Ngày 9/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã có buổi kiểm tra tình hình triển khai thi công xây dựng dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Đây là đoạn cao tốc cuối cùng trên trục cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường cao tốc xuyên Việt đầu tiên được xây dựng.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đang được các đơn vị tập trung thi công để hoàn thành theo kế hoạch vào cuối năm 2025.
Khó khăn chung của dự án là việc khan hiếm nguồn vật liệu. Mặc dù tổng trữ lượng cát của các địa phương đã cấp cho dự án khoảng 24,5 triệu m3 (cát sông 19 triệu m3, cát biển 5,5 triệu m3) nhưng đến nay chỉ mới khai thác được 11,73 triệu m3 cát.
Tuy nhiên, do một số mỏ khai thác vượt độ sâu, sạt lở bờ sông hoặc chất lượng cát không đảm bảo nên dự kiến đến cuối năm 2024 chỉ khai thác thêm được khoảng 0,72 triệu m3 cát sông (công suất 30.000 m3/ngày).
Đối với khối lượng cát còn thiếu, Ban QLDA Mỹ Thuận đã làm việc với tỉnh Bến Tre, dự kiến ngày 10/12/2024 bắt đầu khai thác, đồng thời yêu cầu nhà thầu bổ sung thêm nguồn cát tại Campuchia và cát biển. Đặc biệt, nhà thầu phải chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác để gia tải nền đường trong trường hợp nguồn cát đưa về công trường còn hạn chế.
Ban QLDA Mỹ Thuận cũng yêu cầu, trong thời gian tới nhà thầu khẩn trương huy động ngay dây chuyền để thi công cấp phối đá dăm, bê tông nhựa để triển khai thi công các đoạn đủ điều kiện dỡ tải trước (tháng 3/2025 dỡ tải khoảng 8,35 km đoạn đầu tiên), đồng thời triển khai ngay các hạng mục ATGT (hàng rào, sản xuất hộ lan, biển báo…
Đại diện liên danh gói thầu thi công, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật Vinaconex E&C cho biết, công suất khai thác cát biển tối đa trong một tháng là 750.000 m3. Hiện nay, đơn vị đã khai thác và đưa về công trường 805.000 m3. Quá trình vận chuyển cát đến điểm tiếp nhận cách nhau hơn 180 km, do đó còn nhiều khó khăn. Hiện nay, khu vực khai thác đang vào mùa gió chướng, do đó công suất chỉ duy trì được 6.000 m3 đến 8.000 m3.
Đối với chất lượng cát biển, ông Dũng thông tin, độ mặn đo tại cửa biển 6%o, tại công trường là 3 - 4%o, thấp hơn so với độ mặn tại khu vực địa phương như ruộng lúa vuông tôm khoảng 17 - 25%o.
Bên cạnh đó, quá trình theo dõi và đánh giá các mùa vụ sản xuất của người dân hai bên tuyến vẫn luôn ổn định. Đặc biệt, tại khu vực thí điểm cát biển được hoàn thành từ cuối năm 2023 đến nay, những cánh đồng lúa của người dân hai bên đường vẫn luôn xanh tốt.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực triển khai thi công của Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu trong điều kiện khó khăn về nguồn vật liệu, thời tiết...
Bộ trưởng khẳng định, thời gian hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 không thay đổi. Do đó, chủ đầu tư, nhà thầu cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, tổ chức thi công khoa học, hợp lý, tăng cường "3 ca, 4 kíp" để dự án về đích đúng tiến độ.
Đối với việc sử dụng cát biển tại dự án, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu thí điểm và mở rộng. Qua xem xét, đánh giá, vùng khai thác là cửa biển của sông Hậu, chất lượng cát tốt. Khoảng cách từ mỏ cát biển tới công trường dự án là phù hợp, do đó nhà thầu tập trung khai thác, nâng công suất để đưa cát về công trường trước ngày 31/12.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, các nhà thầu phải tập trung nhân lực, trang thiết bị, tài chính tốt nhất cho dự án. Các tư vấn giám sát đảm bảo năng lực, trách nhiệm cao, đáp ứng được những giải pháp về công nghệ, tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng và tiến độ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.