Những hành khách đầu tiên đặt chân xuống cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được tặng hoa chúc mừng - Ảnh: CHÍ QUỐC |
TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông - đô thị) cho rằng khi sân bay Cần Thơ mở ra, người ta đã nghi ngại về lượng hành khách, sau đó sân bay tiếp tục nâng cấp làm cảng hàng không quốc tế. Thế nhưng, chưa có có hãng hàng không quốc tế nào đến khai thác sân bay này.
Bù lỗ cho hãng hàng không là trật
Theo TS Sanh, lúc trước tỉnh nào cũng muốn có một sân bay quốc tế. Đến bây giờ vẫn còn ý tưởng đó là một lãng phí ghê gớm.
Không phải mở đường bay qua BăngKok thì khách Thái Lan qua nhiều. Người ta vẫn đến Sài Gòn rồi mới xuống Cần Thơ, thậm chí họ cũng không xuống đó.
Cần Thơ có thể hi vọng mở đường bay sẽ thu hút khách đi du lịch nhưng chú ý rằng Cần Thơ không phải là điểm duy nhất có du lịch sinh thái. Các địa phương ĐBSCL đều có du lịch na ná như nhau.
Cho nên việc UBND thành phố Cần Thơ tính bù lỗ cho các hãng hàng không để thu hút khách bằng ngân sách, theo tôi là trật.
Bởi hút khách không đơn giản là mở đường bay nhiều tại Cần Thơ. Tại sao tỉnh không đẩy mạnh thu hút bằng đường bộ, đường thủy hay bằng một giải pháp khác. Thậm chí hỗ trợ vé máy bay giá như 1 triệu thì giảm còn 500.000 đồng cho hành khách?
TS Sanh đề nghị thay vì bù lỗ như vậy thì phục vụ xe buýt miễn phí, đưa đón tận nơi khi khách xuống sân bay sẽ có tín hiệu tốt hơn. Khách nhiều, nhu cầu đi lại đông thì các hãng hàng không sẽ chủ động mở chuyến ngay, khỏi lo chuyện đó. Nếu khách không có thì có ép hãng hàng không mở đường bay cũng không được.
Không thể phục vụ cho một nhóm người
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng khẳng định việc bù lỗ cho hãng hàng không khi mở đường bay mới, xét về bình diện quốc gia, nó có thể làm méo mó thị trường hàng không vốn là cạnh tranh kinh tế thị trường. Nếu Cần Thơ bù lỗ được, địa phương khác làm nữa thì sẽ không thích hợp.
Trường hợp địa phương có tài nguyên thiên nhiên hay có cái gì rất tốt nhưng bị ngăn sông cách trở hoặc bị cô lập quá, bù lỗ cho hãng hàng không mở đường bay mới hợp lý.
Tuy nhiên, ở Cần Thơ thì bản thân sân bay Cần Thơ khi lập ra đã nhận nhiều khuyến cáo là không nên mở sân bay đó.
Đáng lưu ý rằng khi đã thấy lãng phí rồi mà địa phương còn quyết tâm làm, bù lỗ bằng ngân sách nữa là “có vấn đề”.
Địa phương nếu có kinh phí nên đi vào chuyện mở mang cái gì đó mang tính chung toàn vùng để mọi người được hưởng lợi chung, thu hút du khách đến, tránh trực tiếp hỗ trợ cho công việc cụ thể mà chỉ có lợi ích cho một nhóm người.
Nó không theo xu hướng của thị trường. Thí dụ, dành số tiền bù lỗ đó để miễn thu phí cầu Cần Thơ sẽ tốt hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế Cần Thơ...
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng việc Cần Thơ tìm cách để các hãng hàng không mở rộng đường bay đi/đến Cần Thơ góp phần phát triển kinh tế là điều hợp lý. "Tuy nhiên, mở đường bay mà muốn lấy ngân sách để bù lỗ đường bay mới, tôi đề nghị phải xem xét lại." - Ông Lê Đăng Doanh nói. Cần phải xem lại tỉ lệ bù lỗ như thế nào, nếu có thể chỉ nên tham gia làm mồi chứ không nên bù lỗ quá lớn cho hoạt động kinh doanh. Có thể khuyến khích chọn ra một số đường bay quốc tế thật sự tiềm năng để hỗ trợ một phần giá vé nếu như hãng có lỗ. Trường hợp hãng hàng không lỗ, tỉnh tham gia tính toán bù bao nhiêu phần trăm thôi. Ông Lê Đăng Doanh cho rằng: "Đề xuất bù lỗ này cần phải giám định độc lập, giám sát chặt chẽ về chi phí, tránh bị bóp méo số tiền thực sự bù lỗ." |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.