Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình

Tác giả: PV (theo mt.gov.vn)

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 26/07/2016 09:21

Ngày 25/7, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Ldao tinh TB bao cao 2507
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên báo cáo tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ GTVT: Vụ Kế hoạch Đầu tư, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP), Tổng cục ĐBVN, Ban QLDA6, Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương. Đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Bình có Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Ca cùng các đại biểu trong Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại diện các Sở, Ngành thuộc tỉnh Thái Bình.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên cho biết, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có 4 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 151km, 33 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 291,7km; đường giao thông nông thôn gồm 777km đường huyện, 1.385km đường xã, phường và 6.683km đường thôn xóm và 2,714km đường nội đồng.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải, đồng thời chỉ đạo Sở GTVT xây dựng Đề án sắp xếp lại hoạt động bến xe, tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Công tác KTTT xe lưu động được thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT. Trong thời gian từ 1/1 đến 15/7, đã tiến hành kiểm tra 3.080 xe, xử lý 739 xe vi phạm trong đó có 405 xe vi phạm về tải trọng, xử phát với số tiền 2.362,15 triệu đồng.

Cũng theo báo cáo của tỉnh Thái Bình, trong những năm gần đây, tỉnh luôn giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Trong 7 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 35 vụ TNGT đường bộ, làm chết 35 người, bị thương 14 người; đường thủy xảy ra 1 vụ chết 4 người. Để giúp địa phương phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển đất nước, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ để triển khai xây dựng một số dự án hạ tầng giao thông cấp thiết trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, UBND tỉnh đang trình Bộ KHĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình (dài 44,5km) với tổng mức đầu tư dự kiến là 5.668 tỷ đồng và được đầu tư trong 2 giai đoạn. Tỉnh đề nghị Bộ GTVT sớm thẩm định thiết kế cơ sở và báo cáo Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và hỗ trợ tỉnh Thái Bình từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để sớm triển khai đầu tư giai đoạn 1 của Dự án.

Đối với tuyến đường liên tỉnh nối tỉnh Nam Định với Thái Bình đến đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, đây là một trong những tuyến đường chính trong mạng lưới giao thông Bắc - Nam của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng, tác động lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực. Hiện tỉnh đang phối hợp với tỉnh Nam Định và Hưng Yên lập Đề án báo cáo Bộ GTVT quyết định chuyển tuyến đường trên thành Quốc lộ. Tỉnh đề nghị Bộ GTVT chấp thuận và báo cáo Thủ tướng cho phép Thái Bình triển khai Dự án nâng cấp tuyến đường trên theo hình thức PPP.

Do ngân sách địa phương hạn hẹp, vốn bố trí cho công tác duy tu sửa chữa hàng năm của tỉnh còn hạn chế, tỉnh đề nghị Bộ GTVT, Quỹ Bảo trì đường bộ TW tiếp tục quan tâm, bổ sung vốn bảo trì đường bộ 2016 để thực hiện công tác bảo trì.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT quan tâm bố trí vốn cho một số dự án: Dự án đầu tư xây dựng cầu Cam vượt sông Kiến Giang trên tuyến QL37; Dự án cải tạo nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình, Dự án cải tạo nâng cấp QL39 thuộc Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP)…

BT Nghia KL 2507
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT đầu tư nâng cấp QL10 đoạn từ cầu Nghìn đến Ngã ba Đợi đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng và bổ sung vào Hợp phần BOT nâng cấp QL10 đoạn từ Quán Toan đến cầu Nghìn do Công ty Cổ phần Tasco là nhà đầu tư.

Hiện nay tuyến đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình và cầu Thái Hà vượt sông Hồng dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2016. Trong khi đó, tuyến đường bộ nối đường cao tốc  Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình trên địa bàn tỉnh Hà Nam dài 16,3km thi công còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của toàn bộ dự án. Tỉnh đề nghị Bộ có giải pháp đẩy nhanh tiến độ Dự án.

Sau khi nghe lãnh đạo các cơ quan tham mưu phát biểu ý kiến về các đề xuất của tỉnh Thái Bình, kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhận địnhThái Bình là địa phương gặp nhiều khó khăn trong thiên tai bão lụt. Tuy vậy, vượt qua khó khăn, Thái Bình là điển hình trong cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới đặc biệt là giao thông nông thôn. Nhìn vào con số thống kê đối với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, phường cho đến đường thôn xóm, nội đồng có thể thấy được quyết tâm cũng như chi phí đầu tư lớn của tỉnh dành cho kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ trưởng nhấn mạnh, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bộ trưởng khẳng định, các dự án tỉnh Thái Bình đề xuất đều có tính kết nối cao, các kiến nghị của tỉnh đã tương đối rõ ràng. Bộ GTVT hết sức đồng tình và sẽ song hành với tỉnh, thể hiện trách nhiệm trong quá trình triển khai các dự án.

Bộ trưởng đánh giá cao sự chủ động của tỉnh và ủng hộ tỉnh trong Dự án đường ven biển. Đối với dự án đường liên tỉnh nối với Nam Định, Bộ trưởng đề nghị tỉnh giữ nguyên hình thức đầu tư và Bộ GTVT sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh.

Đối với tuyến đường bộ nối đường cao tốc  Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trên địa bàn tỉnh Hà Nam dài 16,3km còn chậm tiến độ, Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chịu trách nhiệm điều hòa giữa các địa phương, phát huy tốt nhất hiệu quả của dự án đầu tư. Đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Văn Công có văn bản gửi địa phương về Dự án cầu Thái Hà, yêu cầu khẩn trương hoàn thành dứt điểm những đoạn còn chậm, hoàn thiện Dự án một cách đồng bộ.

Theo Bộ trưởng, Thái Bình là tỉnh có nhiều cửa sông, luồng lạch, đề nghị lãnh đạo tỉnh cần có cái nhìn tổng thể để tận dụng thế mạnh tài nguyên, phát triển giao thông đường thủy nội địa.

Ý kiến của bạn

Bình luận