủ yếu tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.

Trong đó, ưu tiên tập trung hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM gồm: Hoàn thành đường Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức  Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa. 

Đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch. Nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình đường bộ giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 187.200 tỷ, giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu vốn đầu tư khoảng 273.520 tỷ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ

Bộ GTVT cũng đề xuất 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai nhằm thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ.

Thứ nhất, về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch cần sớm hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng Đông Nam bộ, trong đó tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, các cơ quan, địa phương quản lý quy hoạch có trách nhiệm thực hiện, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia.

Thứ hai, trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển đến năm 2030 của vùng; Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng điều phối Vùng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT và các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển KCHTGT của vùng Đông Nam bộ để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước với mục tiêu: "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

Thứ ba, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của Thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua. Thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương có năng lực kinh nghiệm thực hiện đầu tư.

Thứ tư, các địa phương trong vùng cần chủ động dành nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp kịp thời các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và cảng thủy nội địa, để đảm bảo khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông, không để xảy ra tình trạng "cảng chờ đường" gây lãng phí nguồn lực.

Thứ năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong vùng tiếp tục phát huy vai trò "năng động, sáng tạo", "dám nghĩ, dám làm", tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và toàn xã hội. Địa phương chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác đền bù GPMB, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, liên vùng nhất là hạ tầng giao thông.