Cả cuộc đời là nước, là dân...!

Tác giả: MINH KHÁNH

saosaosaosaosao
Chính trị 03/10/2018 15:42

Cuộc đời Hồ Chí Minh là một biểu tượng trong sáng, cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Người để lại cho chúng ta một tấm gương sáng, về lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương, vì nước, vì dân, vì Đảng; Người là hiện thân của trí tuệ anh minh, mẫn tiệp, một mẫu mực tuyệt vời về phong cách, sự nhất quán giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm.

 

Bac-Ho-tham-lop-vo-long-o-Hang-Than-(Ha-Noi)-1958_
 


Hồ Chí Minh - Người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh viết và trịnh trọng tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình là Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn không chỉ khẳng định những nguyên tắc pháp lý về độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà còn khẳng định tính pháp lý về quyền dân tộc và quyền cơ bản của con người.

Kết thúc Bản Tuyên ngôn độc lập, Người khẳng định ý chí đanh thép quyết tâm giành và giữ nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, đồng thời trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Di sản vô giá Người để lại

Di sản Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH: Độc lập dân tộc là một nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Giành lại tự do, độc lập là khát vọng cháy bỏng của các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ XX. Hồ Chí Minh là một trong những người tượng trưng cho ý chí và khát vọng đó. Người đã nêu lên một chân lý nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Người được coi là một chiến sỹ đi tiên phong trong việc thức tỉnh dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và phẩm giá con người.

Người không chỉ coi trọng đại đoàn kết dân tộc, giải quyết thành công mối quan hệ dân tộc với giai cấp mà còn hết sức coi trọng, tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Ngày nay, tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn giữ nguyên sức sống. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa quốc tế, độc lập phồn vinh cho đất nước mình, đồng thời cho tất cả các dân tộc vẫn đang tiếp tục tỏa sáng, vẫn là mục tiêu và khát vọng của loài người trong thời đại ngày nay.

CNXH ở Hồ Chí Minh không phải là những giáo điều cứng nhắc, xa lạ với lợi ích vật chất và tinh thần của con người mà nó hết sức cụ thể và thiết thực. Người nói: CNXH là “làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”.

Di sản Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc: Hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người thiết tha với hòa bình - một nền hòa bình chân chính gắn liền với độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Đến khi kẻ thù buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên cầm súng kháng chiến, Người vẫn không buông ngọn cờ hòa bình, liên tục gửi thư đến Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp kêu gọi họ hãy hướng chính sách của nước Pháp vào con đường chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Những người từng đối thoại với Hồ Chí Minh đều tỏ lòng kính trọng đối với “một con người mềm dẻo, kiên nhẫn, ôn hòa, luôn luôn tìm cách hòa giải về thể thức chuyển hóa”, đều ca ngợi Hồ Chí Minh là “người luôn luôn biết giải quyết những vấn đề khó khăn với nụ cười trên môi”.

Khẳng định Việt Nam là “một bộ phận trong phe hòa bình, dân chủ thế giới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, “nhằm xây đắp nền hòa bình thế giới”. Hồ Chí Minh là người đã bắc những nhịp cầu hữu nghị, đẩy mạnh việc giao lưu, tiếp xúc nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc - một cơ sở để duy trì và củng cố hòa bình.

Các vấn đề văn hóa, đạo đức, nhân cách trong di sản Hồ Chí Minh: Sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm đậm giá trị văn hóa bởi Người đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại cho nhân dân quyền sống đích thực của con người và góp phần cùng loài người loại trừ một trở lực trên con đường tiến tới văn minh là chủ nghĩa thực dân, góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu nước mạnh, mọi người Việt Nam đều phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia xây dựng nước nhà”. Với chủ trương “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, trong bất kỳ điều kiện nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao dân trí, giáo dục đạo đức, tạo điều kiện cho mỗi người tận lực phát triển những năng lực sẵn có của mình.

Văn hóa có cốt lõi là đạo đức. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người không chỉ để lại một hệ thống quan điểm về đạo đức mới mà còn là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về sự nhất quán giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Người là hình mẫu về nhân cách cao đẹp của người cách mạng, là nhà lãnh đạo gần gũi của nhân dân, được nhân dân thân thiết gọi là Bác Hồ. Người là kết tinh những giá trị cao quý nhất của văn hóa - đạo đức Việt Nam. Vì vậy, thật có ý nghĩa khi Đảng Cộng sản Việt Nam phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Từ tổng kết những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW (năm 2006), Chỉ thị 03-CT/TW (năm 2011), ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05). Đây là lần đầu tiên (kể từ năm 1951), Đảng ta đặt vấn đề học tập và làm theo di sản Hồ Chí Minh một cách toàn diện trong cấu trúc tổng thể

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là một hệ thống tri thức tổng hợp với các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn, theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, cần tập trung đẩy mạnh học tập và làm theo các nội dung cốt yếu nhất, gắn liền với những nội dung cơ bản của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một tấm gương vô cùng trong sáng và cao thượng, kết tinh của tinh hoa văn hóa Việt Nam. Người không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc về văn hóa, sáng tạo ra một nền văn hóa mới, văn hóa cách mạng Việt Nam, kiến tạo ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của văn hóa dân tộc mà chính bản thân Người, cuộc sống của Người, những việc làm bình thường hằng ngày của Người là hiện thân của nền văn hóa Việt Nam, là mẫu mực của con người Việt Nam. Tư tưởng, tâm hồn, cốt cách của Người là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, kết tinh những giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế

Ý kiến của bạn

Bình luận