Các đại biểu, lực lượng chức năng trong buổi Lễ khánh thành Hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương |
Tuyến đường cao tốc đầu tiên của phía Nam
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010. Ngay từ những ngày đầu mới khởi công, tuyến đường đã trở thành niềm hy vọng của nhiều người dân khi QL1A đang dần quá tải. Việc đi lại, vận tải hàng hóa giữa các tỉnh, thành khu vực miền Tây Nam bộ với TP. Hồ Chí Minh và khu vực lân cận luôn gặp nhiều khó khăn. Khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường đã trở thành một trong những tuyến cao tốc có mật độ phương tiện lưu thông lớn nhất nước ta. Từ ngày 01/9/2015, Cục QLĐBCT tiếp nhận nhiệm vụ quản lý, khai thác tuyến đường này và Dự án đầu tư Hệ thống giao thông thông minh (ITS) tuyến TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương do Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) bàn giao.
Tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương gồm 39,8km đường cao tốc và 3 tuyến đường dẫn vào cao tốc (là tuyến cầu Ông Giáo - Chợ Đệm, cao tốc Đồng Tâm và ngã ba Chùa - Lương Phú). Hiện nay, Công ty Cổ phần 715 là nhà thầu chịu trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hạ tầng kỹ thuật. Trên tuyến có 7 cầu vượt hiện đã bàn giao cho các sở GTVT địa phương quản lý. Tại 4 cửa ra vào cao tốc có 4 trạm thu phí là: Chợ Đệm, Bến Lức, Tân An, Thân Cửu Nghĩa hiện do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Yên Khánh thực hiện thu phí.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ tổ chức quản lý, khai thác, Cục QLĐBCT đã yêu cầu đơn vị quản lý, khai thác thực hiện nghiêm chế độ tuần đường, giám sát giao thông, vệ sinh, ứng cứu hỗ trợ sự cố, tai nạn kịp thời… nên bộ mặt tuyến đường luôn được sạch sẽ, hệ thống trang, thiết bị đảm bảo, phát huy tác dụng cũng như không ách tắc giao thông. Đồng thời, trên cơ sở kết quả thẩm tra ATGT năm 2014, Cục QLĐBCT đã đề xuất và được Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, Quỹ Bảo trì đường bộ bố trí kế hoạch sửa chữa định kỳ nhằm mục tiêu đảm bảo cho tuyến đường được khai thác đúng tiêu chuẩn thiết kế, đảm bảo an toàn và cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới, trong đó có các hạng mục: Bổ sung thiết bị ATGT trên tuyến như tấm chống chói trên dải phân cách; gắn mắt phản quang trên lan can cầu; gắn tấm vật liệu phản quang cảnh báo tại chân cột điện, giá long môn, đầu đường rẽ ra khỏi cao tốc; vuốt nối, thảm thay thế lớp bê tông nhựa nhám tại các vị trí có chỉ số IRI vượt cao so với yêu cầu; bù tạo dốc êm thuận, thay thế lớp bê tông nhựa không bằng phẳng ở các vị trí đầu cầu, cống ngang, tạo sự êm thuận trên tuyến.
Đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền ATGT với nội dung phát Sổ hướng dẫn lái xe an toàn, tờ rơi cho đối tượng là người lái xe đi qua tuyến; phổ biến quy định và tuyên truyền bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc cho đối tượng là cư dân sinh sống cạnh đường. Trong năm 2016, đơn vị đã sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường tại các tuyến đường dẫn địa phận tỉnh Tiền Giang; thảm thay thế lớp bê tông nhựa nhám tại các vị trí mặt đường hư hỏng hoặc có chỉ số IRI vượt giới hạn yêu cầu từ tháng 9 và hoàn thành cuối năm 2016.
Cần có sự chung tay xây dựng từ người dân
Ngoài sự cố gắng của cơ quan quản lý đường bộ thì ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và cộng đồng dân cư địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, khai thác tuyến đường đạt hiệu quả mong muốn.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục QLĐBCT cho biết: “Qua thời gian theo dõi, Cục QLĐBCT nhận thấy có sự phối hợp, hỗ trợ chủ động hơn nữa từ các bộ phận xã hội. Trong đó, khối doanh nghiệp vận tải vẫn còn xuất hiện hiện tượng vứt rác trực tiếp xuống đường (mặc dù có bố trí thùng “xin rác” tại các trạm thu phí khi vào đường cao tốc). Các tài xế khi điều khiển phương tiện vẫn không đảm bảo khoảng cách an toàn với xe trước, xe chạy vào làn dừng khẩn cấp, xe chạy chậm chiếm dụng làn đường bên trái; không nhường đường cho xe tốc độ cao hơn… Cục QLĐBCT đã yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô các cấp, các doanh nghiệp vận tải tăng cường tuyên truyền, giáo dục đội ngũ lái xe nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, ý thức nâng cao văn hóa giao thông.
Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương |
Tuy nhiên tại một số địa phương vẫn còn hiện tượng một số ít người dân tự ý phá, mở hàng rào bảo vệ đi vào trong phần đất của đường cao tốc để thu nhặt phế thải, đổ rác… Cục QLĐBCT đã thống kê và gửi danh sách, vị trí, hình thức vi phạm đến chính quyền các địa phương để tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân không vi phạm. Cục CSGT (Bộ Công an) cũng đã đưa hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương vào hoạt động.
Bên cạnh đó, hệ thống giám sát đã được triển khai từ tháng 4/2016. Sau 8 tháng triển khai đã hoàn thành các hạng mục của hệ thống và bàn giao cho Cục CSGT để giám sát. Việc lắp đặt hệ thống giám sát sẽ cung cấp hình ảnh cụ thể để có thể xử phạt những vi phạm của người tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho toàn tuyến.
Với sự cố gắng và quyết tâm đó, tuyến đường đã không xảy ra vụ TNGT thảm khốc nào. Đây được xem là kết quả rất đáng khích lệ để xây dựng hình ảnh đẹp về các tuyến cao tốc trên khắp mọi miền đất nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.