‘Bợm nhậu’ không chịu đo nồng độ cồn vẫn bị phạt 18 triệu

Hoạt động Ban ATGT 24/08/2016 09:17

Sau một tuần thực hiện cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn, CSGT TP Cần Thơ lập biên bản 163 trường hợp vi phạm (trong đó có 15 xe ôtô), 5 trường hợp không chịu đo nồng độ cồn.


 

‘Bợm nhậu’ không chịu đo nồng độ cồn v
Trường hợp đi xe biển xanh, vi phạm bị CSGT Công an TP Cần Thơ xử phạt, tạm giữ phương tiện. Ảnh M.A

Ngày 23/8, Công an TP Cần Thơ tổng kết cao điểm 1 tuần tra quân, từ ngày 16 đến 22/8, xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Lực lượng CSGT toàn thành phố đã phát hiện, lập biên bản xử phạt đối với 163 trường hợp (15 xe ôtô, 148 xe môtô) và 5 trường hợp không chấp hành đo nồng độ cồn, với tổng số tiền xử phạt gần 200 triệu đồng.

Đại tá Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng CSGT (PC67) Công an TP Cần Thơ cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng tuần tra đã kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Nhờ đó, tình trạng người vi phạm giao thông về nồng độ cồn giảm rõ rệt.

Theo lãnh đạo Công an TP Cần Thơ, đây là đợt cao nhằm đảm bảo trật tự an toàn trật tự giao thông và trật tự xã hội trên các tuyến đường nhân dịp kỷ niệm 71 năm CMT8 và Quốc khánh 2/9.

Trọng tâm của đợt cao điểm, là các thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ cùng các địa phương có nhiều khách du lịch đến tham quan, vui chơi và các tuyến giao thông trọng điểm trên tuyến quốc lộ.

“Mức phạt quá nặng nên những ngày qua, tình trạng vi phạm về này độ cồn có giảm. Riêng đối với các trường hợp vi có dấu hiệu vi phạm, có biểu hiện say xỉn được lực lượng làm nhiệm vụ yêu cầu đo nồng độ cồn nhưng không chấp hành thì bị phạt mức cao nhất, đối với ôtô cao nhất là 18 triệu đồng”, lãnh đạo PC67 cho hay. 

2 ‘Bợm nhậu’ không chịu đo nồng độ cồn
Cũng có trường hợp gọi điện thoại nhờ "giải cứu" nhưng không thành công. Ảnh M.A

Cũng theo lãnh đạo PC67, nhiều người khi vi phạm đã gọi điện thoại nhờ các mối quan hệ can thiệp, xin xỏ hoặc rất ngang bướng, dọa dẫm, bất hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ.

Có trường hợp đi ôtô vi phạm nồng độ cồn quậy tưng bừng nên lực lượng làm nhiệm vụ phải đưa cả người và phương tiện về trụ sở làm việc nhưng tài xế vẫn tiếp tục quậy.  Các trường hợp này, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý nghiêm, đúng quy định.

Một cán bộ CSGT cũng cho biết, rất nhiều người thắc mắc chưa rõ uống bao nhiêu bia, rượu sẽ bị phạt. Vì nhiều ý kiến cho rằng, khi gặp bạn bè, thân quen chỉ uống vài ly rượu hoặc vào cốc bia nhưng cũng bị phạt.

3 ‘Bợm nhậu’ không chịu đo nồng độ cồn
Nhiều người chỉ uống vài hớp bia, rượu nhưng tuỳ theo cơ địa vẫn vượt mức cho pháp. Ảnh M.A

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, các trường hợp điều khiển xe ôtô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì tạm giữ phương tiện 7 ngày, phạt 16-18 triệu đồng, tước GPLX 4-6 tháng. Nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, mức phạt cũng 16-18 triệu đồng.

Còn đối với các trường hợp xe môtô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt 1-2 triệu đồng, có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì phạt 3-4 triệu đồng, tước GPLX từ 3-4 tháng.

Ý kiến của bạn

Bình luận