Chuẩn bị trình chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 TP. HCM

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 17/10/2024 09:14

TP. HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 TP. HCM.

Ngày 16/10, tại UBND TP. HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã có buổi làm việc với các tỉnh trong vùng dự án đường Vành đai 4.

Chuẩn bị trình chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 TP. HCM - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu phải ưu tiên để triển khai dự án đường Vành đai 4 - TP. HCM theo hình thức PPP và có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư

Dự án công trình đường bộ Vành đai 4 TP. HCM có chiều dài 207 km đi qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (dài 18,7 km), Đồng Nai (45,6 km), Bình Dương (47,45 km), TP. HCM (17,3 km) và Long An (dài nhất với 78,3 km) với tổng mức đầu tư dự kiến gần 137.000 tỷ đồng (đã điều chỉnh).

Để kịp trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo UBND TP. HCM khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, trình Quốc hội.

Tại buổi làm việc, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, Ủy ban Thành phố đã thành lập tổ công tác chuẩn bị, tham mưu, trình chủ trương đầu tư dự án; đề nghị các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung cao độ, khẩn trương phối hợp với Thành phố hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể, trình các cấp thẩm quyền.

Tổng mức đầu tư của dự án thời điểm hiện tại khoảng 136.948 tỷ đồng. Dự kiến vốn ngân sách Trung ương khoảng 49.902 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 37.028 tỷ đồng, cùng vốn nhà đầu tư trên 50.000 tỷ đồng.

Trong các địa phương có dự án đi qua, đoạn qua địa phận tỉnh Long An có mức đầu tư lớn nhất với khoảng 69.323 tỷ đồng; Đồng Nai hơn 24.000 tỷ đồng; Bình Dương hơn 20.487 tỷ đồng; TP. HCM khoảng 14.546 tỷ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 8.579 tỷ đồng.

Đối với đoạn tuyến Vành đai 4 trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay chưa đảm bảo quy chuẩn về đường cao tốc, chưa bổ sung hạng mục cầu Thủ Biên vào dự án và phương án tài chính chưa đồng bộ. Do đó, TP. HCM kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến để tỉnh Bình Dương đề xuất phương án phù hợp, đảm bảo đồng bộ với các dự án thành phần.

Chuẩn bị trình chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 TP. HCM - Ảnh 3.

Đoạn tuyến Vành đai 4 đi qua địa bàn huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Đại diện các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát hồ sơ, tổng mức đầu tư, phương án tài chính của các dự án thành phần để sớm gửi TP. HCM tổng hợp, hoàn thiện.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhận định, hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi của dự án được Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) tổng hợp trên cơ sở báo cáo của 5 dự án thành phần. Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị UBND TP. HCM chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ lưỡng các dự án thành phần để tổng hợp, đảm bảo đầy đủ nội dung và tính thống nhất trong hồ sơ.

“Quá trình chuẩn bị phải tính toán các phương án, khảo sát cụ thể hướng tuyến, các nút giao, công tác GPMB, đường song hành, các cầu vượt…, bên cạnh đó phải ưu tiên việc làm thế nào để triển khai dự án đường Vành đai 4 - TP. HCM theo hình thức PPP và có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư. Khi triển khai dự án BOT, chúng ta cần nghiên cứu cơ chế chung cho các địa phương, đồng thời nghiên cứu phương án hoàn vốn sớm nhất, tránh kéo dài việc thu phí”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định, dự án đường Vành đai 4 - TP. HCM mang tính chất liên kết vùng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, các địa phương cũng cần tập trung nguồn lực, nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, sơ bộ tổng mức đầu tư từng đoạn tuyến, phân chia dự án để thống nhất việc bố trí vốn cho phù hợp. Về xin cơ chế đặc thù cho dự án, Bộ GTVT sẽ xem xét báo cáo và trình Quốc hội sớm nhất.