Trong 110 năm hình thành và phát triển, Bugatti đã cho ra đời rất nhiều mẫu xe để đời với hiệu năng vượt trội song hành cùng sự sang trọng. Và một trong số những chiếc xe vĩ đại nhất chính là Type 57 SC Atlantic. Được sản xuất trong giai đoạn 1936-1938, chỉ có đúng 4 chiếc Type 57 SC Atlantic đã được xuất xưởng. Ba trong số này vẫn đang được lưu giữ cẩn thận trong chi chiếc còn lại vẫn ‘bặt vô âm tín’ sau hơn 80 năm qua. Hiện tại, đây là những chiếc xe giá trị nhất trên hành tinh.
Vào thập niên 30 của thế kỷ trước, con trai của Ettore Bugatti – người sáng lập thương hiệu xe thể thao nước Pháp đã bắt tay hiện đại hóa di sản của cha mình. Thay vì sản xuất những model khác nhau, ông chỉ tập trung vào một model duy nhất và từ đó phát triển các biến thể của nó. Và Type 57 SC Atlantic là một trong số đó. Ban đầu, Type 57 được thiết kế dưới dạng xe thương mại sản xuất hàng loạt và đi kèm với một biến thể dành cho đường đua.
Và sau đó, dòng sản phẩm này bắt đầu sinh sôi nảy nở với những khác biệt về động cơ và kiểu dáng. Có thể kể đến bản sedan 4 cửa Galibier, sedan 2 cửa Ventoux, coupe Atalante (nối tiếp bản Atlantic) hay mui trần Stelvio. Đến năm 1940, dây chuyền sản xuất dòng xe này chính thức ngừng lại với khoảng 800 chiếc Type 57 thuộc đủ mọi phiên bản đã xuất xưởng. Và đây cũng là model có sản lượng cao nhất trong lịch sử của Bugatti.
Ở thời điểm ra mắt, Type 57 SC Atlantic đã tạo nên một cơn sốt với thiết kế được đánh giá là hoàn mỹ và độc đáo ở thời điểm đó. Bộ vành quá nổi bật cùng với phần nắp ca-pô siêu dài là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất, bên cạnh thiết kế mui xe thuôn dần về phía sau và cụm 6 ống pô ở đuôi xe. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua sự mềm mại, nuột nà của vòm bánh xe, đóng góp đáng kể vào vẻ đẹp tổng thể của Type 57 SC Atlantic.
Theo tìm hiểu, Type 57 SC Atlantic được phát triển từ nguyên mẫu Aérolithe (tên gọi khác là Coupé Special hay Coupé Aero). Jean Bugatti đã sử dụng vật liệu Elektron có nguồn gốc từ ngành hàng không để tạo nên phần thân của chiếc xe. Được biết, Elektron là một loại hợp kim với 90% thành phần là magie, 10% còn lại là nhôm. Vật liệu này vừa nhẹ vừa cứng cáp nhưng rất khó chế tác và không thể hàn. Đó là lý do vì sao mà Bugatti phải dùng đinh tán để ghép các tấm lại với nhau và dẫn đến sự hình thành của những ‘đường may thần thánh’.
Trên phiên bản sản xuất, Jean đã quyết định sử dụng nhôm nhưng vẫn lưu lại những con đinh tán trên các đường nối. Về phần tên gọi Atlantic, đó là một cách để Jean tương nhớ đến người bạn của mình – Jean Mermoz, người phi công đầu tiên dám băng qua Nam Đại Tây Dương bằng máy bay. Và ông đã không bao giờ trở lại sau khi thực hiện một chuyến bay tương tự vào năm 1936 trên một chiếc phi cơ gặp sự cố.
Trái tim của Type 57 SC Atlantic là cỗ máy i8 có dung tích 3,3 lít không chỉ mạnh mẽ mà còn rất yên tĩnh. Động cơ này sản sinh công suất tối đa gần 200 mã lực, cho phép chiếc xe đạt vận tốc hơn 200km/h – một con số không tưởng ở thời điểm đó. Nên nhớ rằng, ở giai đoạn này, xe ngựa vẫn còn khá phổ biến trên nhiều con đường.
Hình ảnh hé lộ về "hậu duệ" của Type 57 SC Atlantic được Bugatti công bố. |
Để thuận tiện cho việc ra vào, cánh cửa của chiếc xe đã được thiết kế ăn sâu vào phần mui. Nếu như đèn pha trên hai chiếc đầu tiên được đính liền vào tấm chắn bùn trước thì ở hai chiếc sau, bộ phận này đã được làm tách rời. Ngoài ra, mỗi chiếc Type 57 SC Atlantic đều có những khác biệt nhất định và biến chúng trở thành độc nhất.
Chiếc đầu tiên được chế tạo thủ công vào năm 1936 dành cho ông chủ nhà băng người Anh Victor Rothschild. Chiếc Type 57 SC Atlantic này ban đầu không được trang bị hệ thống siêu nạp, có số hiệu khung gầm 57 374 và sở hữu bộ cánh màu ghi-xanh dương. Ngày nay, nó được biết tới với cái tên ‘Rothschild Atlantic’.
Trong khi đó, chiếc thứ ba với số hiệu khung gầm 57 473 (đảo thứ tự đôi chút so với chiếc đầu tiên) thuộc về một doanh nhân người Pháp có tên Jacques Holzschuh. Tuy nhiên, người này đã chết trong một tai nạn và chiếc xe cũng bị hư hỏng nặng. Nhiều thập kỷ sau đó, siêu phẩm này được phục dựng, ngoại trừ khối động cơ đã rơi vào tình trạng không thể cứu vãn.
Chiếc thứ tư đang thuộc về nhà thiết kế thời trang Ralph Lauren với số hiệu khung gầm 57 591. Chiếc Bugatti Type 57 SC này được đặt tên là ‘Pope Atlantic’ bởi chủ nhân đầu tiên của nó là tay vợt người Anh Richard Pope (1938).
Đó là 3 chiếc Type 57 SC Atlantic được bàn giao cho khách hàng. Chiếc còn lại (thứ hai) được Jean Bugatti ‘tự thưởng’ cho mình. Chiếc xe mang số hiệu khung gầm 57 453 và sở hữu bộ cánh màu đen. Đó là lý do vì sao mà nó được gọi bằng cái tên ‘La Voiture Noire’ (chiếc xe màu đen). Chiếc xe này được tạo ra nhằm mục đích truyền thông, có trang bị cản trước và cánh cửa được bố trí thấp hơn.
Chỉ có rất ít người được Jean tin tưởng và trao cơ hội trải nghiệm ‘đứa con tinh thần’ của mình. Không rõ là ông có bán chiếc xe cho một ai khác không nhưng kể từ năm 1938 đến nay, đã không có bất kỳ tin tức nào liên quan đến La Voiture Noire. Và đây vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp xe hơi thế giới. Các chuyên gia đã khẳng định rằng nếu chiếc xe này có thể tái xuất, giá bán của nó sẽ lên tới hơn 100 triệu EUR – số tiền đủ để mua gần 90 chiếc ‘The Beast’ của TT Mỹ hiện tại.
Và sau 8 thập kỷ, Type 57 SC Atlantic sẽ chuẩn bị có "hậu duệ" trực tiếp chuẩn bị được ra mắt tại triển lãm Geneva tới. Theo những thông tin và hình ảnh được Bugatti hé lộ, "Type 57 SC Atlantic" của Thế kỷ XXI sẽ dựa trên chiếc Chiron hiện tại của hãng, nhưng có thiết kế lấy cảm hứng từ mẫu xe cổ huyền thoại.Theo ông Stephen Winkelmann - Giám đốc Bugatti, nó sẽ chỉ được sản xuất đúng 1 chiếc. Một số nguồn tin cho rằng người đặt hàng chiếc xe này chính là Ferdinand Piëch - cựu chủ tịch Volkswagen.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.