Bước tiến mới trong lộ trình khoán xe công

Giao thông 24h 08/04/2017 11:41

Sau khi tiên phong trong việc khoán xe công đối với chức danh Thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ với chặng đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại, Bộ Tài chính đang chuẩn bị cho việc mở rộng phạm vi áp dụng với các chức danh Cục trưởng, Vụ trưởng cho chặng đường đi họp trên địa bàn Hà Nội.

 

Bước tiến mới trong lộ trình khoán xe công
Việc khoán xe công đang được khuyến khích thực hiện nhằm tiết kiệm chi phí trong bối cảnh ngân sách khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa giao Cục Kế hoạch tài chính nghiên cứu mở rộng đối tượng, phạm vi khoán ôtô công cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Theo hướng này, Cục trưởng, Vụ trưởng thuộc Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế khi đi công tác có thể bị “cắt” xe biển xanh.

Theo nguồn tin chúng tôi có được, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã đề nghị các cơ quan như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Cục (và đơn vị tương đương tại địa phương) nghiên cứu mô hình khoán xe công của TP Hà Nội để áp dụng tại đơn vị từ ngày 1-4 nhưng đến nay chưa thực hiện được. Dự kiến, việc khoán kinh phí có thể chỉ áp dụng cho cấp Cục trưởng, Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương.

Ở cấp Cục và đơn vị tương đương có trụ sở ở Hà Nội, việc khoán xe công đi công tác được tính toán áp dụng cho Cục trưởng, Phó Cục trưởng và tương đương tại Cục Thuế thành phố Hà Nội, Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội. 

Trước đó, ngày 20-2, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thí điểm khoán kinh phí sử dụng ôtô phục vụ công tác chung khi đi công tác đối với các chức danh lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố, áp dụng từ ngày 1-3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe được quyết định lựa chọn một trong 2 phương thức: Khoán kinh phí cho từng chức danh, nhưng không vượt quá mức khoán tối đa 9,3 triệu đồng/người/tháng; khoán kinh phí sử dụng xe cho từng chức danh theo nguyên tắc khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng với đơn giá 13.000 đồng/km.

Được biết, Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án khoán theo khoảng cách thực di chuyển nhân đơn giá 13.000 đồng/km thay vì khoán cứng một mức cụ thể. Bộ Tài chính là bộ đã tiên phong áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh Thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ cho chặng đường từ nhà đến cơ quan, với đơn giá áp theo giá taxi, cao nhất là 15.000 đồng/km. Theo đó, 6 Thứ trưởng của bộ này được khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến mức cao nhất là 9,9 triệu đồng/người/tháng cho 2 chặng từ nơi ở đến nơi làm việc mỗi ngày. 

Ngoài ra, cơ chế này cũng đã được thực hiện ở Bộ Ngoại giao và một số địa phương, được đánh giá là những động thái rất tích cực. 

Cuối tháng 3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính cho biết đang xây dựng định mức khoán ở cơ quan này theo hướng: Lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 sẽ khoán xe ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nhưng sẽ bố trí xe phục vụ khi đi công tác nội thành, đi sân bay và đi công tác địa phương. Với những cán bộ có hệ số phụ cấp từ 0,7 đến 1,25, phương án được xây dựng là khoán ôtô đi công tác nội thành và đi sân bay, chỉ được bố trí xe công khi đi công tác địa phương. Theo tính toán của Bộ Tài chính, phương án khoán xe hiện nay tiết kiệm hơn nhiều so với chi phí trung bình 320 triệu đồng/tháng/xe công hiện nay. 

Dù đã cho thấy những tín hiệu tích cực, tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) vừa được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cuối tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn cho rằng, việc khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng. Khi thảo luận về dự án này tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá XIV cuối năm 2016, có đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định cách tính mức khoán, các chức danh cụ thể... cần được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với sự biến động của nền kinh tế và nhu cầu của công tác quản lý của Nhà nước trong từng thời kỳ; đồng thời cũng đề nghị thay thẩm quyền quy định mức khoán của Bộ Tài chính bằng thẩm quyền của Chính phủ. Dự thảo luật mới nhất cũng không bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ trong việc khoán kinh phí xe ôtô đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách để đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Ý kiến của bạn

Bình luận