Bốn nhà băng nào đang cho vay BOT nhiều nhất?

15/08/2017 14:40

85-90% vốn đầu tư dự án BOT được vay từ ngân hàng, trong đó 91% dư nợ vay tập trung tại 4 nhà băng lớn.

 

02_YJHS
Ảnh minh họa

Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về giám sát thực hiện chính sách pháp luật đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Báo cáo của Chính phủ trước đó cho biết, phần lớn nguồn đầu tư thực hiện dự án BOT là từ ngân hàng, nhà đầu tư góp 10-15%. 

Bốn ngân hàng cho vay BOT lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB, chiếm 91% dư nợ, trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao.

Đến cuối tháng 12/2016 đã có 20 tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức 163.097 tỷ đồng, tổng số dư tín dụng 84.235 tỷ (chiếm hơn hai phần ba tín dụng cấp cho lĩnh vực giao thông). Hầu hết các khoản tín dụng đều thuộc nợ nhóm 1; nợ nhóm 2 là 23,44 tỷ đồng; nợ xấu 2,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,003%. Dù tỷ lệ nợ xấu thấp, song việc các dự án BOT, BT chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng lại tiềm ẩn rủi ro lớn, đặc biệt với số dự án chậm tiến độ. Hiện có 17 dự án bị chậm tiến độ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là 18.260 tỷ đồng, dư nợ đến cuối tháng 12/2016 hơn 8.600 tỷ.

Việc nguồn lực đầu tư dự án BOT chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, tại một số nhà băng cũng là một trong loạt bất cập mà đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trong báo cáo kết quả giám sát.

Theo cơ quan này, hiện quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư (10-15% tổng mức đầu tư dự án) chưa xét tới phương án tài chính, mức độ rủi ro với từng dự án cụ thể, do đó trong những năm đầu đưa vào khai thác, nhà đầu tư khó thu xếp vốn để trả lãi cho các tổ chức tín dụng. "Doanh thu trong khoảng thời gian đưa các dự án BOT này vào khai thác không đủ bù lãi suất", báo cáo của cơ quan thường vụ Quốc hội nêu. 

Kết quả giám sát còn cho thấy, đang có sự chênh lệch lãi suất đáng kể giữa lãi vay thực tế của các dự án BOT và mức trần lãi suất vay do Bộ Tài chính quy định với trường hợp chỉ định nhà đầu tư. Đơn cử, trong khi lãi suất vay vốn thực tế của các ngân hàng thương mại bình quân trên 15% một năm trong giai đoạn 2011 - 2013, thì lãi vay với nhà đầu tư chỉ định thấp hơn mức này. 

Trưởng đoàn giám sát - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình giám sát một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng cho vay vượt quá 15% vốn tự có, công tác thẩm định khoản vay chưa đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí có nhà băng vi phạm về thẩm định xét duyệt cho vay và vi phạm về hồ sơ vay vốn.

"Một số chi nhánh ngân hàng cung cấp cam kết tín dụng vượt thẩm quyền, vượt định mức, chất lượng tín dụng thấp, tài trợ cho cả các dự án thiếu khả thi tài chính, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư yếu, không góp vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng dự án, như dự án Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình", kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Ngoài ra, theo quy định về tín dụng, các ngân hàng chỉ cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp vay vốn khi dự án có khả năng hoàn vốn. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các nguyên tắc này, có một số trường hợp ngân hàng lại dựa vào thông tin xác nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án, trong khi đây chỉ là bản xác nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư.

Điểm đáng chú ý nữa là, với đặc thù của các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thường có vòng đời dự án dài tới 15 đến 20 năm, nhưng vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Sự chênh lệch kỳ hạn này nếu công tác quản trị rủi ro của ngân hàng không tốt hoặc dự án không thu hồi vốn theo kế hoạch thì rủi ro cho nhà băng là rất lớn. 

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, việc thay đổi chính sách của Nhà nước (giảm phí, tăng phí giao thông...) đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nợ của các ngân hàng; buộc số nhà băng này phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ khi nguồn thu thấp hơn so với phương án tài chính phê duyệt dự án. Chưa kể, tài sản bảo đảm cho các dự án BOT chủ yếu từ vốn vay nên rất khó định giá, tiềm ẩn rủi ro mất thanh khoản, nợ xấu cao nên lượng xe, doanh thu không đạt như dự kiến, gây khó khăn cho các ngân hàng trong thu hồi vốn...

Theo báo cáo của đoàn giám sát, giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động hơn 171.000 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong đó vốn BOT là gần 154.000 tỷ với trên 59 dự án, chiếm khoảng 90,2%.

Đến nay, 55 dự án BOT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác với tổng mức đầu tư gần 138.000 tỷ đồng. Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối cao giữa các vùng miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa như mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...

Nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước vào lĩnh vực cảng biển đạt khoảng 157.600 tỷ đồng với trên 168 cảng bến; khoảng 19.000 tỷ đồng vào lĩnh vực cảng thủy nội địa...

Ý kiến của bạn

Bình luận