Bước đầu nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho công nghệ chống ăn mòn cọc thép trong môi trường Việt Nam

15/09/2016 05:58

Bài báo đưa ra cơ sở khoa học công nghệ chống ăn mòn cọc thép trong môi trường Việt Nam.

ThS. Nguyễn Thúy Hằng

KS. Đặng Công Minh

ThS. Đỗ Văn Tài

Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải

PGS. TS. Nguyễn Thị Tuyết Trinh

Trường Đại học Giao thông vận tải

TÓM TẮT: Bài báo đưa ra cơ sở khoa học công nghệ chống ăn mòn cọc thép trong môi trường Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu đã đưa ra lựa chọn vị trí thử nghiệm, tiến hành thử nghiệm và xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về nguyên tắc lựa chọn phương pháp chống ăn mòn cho cọc thép.

TỪ KHÓA: Chống ăn mòn, cọc thép, môi trường Việt Nam.

Abstract: This article provides the basis of science and technology of corrosion resistance of steel piles in the environment of Vietnam. Based on the research have selected the testing site, testing and edit of TCVN in selection principle of anticorrosion steel piles.

Keywords: Corrosion resistance, steel piles, environment of Vietnam.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ăn mòn kim loại nói chung và ăn mòn đối với các loại cọc thép nói riêng là vấn đề quan trọng trong việc duy trì tuổi thọ của các công trình sử dụng cọc thép làm kết cấu móng các công trình như cầu, cảng trong ngành GTVT [1].

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu ăn mòn và bảo vệ kim loại cũng được nhiều cơ quan quan tâm nghiên cứu. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào giải pháp công nghệ và vật liệu chống ăn mòn, phát triển theo 3 hướng chính:

- Nghiên cứu các lớp phủ bọc như sơn, composite và phun phủ kim loại;

- Nghiên cứu vật liệu chịu thời tiết;

- Bảo vệ điện hóa hay còn gọi là bảo vệ cathode và ức chế ăn mòn.

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã có một số công trình nghiên cứu về vấn đề ăn mòn và bảo vệ kim loại và áp dụng cho một số công trình, trong đó có cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng), cảng Cam Ranh (Nha Trang), cảng Cửa Lò (Nghệ An), cảng Vân Phong (Khánh Hòa)... đều kết hợp sơn phủ bảo vệ với bảo vệ catot nhưng tuổi thọ thiết kế tại thời điểm này chỉ dừng lại ở 5 năm hoặc 10 năm [2].

Để có cơ sở khoa học cho việc xây dựng Chỉ dẫn kỹ thuật chống ăn mòn cọc thép phù hợp trong điều kiện Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã thực hiện Đề tài Nghiên cứu cơ sở khoa học cho công nghệ chống ăn mòn cọc thép trong môi trường Việt Nam cùng sự hợp tác của Tập đoàn Nippon Steel & Sumitomo Metal và hỗ trợ nghiên cứu của các chuyên gia Trường Đại học GTVT.

2. NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM CÁC MÔI TRƯỜNG ĂN MÒN CHO CỌC THÉP

2.1. Ăn mòn cọc thép trong môi trường đất

Trong lòng đất, đặc biệt ở các khu công nghiệp, nhiều thiết bị chôn ngầm dưới đất như hệ thống ống dẫn nước, dẫn khí ga, cáp điện, đường ống dẫn nhiên liệu lỏng, xăng dầu… có thể bị ăn mòn, làm giảm tuổi thọ của các ống dẫn. Dạng ăn mòn kim loại trong đất rất đa dạng, thường là ăn mòn cục bộ nên kim loại bị phá hủy ở dạng ăn mòn điểm, hố sâu, dạng rỗ…

Do cấu trúc của đất không đồng nhất nên sự thông khí không đều và thường gây ra ăn mòn thông khí. Khi đó, nơi có nhiều oxi đóng vai trò là catot còn vùng ít oxi đóng vai trò là anot, phản ứng xảy ra phá hủy kim loại.

Sự ăn mòn kim loại trong môi trường đất là ăn mòn điện hóa với catot khử oxi, đôi khi khử ion H+ nếu môi trường ăn mòn là axit.

Để đánh giá khả năng ăn mòn kim loại của môi trường đất, người ta dùng chỉ số pH hoặc độ dẫn điện của đất. Với pH = 5 ÷ 8 và nền đất ẩm, môi trường axit có độ dẫn điện tốt, kim loại dễ dàng bị ăn mòn [6]. Trong cùng một điều kiện, đất cát gây ra ăn mòn cao hơn đất sét vì dễ dàng thông khí oxi. Cần lưu ý rằng, trong môi trường đất, sự có mặt của vi sinh vật cũng ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ ăn mòn.

Môi trường đất phèn chua có chứa hàm lượng pyrit cao, chúng được xem là trung tính khi không bị ngập nước và tiếp xúc với oxi. Độ pH của đất loại này sẽ giảm đáng kể khi pyrit tiếp xúc với oxi và nước tạo ra axit sulphuric và có khả năng gây ra tốc độ ăn mòn cao. Tốc độ ăn mòn thép trong loại đất này chưa rõ ràng và vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu.

Để chống ăn mòn cọc thép trong môi trường đất, người ta thường sử dụng các biện pháp cơ bản sau: Phương pháp sơn phủ, phương pháp bọc kim loại bằng vật liệu polymer hoặc các loại sơn vô cơ, ngoài ra có thể sử dụng phương pháp điện hóa bảo vệ catot.

2.2. Ăn mòn cọc thép trong môi trường nước biển

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự ăn mòn của thép trong nước biển bao gồm nước biển, vật liệu được sử dụng và các yếu tố khách quan khác.

Những yếu tố của nước biển ảnh hưởng đến sự ăn mòn của thép là: Lượng các muối hòa tan; lượng oxi hòa tan; tốc độ dòng chảy; nhiệt độ của nước; độ pH.

Để chống ăn mòn cho cọc thép trong môi trường nước biển, người ta thường lựa chọn các biện pháp cơ bản sau: Phương pháp bảo vệ catot và các biện pháp điện hóa khác; phương pháp lớp phủ (kim loại hoặc sơn); các phương pháp chống ăn mòn khác như: Sử dụng các kim loại, hợp kim ít bị ăn mòn, thiết kế kết cấu nhằm giảm thiểu các nguy cơ gây ăn mòn

2.3. Ăn mòn cọc thép trong môi trường khí quyển biển

Trong khí quyển biển luôn luôn có ion Cl, vì thế tốc độ ăn mòn kim loại tăng đáng kể so với khu vực khác. Đối với ăn mòn khí quyển, ngoài các tạp chất gây ăn mòn thì thời gian lưu ẩm (tức là khoảng thời gian không khí có độ ẩm tương đối lớn hơn 80% và nhiệt độ lớn hơn 0oC) đóng một vai trò rất quan trọng quyết định tốc độ ăn mòn kim loại. Những màng mỏng do nước mưa hoặc do sương trên bề mặt kim loại thường có độ ẩm gần bằng 100%.

Để chống ăn mòn cho cọc thép trong môi trường khí quyển biển, người ta thường lựa chọn các biện pháp cơ bản sau: Tạo ra các lớp bao phủ, sơn hữu cơ, có lớp phủ vô cơ, hoặc xi mạ ngăn cách kim loại với môi trường gây ra ăn mòn; chọn các kim loại có độ bền chống ăn mòn cao: Thép không gỉ, các loại hợp kim; đối với các kết cấu nhỏ và lưu giữ trong kho có mặt các loại chất ức chế bay hơi bảo quản trong không khí khô.

3. NGHIÊN CỨU LỰA CHỌN VỊ TRÍ THỬ NGHIỆM

Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ăn mòn của cọc thép. Trước tiên, Đề tài tiến hành thu thập số liệu môi trường nhằm đánh giá vai trò tác động của các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, cường độ bức xạ, độ pH, hàm lượng các chất có trong đất. Căn cứ vào các kết quả thí nghiệm môi trường, lựa chọn ra vị trí đặt mẫu thử nghiệm để đưa ra kết quả điển hình nhất cho môi trường đặc thù.

3.1. Nghiên cứu vị trí Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh

hinh31
Hình 3.1: Khu thử nghiệm tại Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh

3.1.1. Nhiệt độ không khí

TP. Hồ Chí Minh nằm trong vùng chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa của đồng bằng Nam bộ. Theo số liệu thống kê, trong những năm gần đây, nhiệt độ trung bình năm tại TP. Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng. Vào năm 2004 nhiệt độ là 28oC, năm 2010 là 28,6oC. Chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng là không lớn (khoảng 2,5oC). Theo thống kê, tháng 4 và tháng 5 có nhiệt độ cao nhất (khoảng 29,4oC), tháng 1 và tháng 2 có nhiệt độ thấp nhất. Trung bình hàng năm có trên 330 ngày có nhiệt độ từ 25 - 28oC.

3.1.2. Độ ẩm không khí

Do đặc điểm hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc và hiện tượng thủy triều lên xuống nên TP. Hồ Chí Minh có độ ẩm không khí tương đối cao. Độ ẩm tương đối của không khí bình quân/năm 79,5%; bình quân mùa mưa 80% và trị số cao tuyệt đối tới 100%; bình quân mùa khô 74,5% và mức thấp tuyệt đối xuống tới 20%.

Độ ẩm tương đối của không khí cao nhất vào tháng 9 (83%) và thấp nhất là từ tháng 1 đến tháng 3 (68 - 71%).

3.1.3. Số giờ nắng và bức xạ mặt trời

Thời tiết của TP. Hồ Chí Minh luôn nóng quanh năm do nằm trong vùng nhiệt đới cận xích đạo, nhưng tổng lượng bức xạ nơi đây so với các vùng khác trong cả nước chỉ thuộc loại thấp.

3.1.4. Đất

Đất thuộc huyện Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là nhóm đất phèn mặn. Tại khu vực xã Long Hòa - Cần Giờ, đất thuộc loại đất phèn mặn thường xuyên (còn gọi là đất mặn dưới rừng ngập mặn). Phản ứng của đất từ chua đến rất chua, pH ở độ sâu tầng sinh phèn xuống tới 2,4 - 2,7, độ pH tầng đất trên 5,8 - 6,5.

Để tiến hành thí nghiệm phân tích thành phần của đất, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khoan lấy mẫu và phân tích trong phòng thí nghiệm.

hinh3233

 

hinh34
Hình 3.4: Đo độ pH của đất

3.1.5. Tạp chất trong khí quyển

Ở Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh, hàm lượng ion clorua trong khí quyển thấp hơn ở Nha Trang, tháng cao nhất là tháng 3 (11,6mg/m2.ngày) và tháng thấp nhất là tháng 9 (3,21mg/m2.ngày).

Hàm lượng các khí SO2, NO2: Trong bụi, các chất khí như SO2, NO2, N2O... là các tác nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm môi trường không khí. Tuy nhiên, SO2 và NO2 là hai loại khí đặc trưng cho sự nhiễm bẩn khí quyển trong xu hướng phát triển công nghiệp và giao thông ở các vùng đô thị.

Khu vực Cần Giờ nằm trong khu rừng ngập mặn, là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hoạt động chủ yếu là dịch vụ du lịch, hàm lượng các khí SO2, NO2 trong không khí rất thấp.

3.2. Nghiên cứu vị trí ở đất liền Nha Trang

3.2.1. Nhiệt độ không khí

Khí hậu Khánh Hòa vừa chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất của khí hậu đại dương nên tương đối ôn hòa.

Nhiệt độ trung bình các năm là 27oC. Theo số liệu của Cục Thống kê của tỉnh Khánh Hòa, nhiệt độ trung bình của các năm từ 2006 đến 2010 có thay đổi. Năm 2006 nhiệt độ trung bình là 27,2oC và 2010 là 27,4oC. Nhiệt độ cao nhất vào tháng 5 và tháng 6, nhiệt độ thấp nhất vào tháng 1 và tháng 12. Mùa hè không bị oi bức, mùa đông không quá lạnh. Do có những vùng núi cao, ôn hòa mát mẻ quanh năm, không có các hiện tượng thời tiết đặc biệt như gió nóng, sương muối...

3.2.2. Độ ẩm không khí

Độ ẩm trung bình của không khí tại Nha Trang khoảng 80%. Độ ẩm tương đối của không khí cao nhất vào tháng 11 (85%), thấp nhất vào tháng 1 đến tháng 3 (78%).

3.2.3. Số giờ nắng và bức xạ mặt trời

Thường chỉ có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa ngắn, từ khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 12 dương lịch, tập trung vào 2 tháng 10 và tháng 11, lượng mưa thường chiếm trên 50% lượng mưa trong năm. Những tháng còn lại là mùa nắng, trung bình hàng năm có tới 2.600 giờ nắng.

3.2.4. Đất

Đất thuộc khu vực TP. Nha Trang chủ yếu là đất cát. Độ pH thường từ 7-8 [1].

3.2.5. Tạp chất trong khí quyển

Các ion clorua sa lắng dưới dạng thô (vùng khí quyển ven biển) và dạng ướt theo nước mưa (vùng khí quyển lục địa).

Độ muối sa lắng trung bình năm tại Nha Trang rất cao, do vị trí tại sát bờ biển và trên đảo. Hàm lượng cao nhất đạt được vào các tháng 12 và tháng 1 (khoảng 22 - 24 mg/m2.ngày), thấp nhất và tháng 6 (khoảng 7,7mg/m2.ngày).

Hàm lượng các khí SO2, NO2:

Tại Nha Trang, do hoạt động chủ yếu là dịch vụ du lịch, còn ít các khu công nghiệp, hầu như không có các ngành công nghiệp nặng, hóa chất nên hàm lượng các khí SO2, NO2 trong không khí rất thấp. Nồng độ SO2 ở trong khoảng 0,6mm/m3, nồng độ NO2 cũng chỉ ở mức 1,7mm/m3­.

hinh3536

3.3. Nghiên cứu vị trí ở ngoài biển Đầm Bấy - Nha Trang

Đầm Bấy - Nha Trang có đặc trưng khí hậu và điều kiện tự nhiên. Đây là điểm thử nghiệm về ăn mòn cọc thép trong nước biển, vì vậy thành phần và hàm lượng các chất trong nước biển được đặc biệt quan tâm.

Nước biển tại Đầm Bấy - Nha Trang có độ mặn nằm trong khoảng từ 3,1‰ tới 3,8‰. Tỷ trọng của nước biển nằm trong khoảng 1,020 tới 1,030kg/m³.

Độ muối nước biển là đại lượng đặc trưng định lượng cho lượng các chất khoáng rắn hòa tan (các muối) trong nước biển. Nồng độ trung bình của Cl- trong nuớc bề mặt là 19,3534g/kg.

4. CÔNG TÁC ĐẶT MẪU THÍ NGHIỆM

Các mẫu thí nghiệm được chuẩn bị bởi Tập đoàn NSSMC. Trước khi đặt mẫu, các mẫu được đo thông số ban đầu để làm căn cứ đánh giá trong quá trình nghiên cứu.

Các mẫu được thi công lắp đặt theo tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu cọc thép TCVN 9394- 2012. Hình ảnh thi công mẫu tại các trạm được thể hiện ở Hình 4.1Hình 4.2.

hinh41

 

hinh42

5. NGHIÊN CỨU CƠ SỞ KHOA HỌC XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN VIỆT NAM VỀ CHỐNG ĂN MÒN CỌC THÉP

Trên thế giới hiện nay, đặc biệt ở các nước phát triển sử dụng nhiều cọc thép làm móng trụ cho các công trình kết cấu hạ tầng. Các nước như Mỹ, Nhật Bản đã có hệ thống tiêu chuẩn tương đối đầy đủ về lĩnh vực chống ăn mòn cho các loại cọc thép. Các nước châu Âu, Úc, Nga cũng có nhiều tiêu chuẩn về lĩnh vực này. Tuy nhiên, phần lớn các tiêu chuẩn đều rất cụ thể cho từng phương pháp bảo vệ như các loại lớp phủ (sơn, băng quấn, tấm ốp…) hay bảo vệ catot (bằng anot hy sinh hay dòng ngoài). Do các cọc thép làm móng trụ thường nằm trong các vùng môi trường khác nhau (trong đất, nước, không khí…) nên trên mỗi cọc cũng phải áp dụng nhiều phương pháp bảo vệ khác nhau.

Việc bảo vệ chống ăn mòn cho cọc thép tại các công trình giao thông có đặc điểm rất riêng, đặc biệt trong môi trường biển, ven biển. Trên cùng một kết cấu có thể phải áp dụng nhiều phương pháp bảo vệ do cọc thép tiếp xúc với môi trường ăn mòn khác nhau từ vùng khí quyển đến vùng thủy triều, vùng ngập trong nước và chôn trong đất. Đối với từng vùng khác nhau phải có các phương pháp chống ăn mòn khác nhau cho phù hợp hoặc có thể phải kết hợp nhiều phương pháp để mang lại hiệu quả cao nhất.

Tiêu chuẩn “Cọc thép - Phương pháp chống ăn mòn - Yêu cầu và nguyên tắc lựa chọn”; mã hiệu: TCVN 11197:2015 được xây dựng với hai mục đích chính:

- Để hướng dẫn tư vấn lựa chọn công nghệ chống ăn mòn hoặc có thể phải kết hợp nhiều phương pháp để mang lại hiệu quả cao nhất. Trên cùng một kết cấu có thể phải áp dụng nhiều phương pháp bảo vệ do cọc thép tiếp xúc với môi trường ăn mòn khác nhau trong quá trình thực hiện. Tiêu chuẩn còn có thể sử dụng như một hồ sơ yêu cầu kỹ thuật trong các hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư hay đại diện của họ với các nhà thầu trong lĩnh vực bảo vệ công trình.

- Tiêu chuẩn này còn là cơ sở để các nhà sản xuất trong nước tự hoàn thiện công nghệ chế tạo vật liệu để có thể cạnh tranh với các nhà thầu trong khu vực và quốc tế trong việc bảo vệ chống ăn mòn cho các loại cọc thép.

Tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở nối tiếp các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã được nghiệm thu và đánh giá cao như:

- Nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn “Cọc thép - chống ăn mòn” (năm 2011) [3], do KSC. Nguyễn Thị Tuệ Minh làm chủ nhiệm. Đề tài này đã nghiên cứu về lý thuyết ăn mòn cọc thép trong môi trường, đặc biệt là trong môi trường biển. Đề tại đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình ăn mòn thép trong không khí, trong nước biển, trong đất và đặc biệt đã phân tích và chỉ ra sự phức tạp, rất khó kiểm soát ăn mòn vùng bắn nước, vùng thủy triều, vùng chuyển tiếp. Trên cơ sở lý thuyết về sự ăn mòn đã giúp đưa ra các giải pháp hợp lý nhất và là nền tảng quan trọng để xây dựng tiêu chuẩn này.

- Một công trình có ý nghĩa quan trọng nữa là Đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Nghiên cứu công nghệ bảo vệ cọc thép trong điều kiện khí hậu và môi trường Việt Nam” [4] do TS. Nguyễn Thị Tuyết Trinh làm chủ nhiệm. Đề tài này đã được nghiệm thu cấp Bộ và được đánh giá cao. Đây là đề tài được sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản đến từ Tập đoàn thép NIPPON STEEL. Đề tài đã nghiên cứu các số liệu môi trường biển cũng như môi trường đất của các vùng Bắc, Trung, Nam của Việt Nam để so sánh với số liệu của Nhật Bản và cho thấy về cơ bản các số liệu môi trường giữa hai nước không có sự chênh lệch quá lớn. Các công nghệ đã áp dụng tại Nhật Bản cũng có thể áp dụng tại Việt Nam với một số điều chỉnh cho phù hợp với sự khác biệt như nhiệt độ, độ ẩm... Với các kết quả nghiên cứu, Đề tài đã đưa ra các phương pháp bảo vệ cho cọc thép phù hợp với điều kiện môi trường và khí hậu Việt Nam và đây cũng là nguồn tài liệu quan trọng để xây dựng tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn này còn được xây dựng với sự tham gia trực tiếp và trợ giúp về tài liệu cũng như các số liệu phơi mẫu trong nhiều năm của các chuyên gia đến từ Nhật Bản của Tập đoàn Nippon Steel. Các kinh nghiệm cũng như các số liệu quý từ các nghiên cứu và ứng dụng đã được chuyển giao lần đầu tiên ra nước ngoài giúp cho ban soạn thảo có các cơ sở vững chắc để xây dựng tiêu chuẩn này.

Ngoài các số liệu thu thập ở trên, ban soạn thảo còn tham khảo các tài liệu nghiên cứu về phơi mẫu trong môi trường biển và môi trường đất của Mỹ do Phòng Tiêu chuẩn quốc gia Mỹ phát hành cùng với các tiêu chuẩn về bảo vệ công trình biển và bảo vệ các kết cấu thép vùng thủy triều mở rộng và vùng ngập nước do NACE phát hành.

Ban soạn thảo tiêu chuẩn cũng đã dựa trên cơ sở kinh nghiệm của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT do các thành viên tham gia đã thực hiện ở nhiều công trình tại Việt Nam hơn 20 năm qua về lĩnh vực bảo vệ chống ăn mòn kim loại.

Trong tiêu chuẩn này đã cập nhật tất cả các tiêu chuẩn về chống ăn mòn cho cọc thép của Việt Nam cả về lĩnh vực sơn phủ và bảo vệ catot mới nhất.

6. KẾT LUẬN

Trên cơ sở hợp tác nghiên cứu giữa Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Tập đoàn Nippon Steel & Sumitomo Metal và các chuyên gia của Trường Đại học GTVT, chúng tôi đã bước đầu xây dựng xong khu thử nghiệm và đặt mẫu thí nghiệm, đồng thời đã biên soạn Tiêu chuẩn “Cọc thép - Phương pháp chống ăn mòn - Yêu cầu và Nguyên tắc lựa chọn” [5], giúp cho các nhà thiết kế và thi công lựa chọn các phương pháp hợp lý, tối ưu cho bảo vệ công trình trong giai đoạn hiện nay.

Trong quá trình nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục đo đạc phân tích các số liệu của các mẫu đã được đặt ngoài hiện trường, từ đó cập nhật và hoàn chỉnh tiêu chuẩn chống ăn mòn cho cọc thép trong giai đoạn tiếp theo o

Tài liệu tham khảo

[1]. Khảo sát hàm lượng muối và tốc độ ăn mòn thép carbon trong môi trường khí quyển TP. Nha Trang - Science & technology Development, Vol13, No.M1-2010.

[2]. Một số kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ và vật liệu sơn phủ bảo vệ kết cấu thép, các công trình và phương tiện GTVT, Hội nghị Khoa học công nghệ thường niên Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, 2011.

[3]. Nguyễn Thị Tuệ Minh và đồng nghiệp (2011), Nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng Dự thảo Tiêu chuẩn “Cọc thép - chống ăn mòn”, Đề tài nghiên cứu Khoa học và Công nghệ cấp Bộ.

[4]. Nguyễn Thị Tuyết Trinh và đồng nghiệp (2014), Nghiên cứu công nghệ bảo vệ cọc thép trong điều kiện khí hậu và môi trường Việt Nam, Đề tài nghiên cứu Khoa học và Công nghệ cấp Bộ.

[5]. TCVN 11197:2015, Cọc thép - Phương pháp chống ăn mòn - Yêu cầu và Nguyên tắc lựa chọn.

[6]. Ăn mòn đối với một số kim loại màu và hợp kim trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm Việt Nam, Tạp chí Phát triển KH&CN, tập 10, số 10/2007.

Ý kiến của bạn

Bình luận