Cabin học lái xe - Kỳ cuối: Thí điểm trước được không?

Giao thông 24h 10/12/2022 09:20

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cơ quan quản lý nên chọn ra khoảng 5 đơn vị thí điểm áp dụng cabin điện tử tập lái, cho thực hiện theo quy định từ 3 - 6 tháng. Nếu thực sự phù hợp, có hiệu quả thì tiếp tục hướng dẫn và đầu tư trên diện rộng.

Mới chỉ một nhà cung cấp thiết bị cabin tập lái được cấp chứng nhận "hợp quy"

Trong những ngày này, lãnh đạo hay bộ phận chuyên môn của rất nhiều cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe trên cả nước liên tục vào trang website của Cục Đường bộ Việt Nam (tại địa chỉ drvn.gov.vn) để tìm kiếm thông tin về các nhà cung cấp thiết bị cabin điện tử tập lái xe đã được cấp chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 106:2020/BGTVT và được Cục Đường bộ VN công bố công khai trên trang web. Bởi chỉ còn 20 ngày nữa, họ phải hoàn tất việc mua sắm, lắp đặt để sẵn sàng vận hành, đưa cabin điện tử vào chương trình đào tạo cho học viên học lái xe từ 1/1/2023 theo quy định tại Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT. Tuy nhiên, có tìm đỏ mắt thì họ cũng chưa thấy thêm tên của đơn vị thứ hai được chứng nhận "hợp quy".

Cabin học lái xe - Kỳ cuối: Thí điểm trước được không? - Ảnh 1.

Tính đến ngày 10/12, trên website của Cục Đường bộ VN, mới chỉ công bố duy nhất 1 đơn vị cung cấp thiết bị cabin tập lái được chứng nhận "hợp quy" (ảnh minh họa)

Sáng 10/12, trên website của Cục Đường bộ Việt Nam, trong đề mục "Danh sách các đơn vị cung cấp thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe – cabin học lái xe đã được Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy, vẫn mới chỉ có duy nhất một đơn vị đã được công bố trên website từ ngày 2/12. Đó là Công ty CP Kỹ thuật công nghệ EcoTeK (có địa chỉ tại số 18, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội). 

Trên thông báo của Cục Đường bộ VN còn có đoạn: "Thông báo này ghi nhận sự cam kết của tổ chức, cá nhân, không có giá trị chứng nhận cho sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Công ty CP Kỹ thuật công nghệ EcoTeK phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm và chất lượng hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, khai thác". 

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, hiện trên địa bàn cả nước có hơn 380 cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe. Việc trang bị cabin điện tử trong công tác đào tạo lái xe sẽ tiêu tốn một nguồn lực rất lớn. Bởi trung bình mỗi cơ sở đào tạo phải đầu tư ít nhất từ 2 - 5 cabin, nếu chỉ tính giá mỗi thiết bị khoảng 400 triệu đồng, các cơ sở đào tạo trong cả nước phải đầu tư cả nghìn tỷ đồng, bao gồm cả mua sắm thiết bị, bố trí mặt bằng, xây dựng phòng học, thuê và trả lương nhân sự vận hành... Đây lại là thiết bị mới, hiện đại, cần có nhân sự có trình độ phù hợp để tổ chức vận hành trong công tác đào tạo. Thời gian để tổ chức đào tạo nhân sự, tổ chức chuyển giao công nghệ, vận hành thiết bị kể từ khi mua sắm, lắp đặt cũng mất khá nhiều thời gian. 

Cabin học lái xe - Kỳ cuối: Thí điểm trước được không? - Ảnh 2.

Phần chân đế của một cabin tập lái xe

Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Bộ GTVT nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo lái xe, song trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Vũ Lê Thuận, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề GTVT Hưng Yên cho rằng, với đặc thù của nhà trường là đơn vị sự nghiệp công lập, việc mua sắm trang thiết bị liên quan đến công tác tài chính và thủ tục đấu thầu nên nhà trường gặp vô vàn khó khăn, không thể kịp tiến độ 1/1/2023. Trong khi hiện nay có quá ít nhà cung cấp để lựa chọn, lập hồ sơ cho đủ điều kiện đấu thầu cạnh tranh.

"Nhà trường phải trang bị số lượng từ 5 - 6 cabin điện tử để đáp ứng yêu cầu theo quy định trong công tác đào tạo lái xe. Qua tham khảo giá thị trường hiện nay đối với 1 thiết bị có giá dao động từ 400 đến 500 triệu đồng. Như vậy đơn vị phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn (trên 2,5 tỷ đồng). Cùng với đó, nhà trường phải xây dựng phòng học để lắp đặt các cabin để phục vụ đào tạo (ước tính 1,5 đến 2 tỷ đồng), khó khăn càng chồng chất", ông Thuận chia sẻ.

Có nên áp dụng thí điểm?

Chi phí đầu tư quá lớn cũng chính là khó khăn của nhiều cơ sở đào tạo lái xe hiện nay. “Chúng tôi chỉ mong muốn cơ quan quản lý cho áp dụng thí điểm tại các cơ sở công lập trước để đánh giá hiệu quả trước khi áp dụng đại trà. Hiện nay tai trường chúng tôi nói riêng và các trung tâm đào tạo lái xe trên cả nước, lượng học viên đăng ký học đang giảm mạnh do nhiều nguyên nhân cả khó khăn về kinh tế lẫn quản lý đào tạo”, ông Hoàng Quyết Chiến, Chủ tịch HĐQT của một trường trung cấp nghề có trụ sở ở khu vựa phía Bắc chia sẻ.

Cabin học lái xe - Kỳ cuối: Thí điểm trước được không? - Ảnh 3.

Một thiết bị cabin tập lái xe được nhà cung cấp giới thiệu

"Khi có quá ít nhà cung cấp thiết bị cabin tập lái xe sẽ dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá lên cao, thiết bị không có thời gian kiểm chứng chất lượng. Đó là chưa kể những vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành, bảo hành, bảo trì...". Đặc biệt, sẽ có rất nhiều trung tâm đào tạo thuộc khối đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải dừng đào tạo vì họ không đủ các điều kiện cần và đủ".

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, đa số các nước trên thế giới đang xã hội hóa lĩnh vực đào tạo và quản lý chặt công tác sát hạch lái xe. Tại Việt Nam, trong Luật Giao thông đường bộ cũng chế định theo hướng đó. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe và lâu nay chúng ta cũng đang đi theo hướng xã hội hóa đào tạo, quản lý chặt khâu sát hạch. Giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch thì có nhiều, nhưng nếu chỉ chú trọng giải pháp về hành chính mà không sử dụng những yếu tố, những quy luật kinh tế thị trường thì chưa đủ.

Cũng theo ông Quyền, việc cho đến nay mới chỉ có một đơn vị (nhà cung cấp cabin tập lái xe) được chứng nhận "hợp quy", chưa biết năng lực của đơn vị này cung ứng cho thị trường thiết bị cabin đến đâu, trong khi thời hạn phải thực hiện chỉ còn khoảng 20 ngày nữa sẽ tạo áp lực rất lớn đối với các cơ sở đào tạo lái xe, sau khi vừa trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. 

Cabin học lái xe - Kỳ cuối: Thí điểm trước được không? - Ảnh 5.

Những thông số trong phiên học của học viên trên cabin tập lái sẽ được lưu lại

"Trước tình hình hiện nay, về phía Hiệp hội vận tải Ôtô Việt Nam, chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý nên chọn ra khoảng 5 đơn vị thí điểm áp dụng cabin điện tử, mỗi đơn vị đầu tư khoảng 2 đến 3 cabin, cho thực hiện theo quy định từ 3 đến 6 tháng. Sau khi đánh giá hiệu quả hoặc có vấn đề gì phát sinh thì tiếp tục hướng dẫn, điều chỉnh cho phù hợp và đầu tư trên diện rộng", ông Quyền nêu ý kiến.

"Nếu tổ chức bước thí điểm được như trên sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề đặt ra. Vì trong giai đoạn đầu này mới chỉ có một nhà cung ứng, sẽ đỡ được câu chuyện mất cung cầu trên thị trường, nguy cơ đẩy giá lên cao, nguy cơ độc quyền", Hiệp hội vận tải Ôtô Việt Nam nói thêm. 

Ý kiến của bạn

Bình luận