Bứt phá từ nội lực - Đường thủy nội địa khởi sắc mạnh mẽ

Tác giả: công thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/07/2017 14:49

Những năm gần đây, đường thủy nội địa (ĐTNĐ) liên tục có những bước phát triển mạnh mẽ và thực sự là “hạt nhân” tích cực trong sự phát triển chung của toàn ngành GTVT.

 

DSC_2558

Giữ đà tăng trưởng vận tải thủy

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên để khai thác GTVT ĐTNĐ lớn hàng đầu thế giới với mật độ và chiều dài sông, kênh lớn thứ 4 thế giới, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ nhất. Tuy là lĩnh vực giao thông thế mạnh quốc gia với trọng trách quan trọng trong sự phát triển bền vững của ngành GTVT, nhưng ĐTNĐ lại là lĩnh vực gặp nhiều trở ngại khó khăn nhất của ngành GTVT với nguồn vốn đầu tư rất eo hẹp (khoảng 01% trong toàn ngành).

Tuy nhiên, với những nỗ lực “đột phá” trong 3 năm trở lại đây, ĐTNĐ đã có nhiều khởi sắc rất đáng ghi nhận. Vận tải thủy đã thực sự là “hạt nhân” tích cực trong việc “chia lửa” cho vận tải đường bộ. Đây cũng là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành GTVT.

Thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về sản lượng vận tải ĐTNĐ cho hay, năm 2015, sản lượng vận tải hành khách tăng trưởng 3,5%, vận chuyển hàng hóa tăng trưởng 4,5% so với năm 2014. Năm 2016, sản lượng vận tải hành khách đạt trên 160 triệu lượt hành khách (tăng 5,7%), vận chuyển hàng hóa đạt trên 200 triệu tấn (tăng 6,6%). Giữ đà tăng trưởng mạnh, 6 tháng đầu năm 2017, vận tải hàng hóa tiếp tục tăng trưởng 6,9%, vận tải hành khách tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2016. Lĩnh vực đường thủy đang có xu hướng phát triển các phương tiện vận tải hàng hóa trọng tải lớn, từ vài nghìn tấn trở lên, để chạy sâu trong nội địa và kết nối với tuyến vận tải ven biển đã được mở từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Được coi là bước tiến vượt bậc của vận tải thủy, tuyến vận tải ven biển sau gần 3 năm hoạt động đã khắc phục những hạn chế trong việc khai thác lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước ta. Theo thống kê của Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện có trên 900 doanh nghiệp tham gia vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến vận tải ven biển, với trên 1.000 phương tiện VR-SB, trong đó đã có tàu trọng tải trên 20.000 tấn. Mức tăng trưởng vận tải trên tuyến này trong năm 2016 là 250%.

Những năm gần đây cũng ghi nhận sự thay đổi diện mạo của kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ khi được quản lý, khai thác có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm chi phí của ngân sách nhà nước, đảm bảo khai thác hết năng lực của hệ thống. Đồng thời, Cục đã triển khai thi công dự án đầu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng ĐTNĐ theo hình thức đối tác công - tư, chuẩn bị đầu tư dự án tiếp theo, từng bước đa dạng nguồn vốn, hình thức đầu tư đối với kết cấu hạ tầng; hoàn thành và đưa vào sử dụng các kết cấu hạ tầng thuộc dự án WB5, WB6. Kết cấu hạ tầng luồng tuyến, cảng bến, thiết bị báo hiệu đã được số hóa, quản lý trên cơ sở dữ liệu trực tuyến theo hướng hiện đại.

Ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam đánh giá, bức tranh ĐTNĐ có được những gam màu khởi sắc trong những năm qua là nhờ sự chỉ đạo, điều hành toàn diện của lãnh đạo Bộ GTVT, Đảng uỷ Bộ GTVT cùng sự nỗ lực không ngừng, vượt mọi khó khăn, thách thức của những “người đường thủy”.

Cục ĐTNĐ Việt Nam đã thay đổi phương thức tiếp cận, lắng nghe, tăng cường đối thoại, kịp thời nắm bắt các kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải thủy nên đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, từng bước thúc đẩy hoạt động vận tải thủy phát triển. Minh chứng cụ thể nhất chính là thành quả trong “cuộc cách mạng số hóa ĐTNĐ” với việc áp dụng và triển khai quyết liệt hàng loạt giải pháp đồng bộ.

Dẫn đầu “cuộc cách mạng số hóa”

Năm 2015, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ GTVT hoàn thành việc triển khai thực hiện xây dựng phần mềm và đưa vào thực hiện cung cấp Dịch vụ công trực tuyến đối với 25 thủ tục hành chính, trong đó có 19 thủ tục trên Cổng thông tin của Bộ GTVT và 2 thủ tục hành chính trên Cổng một cửa Quốc gia.

Với sự quyết tâm và nỗ lực cao, năm 2016 Cục đã trở thành đơn vị đầu tiên hoàn thành việc cung cấp 100% thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3 - 4 thuộc thẩm quyền của mình lên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT. Cục ĐTNĐ Việt Nam đã thể hiện sự đột phá mạnh mẽ với việc số hóa toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ trên “mặt trận” công nghệ cao.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết, năm 2016 Cục ĐTNĐ Việt Nam là đơn vị dẫn đầu Bộ GTVT trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Cục ĐTNĐ Việt Nam vẫn giữ vững vị trí “quán quân” của mình với sự tăng cường mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của Cục ĐTNĐ Việt Nam được tích hợp với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị khác giúp rút ngắn thời gian xử lý và tiến tới tự động hóa hoàn toàn các thủ tục hành chính.

Hiện nay, hàng loạt các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các dịch vụ hành chính công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đã được Cục ĐTNĐ Việt Nam xây dựng, triển khai và phát triển hoàn thiện với chất lượng cao, nổi bật là các phần mềm: Cấp phép phương tiện thủy vào, rời cảng bằng tin nhắn; cơ sở dữ liệu trực tuyến về danh bạ cảng, bến và hạ tầng ĐTNĐ trên bản đồ số; phối hợp xử lý vi phạm giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Các hệ thống mới được xây dựng như: Báo cáo trực tuyến hoạt động vận tải và ATGT đường thủy; Hải đồ điện tử I-ENC cho các tuyến sông kênh trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long; Quản lý, giám sát phương tiện bằng công nghệ AIS; Quản lý phao tiêu báo hiệu bằng GPS...

Mặt khác, sàn giao dịch trực tuyến đầu tiên cho vận tải ĐTNĐ IZIFIX ra mắt năm 2016 đã mang lại nhiều lợi ích cho chủ hàng và chủ phương tiện. Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đang phối hợp với một số doanh nghiệp để xây dựng thêm sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối hàng hóa một cách hiệu quả, khắc phục những lãng phí, bất cập trong khai thác vận tải, từ đó tăng sản lượng một cách mạnh mẽ cho vận tải thủy.

Trên thực tế, người dân và doanh nghiệp rất hoan nghênh và ủng hộ nhiệt tình khi các thủ tục hành chính điện tử được cung cấp. Ông Lê Quang Đạo - đại diện Công ty Cổ phần Phương Trung (quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) chia sẻ: “Gần một năm trở lại đây, chúng tôi rất vui mừng khi Cục ĐTNĐ Việt Nam cung cấp hình thức cấp phép phương tiện thủy vào, rời cảng bằng tin nhắn, giúp việc thực hiện thủ tục trở nên thuận lợi hơn trước rất nhiều. Công ty đã giảm rất nhiều chi phí về nhân lực, thời gian làm việc và nâng cao năng suất đáng kể. Chúng tôi cũng đánh giá rất cao phần mềm này bởi sự thân thiện, dễ sử dụng, có tính kết nối cao giúp chúng tôi dễ dàng theo dõi và nhận kết quả giải quyết thủ tục.

Sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng hiện đại, công nghệ cao trong các hoạt động quản lý nhà nước tại Cục ĐTNĐ Việt Nam đã góp phần nâng cao hiệu quả, tính công khai minh bạch, đem lại nhiều lợi ích cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hạn chế các nguy cơ phát sinh tiêu cực, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo “cú hích” cho vận tải thủy phát triển.

Trong 6 tháng cuối năm 2017, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ nghiên cứu đưa lên mức độ 4 đối với toàn bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuộc thẩm quyền của Cục, tiến tới ứng dụng tin học hóa toàn diện đối với công tác đăng ký và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện trong năm 2017.

Mặt khác trong thời gian tới, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch và các đề án; hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục triển khai tái cơ cấu vận tải thủy nội địa đến năm 2020 theo đề án đã được phê duyệt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Trong đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ lập đề nghị xây dựng 4 nghị định trình Chính phủ trong năm nay gồm: Nghị định quy định quản lý ĐTNĐ, cảng, bến thủy nội địa; nghị định quy định quản lý phương tiện thủy nội địa; nghị định quy định trình tự, thủ tục nạo vét tận thu sản phẩm luồng ĐTNĐ và vùng nước cảng, bến thủy nội địa; nghị định quy định quản lý hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước sử dụng phương tiện thủy. Đồng thời, Cục tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ.

Ý kiến của bạn

Bình luận