Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận” (Phần 2)

Thị trường 03/07/2016 03:30

Dự án buýt nhanh (BRT) được cho là sai cơ bản về quy hoạch, thiết kế copy của nước ngoài, vi phạm nguyên tắc thiết kế Việt Nam và “hoành tráng” một cách không cần thiết...

 

Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận” (Pha

Vì sao trùng với đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Là người viết giáo trình cao học về giao thông đô thị, trong đó có BRT, TS Mai Hải Đăng (Trưởng khoa Đào tạo quốc tế - Đại học GTVT) cho hay: Mô hình BRT hầu hết được áp dụng ở các tuyến đường vành đai, ít giao cắt; chưa thấy thành phố nào xây dựng tuyến BRT trên trục hướng tâm như dự án BRT Yên Nghĩa - Kim Mã của Hà Nội.

Quy hoạch có vấn đề

“Dù có tuyến đường riêng, năng lực vận tải lớn nhưng BRT vẫn phải giao cắt cùng mức với các phương tiện giao thông khác (không giống như tàu điện - PV) nên BRT hầu hết được áp dụng trên tuyến đường vành đai. Việc Hà Nội không chọn các tuyến đường vành đai, ít giao cắt mà chọn trục hướng tâm này tôi thấy rất lạ” - TS Mai Hải Đăng đặt vấn đề.

“Chưa có chứng cứ cho thấy dấu hiệu tham nhũng nhưng việc quyết định thực hiện dự án như thực trạng hiện nay cho thấy sự dễ dãi trong quyết định, gây lãng phí lớn. Cần xem xét nghiêm túc trách nhiệm người quyết định, đơn vị triển khai dự án, thậm chí cả đơn vị tài trợ vốn” .  

TS Nguyễn Xuân Thủy

Một điểm chưa được đề cập nhiều của dự án BRT này chính là sự trùng lặp với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Hiện tại, cả tuyến BRT này và đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều xuất phát từ bến xe Yên Nghĩa. Hai tuyến đi trùng nhau 2,3 km (nhà chờ BRT nằm dưới chân tuyến đường sắt trên cao); sau đó tách ra làm hai hướng nhưng khoảng cách xa nhất chỉ 1,1 km rồi dần nhập lại ở khu vực gần đường Giảng Võ (ga đường sắt Cát Linh chỉ cách điểm cuối BRT ở Kim Mã 400 m). Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu dự án BRT có quá lãng phí bên cạnh dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hay không?

Ông Vũ Hà, GĐ Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (trực tiếp quản lý dự án) thừa nhận có sự trùng hướng tuyến của hai dự án. Thậm chí ông Hà cho hay, sau khi phê duyệt vào năm 2007, hai dự án đi trùng khớp một đoạn dài hơn (từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến bến xe Yên Nghĩa, dài 7,2 km, gần một nửa chiều dài dự án). Do vậy, năm 2011, dự án đã được điều chỉnh như hiện tại. Tuy nhiên, như đã phản ánh ở bài trước, các cơ sở để dự án tiếp tục được thực hiện (theo phương án vẫn có sự trùng hướng tuyến như hiện nay) chưa được ông Vũ Hà cung cấp.

Chuyên gia giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy đề nghị các cơ quan chức năng xem xét và trả lời thấu đáo về việc hai tuyến gần như đi trùng. “Với hiện trạng hai tuyến như hiện nay, người tham gia giao thông tuyến BRT có thể đi bộ để ra tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Vì thế, tuyến BRT chỉ nên làm khi đủ cơ sở chứng minh tuyến Cát Linh - Hà Đông thiếu công suất.

Đặc biệt, điều Hà Nội đang cần nhất là sớm tạo ra mạng lưới kết nối các phương thức vận tải công cộng. Nên chăng, làm BRT ở tuyến khác để hoàn thiện mạng lưới, giúp người dân có thể di chuyển hoàn toàn bằng phương tiện công cộng” - TS Thủy nói. Đánh giá của TS Thủy cũng cho thấy, khả năng người dân bỏ phương tiện cá nhân để dùng BRT là khó khả thi.

2 Buýt nhanh nghìn tỷ nguy cơ “vỡ trận” (P
Hướng tuyến của BRT và đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Sỹ Lực.

Copy thiết kế, sai quy chuẩn Việt Nam

Thời gian qua, tại dự án này xảy ra việc nhiều nhà chờ xe buýt bị xe tải đâm bung mái. Điều này cho thấy, độ cao của mái nhà chờ (nhô ra mặt đường 1,2 m) đang có vấn đề. Quy chuẩn Việt Nam về đường đô thị yêu cầu tĩnh không (khoảng cách từ mặt đường lên đến các vật cản trên không) bắt buộc là 4,75m (chưa kể phần dự phòng); việc mái nhà chờ xe buýt BRT được gắn biển độ cao 3,2 m khiến không ít người trong ngành thiết kế xây dựng thấy hết sức khó hiểu.   

Trả lời vấn đề này, ông Vũ Hà cho hay, mái nhà chờ được thiết kế 4,2 m (vẫn chưa bằng tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam) nhưng để dự phòng, tránh phương tiện va chạm, các đơn vị thiết kế quyết định để biển 3,2 m và BRT được thiết kế cao 3,6 m nên sẽ đi lọt dưới mái nhà chờ. Tuy nhiên, với lưu lượng giao thông như hiện nay, khả năng để phương tiện khác đi chung vào BRT đã được tính đến và độ cao mái nhà chờ sẽ trở thành một vấn đề khó giải quyết. 

“Chúng tôi đã làm khung cảnh báo trước nhà chờ 10 - 15 m. Xe đi qua không để ý, không rẽ ra, va quệt sẽ hỏng khung (tất nhiên hỏng cả xe - PV)” - ông Hà nói. Quan sát thực tế, biển cảnh báo phía trước nhà chờ lại đề cao 3,7 m, ngay sau đó vài mét, nhà chờ lại đặt biển chiều cao 3,2 m. Theo đánh giá của TS Mai Hải Đăng, việc cắm biển giao thông như vậy là không đúng quy phạm.

Từng trực tiếp khảo sát nhiều nhà chờ BRT của dự án, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, mô hình nhà chờ này đã được lấy lại thiết kế của nước ngoài mà không tính đến thực tế vận hành tại Việt Nam. “Tôi thấy nhà chờ làm quá hiện đại, lãng phí. Đáng ra, trong điều kiện nước ta, chỉ cần làm đơn giản. Tôi cho rằng, nếu tiết kiệm, dự án BRT chỉ tốn vài trăm tỷ, chứ không đến hơn nghìn tỷ như hiện nay”.

Một điểm đã được đề cập nhiều tại dự án này theo TS Thủy cũng cần có giải trình, làm rõ trách nhiệm là vì sao quyết định đào đường, thay bằng đường bê tông khi mặt đường asphalt còn tốt. Ngoài ra, hiện do đường bê tông xây nhô cao hơn phần mặt đường asphalt, tạo ra các rãnh dọc nên gây nguy hiểm cho người đi xe máy. 

Ông Vũ Hà cho hay, thiết kế ban đầu là làm giải phân cách cao 25 - 30 cm giữa đường bê tông và asphalt; sau thay đổi như hiện nay để phù hợp thực tế. Tới đây, sẽ tiếp tục sửa chữa bằng cách vuốt các điểm còn khập khiễng, lô nhô.

Ý kiến của bạn

Bình luận