Giá trị giải ngân hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2022
Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 95.222 tỷ đồng. Trong đó, vốn được giao năm 2023 là 94.161 tỷ đồng, vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 1.061 tỷ đồng.
Thống kê của Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, đến cuối tháng 6/2023, Bộ GTVT giao chi tiết cho các dự án với tổng số 95.196/95.222 tỷ đồng (đạt 99,9%). Còn lại, 26,331 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan Trung ương chưa thể phân bổ do chưa có kế hoạch trung hạn.
Kế hoạch vốn năm 2023 chủ yếu tập trung giao cho 12 chủ đầu tư, ban QLDA do Bộ GTVT quản lý (được giao 86.795 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 91,2% tổng số vốn được giao của Bộ GTVT). Các chủ đầu tư còn lại gồm: 24 sở GTVT, VEC và 2 trường cao đẳng được giao 8.400 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 8,8%) chủ yếu tập trung để quyết toán dự án và hoàn vốn ứng trước.
Tính đến ngày 30/6/2023, Bộ GTVT ước giải ngân khoảng 35.627 tỷ đồng, đạt khoảng 37,4% kế hoạch năm. Tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký đầu năm (35.627/38.154 tỷ đồng, đạt 93,3%).
Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết thêm, kết quả giải ngân hiện cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ so với năm 2022. Cụ thể, giá trị gấp hơn 2 lần (6 tháng đầu năm 2022 giải ngân 16,828 tỷ đồng); tỷ lệ cao hơn 7% (6 tháng đầu năm 2022 giải ngân 30,5% kế hoạch năm).
"Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT luôn cao hơn mức trung bình của cả nước", lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định và thông tin, giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm nay tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam (24.466 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 69% giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT).
Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân 7.017/17.157 tỷ đồng, đạt 40,9% kế hoạch năm; đáp ứng kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đăng ký (7.017/6.828 tỷ đồng, đạt 103%). Tuy nhiên, vẫn có một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như: QL.45 - Nghi Sơn (đạt 50%), Cam Lộ - La Sơn (đạt 62%); Nghi Sơn - Diễn Châu (đạt 75%).
Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 17.448/45.474 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch năm, chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (17.448/21.172 tỷ đồng, đạt 82%). Một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như: Bãi Vọt - Hàm Nghi (đạt 69%), Hàm Nghi - Vũng Áng (đạt 59%); Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (đạt 66%); Bùng - Vạn Ninh (đạt 69%).
Các dự án trọng điểm, cấp bách giải ngân 338/1.855 tỷ đồng, đạt 18,2% kế hoạch năm, chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (338/624 tỷ đồng, đạt 54%). Một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như: Cải tạo công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh (đạt 15%); cải tạo công trình thiết yếu đoạn Vinh - Nha Trang (đạt 41%); dự án gia cố hầm yếu đoạn Vinh - Nha Trang (đạt 43%); dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Pháp Vân - Cầu Giẽ do Sở GTVT tỉnh Hà Nam và Hưng Yên là chủ đầu tư đạt khoảng 10%.
Cùng với đó, các dự án ODA giải ngân 4.471/7.799 tỷ đồng, đạt 57,3% kế hoạch năm, đáp ứng kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đăng ký (4.471/4.034 tỷ đồng, đạt 111%). Các dự án trong nước khác giải ngân 6.350/22.909 tỷ đồng, đạt 27,7% kế hoạch năm, đáp ứng kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đăng ký (6.350/5.496 tỷ đồng, đạt 115%).
Quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Đến hết tháng 6/2023, các chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT giải ngân 32.133 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 90,2% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT), đạt 37% kế hoạch năm và 90% kế hoạch giải ngân 6 tháng do các chủ đầu tư đăng ký.
Các chủ đầu tư khác giải ngân 3.492/8.400 tỷ đồng, đạt 41,6% kế hoạch năm và 132% kế hoạch giải ngân 6 tháng do các chủ đầu tư đăng ký.
Một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 95% kế hoạch đăng ký cần quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới. Trong đó, có 5/12 chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT, gồm: Ban QLDA 2 giải ngân 3.509/4.985 tỷ đồng, đạt 70%; Ban QLDA Thăng Long giải ngân 3.616/4.580 tỷ đồng, đạt 79%; Ban Quản lý các dự án đường thủy giải ngân 497/587 tỷ đồng, đạt 85%; Ban QLDA 6 giải ngân 4.095/4.545 tỷ đồng, đạt 90%; Cục ĐBVN giải ngân 833/904 tỷ đồng, đạt 92%.
Cùng với đó, có 3/27 chủ đầu tư khác gồm: Sở GTVT tỉnh Hưng Yên giải ngân 4/61,4 tỷ đồng, đạt 7%; Sở GTVT tỉnh Hà Nam giải ngân 4/19 tỷ đồng, đạt 22%; Ban QLDA công trình giao thông và nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk giải ngân 60/174 tỷ đồng, đạt 35%.
Theo kế hoạch, các chủ đầu tư, ban QLDA đăng ký quý III/2023 ước giải ngân khoảng 21.281 tỷ đồng. Ước giải ngân tháng 7/2023 khoảng 6.815 tỷ đồng, trong đó có 4 ban QLDA đăng ký kế hoạch giải ngân lớn, cần tập trung chỉ đạo thực hiện, gồm: Ban QLDA 85 là 1.521 tỷ đồng, Ban QLDA 2 là 1.025 tỷ đồng, Ban QLDA 7 là 866 tỷ đồng và Ban QLDA Thăng Long là 786 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn lớn nhất trong lịch sử và có thể sẽ tiếp tục được tin tưởng giao thêm trong thời gian tới. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các ban QLDA, chủ đầu tư phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất nhằm thực hiện bằng được mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo yêu cầu của Chính phủ.
Đề cập tới cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu hoàn thành dứt điểm các hạng mục còn lại như đường gom, nút giao… của các dự án đã khánh thành. Đối với các dự án khánh thành trong những tháng tiếp theo của năm 2023 như: QL.45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ..., các ban QLDA phải nỗ lực tối đa khắc phục khó khăn, dồn lực hoàn thành đúng tiến độ.
"Không được chậm trễ hoàn thành kế hoạch. Không được chủ quan. Không được để nước đến chân mới nhảy", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh và đặc biệt lưu ý tình trạng chậm tiến độ vẫn còn xảy ra tại một số dự án.
Người đứng đầu ngành GTVT nêu rõ yêu cầu, các nhà thầu chậm tiến độ sẽ bị xử lý nghiêm minh, không cho tham gia các dự án mới cho đến khi khắc phục tốt tình trạng chậm trễ. Trong đó, các dự án mới triển khai quá trình phát hành hồ sơ mời thầu, cần phải xác định rõ, kiên quyết gạt các nhà thầu chậm sang một bên. Song hành với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ rõ các chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ không được giao thêm dự án, bao gồm cả các dự án đã được giao chuẩn bị đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng biểu dương một số dự án có tiến độ giải ngân vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm như: Vũng Áng - Bùng (đạt 115%), Vạn Ninh - Cam Lộ (đạt 102%). Bộ trưởng cũng biểu dương các dự án đạt khối lượng giải ngân hơn 90% so với kế hoạch đăng ký. Theo Bộ trưởng, đây là minh chứng phản ánh rõ nét rằng công tác giải ngân của Bộ GTVT ở phần lớn các dự án đều được thực hiện rất tốt.
Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm cần phải quyết liệt thực hiện trong những tháng tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban QLDA, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, thủ tục hồ sơ nghiệm thu, thanh toán, đồng thời thúc đẩy hoàn thành các thủ tục về đầu tư, đặc biệt chủ động xử lý các tồn tại, vướng mắc để phê duyệt 14 dự án trong quý III/2023 theo kế hoạch. Sở GTVT các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án mới, trước mắt là các dự án khởi công trong quý III/2023.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.