Ghi nhận thực tế của Nhóm PV Tạp chí Giao thông vận tải, tại nhiều trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe, dù đã chuẩn bị tài chính, mặt bằng, lên dự toán nhưng vẫn chưa tìm được nhà cung cấp thiết bị cabin học lái xe.
Cơ sở đào tạo lái xe trăm mối tơ vò
Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ GTVT quy định, các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học từ ngày 1/1/2023. Học viên có tối thiểu 4 giờ thực hành các bài cơ bản như cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch; làm quen với các bài về địa hình như đường đồi núi, cao tốc.
Học viên phải có đủ thời gian học trên cabin và số km thực hành trên đường học viên mới được thi sát hạch lái xe.
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Cao Nguyên (có trụ sở tại tỉnh Đắk Nông) cho hay, để trang bị cabin điện tử tập lái, trung tâm phải xây dựng thêm phòng học và cơ sở vật chất liên quan.
"Ngoài việc chuẩn bị kinh phí mua cabin tập lái, chúng tôi còn phải tuyển dụng thêm nhân sự vận hành, bảo quản trang thiết bị, tập huấn giáo viên giảng dạy. Thế nhưng đến nay, đơn vị vẫn khá mông lung về những đơn vị được phép cung cấp thiết bị, giá cả cũng như quá trình tập huấn, chuyển giao thiết bị cabin tập lái", ông Dũng nói.
Ông Vũ Đăng Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Việt Đức (Hải Dương) cho biết, bản thân ông có hai lần được "mục sở thị" cái gọi là cabin tập lái. Lần thứ nhất là trong chuyến tập huấn hướng dẫn sửa đổi bổ sung quy định đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ vào cuối tháng 5/2022. Lần thứ hai, cách đây hơn 1 tháng và như ông nói là "anh em làm đào tạo lái xe ở Hải Dương nóng ruột quá" nên chủ động tổ chức một "đoàn tham quan" từ Hải Dương lên khu công nghệ cao Láng – Hoà Lạc, vào hẳn trụ sở nhà cung cấp thiết bị, xem và lái thử.
"Khi dự tập huấn ở Quảng Ninh cuối tháng 5, một đơn vị có mang cabin tập lái đến giới thiệu và có báo giá khoảng 420 triệu, nhưng bây giờ vẫn chưa có con số chính thức. Thời điểm đó, tôi có hỏi người phụ trách kỹ thuật của đơn vị thì được trả lời, nếu nhiều đơn vị cùng đặt hàng thì để sản xuất 100 cabin tập lái phải mất khoảng 3 tháng", ông Dung nhớ lại và cho biết, như đơn vị của ông (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Việt Đức), với lưu lượng khoảng 5.000 học viên thì phải cần 10 – 15 cabin tập lái, tương đương 6 – 7 tỷ đồng, chưa kể các chi phí vận hành, bảo trì...
"Mỗi chiếc cabin chiếm diện tích khoảng 4 – 5m2 nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn 2 phòng để đặt thiết bị. Chúng tôi lo lắm chứ, 31/12/2022 là phải kết thúc việc lắp đặt, có nghĩa ngay từ giờ đã phải có thiết bị rồi để còn kê lắp, kết nối, thử nghiệm chứ. Trong khi đến giờ chúng tôi cũng chưa biết ai là nhà cung cấp, cabin bán ở đâu…", ông Dung bộc bạch.
Cùng chung tâm trạng lo lắng, ông Phùng Chí Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Tây Đô Cần Thơ cho hay, giờ Trung tâm bỏ ra 400 – 500 triệu mua một thiết bị cabin tập lái nhưng không thể thu được một khoản phí nào từ học viên trong quá trình học thực hành. "Ví dụ với xe chíp, trước khi học viên vào sát hạch, trung tâm còn có thể cho thuê được, từ đó có nguồn thu. Nhưng cabin tập lái thì nằm trong chương trình đào tạo nên không có nguồn thu, mà số tiền đầu tư lại quá lớn", ông Thành chia sẻ.
"Gần Tết rồi, trung tâm phải chi rất nhiều khoản lương, thưởng. Trong khi chỉ còn hơn 3 tuần nữa là phải đưa cabin tập lái vào đào tạo nên chúng tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Với hơn 300 cơ sở đào tạo lái xe trên cả nước, tôi nghĩ khó có nhà cung cấp nào đáp ứng kịp nhu cầu lắp cabin điện tử tập lái. Nguy cơ các trung tâm, cơ sở phải tạm dừng đào tạo là hiện hữu", ông Thành cho hay.
Giá cabin tập lái "nhảy múa", nguy cơ độc quyền!?
Theo tìm hiểu của PV, do ảnh hưởng của Covid-19 nên 2 năm qua, công tác đào tạo lái xe ôtô gặp rất nhiều khó khăn, khó thu hút học viên. Cách đây khoảng nửa năm, các trung tâm đào tạo lái xe cũng phải bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn để đầu tư, trang bị thiết bị giám sát thời gian và quãng đường tập lái (DAT), chưa kể việc thuê thêm nhân sự công nghệ thông tin (IT), quản lý và vận hành thiết bị DAT.
Trong khi đó, thời điểm này, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khá ngặt nghèo do các điều kiện đi kèm cũng như việc điều chỉnh lãi vay từ phía các tổ chức tín dụng.
Ông Ngô Phước Hạnh, Giám đốc một trung tâm đào tạo lái xe đóng trên địa bàn một tỉnh miền Trung trần tình: "Chúng tôi cũng có nhận được lời mời giới thiệu thiết bị cabin điện tử của 2 nhà cung cấp, nhưng mỗi đơn vị lại báo giá khác nhau. Trong khi đó, chúng tôi cũng có tìm hiểu một số sản phẩm cabin điện tử tương tự được bán ở Trung Quốc, Đức với giá thành dao động chỉ từ 85 - hơn 100 triệu đồng (Tạp chí GTVT sẽ thông tin kỹ hơn về xuất xứ linh kiện, nguồn gốc thiết bị đang được một số nhà cung cấp chào bán ở Việt Nam - PV). Không hiểu sao một số nhà cung cấp ở Việt Nam chào hàng với giá cao như vậy".
Theo tìm hiểu của Nhóm PV Tạp chí GTVT, hiện nay có 2 đơn vị được chỉ định cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với cabin tập lái xe ôtô gồm: Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) và Công ty CP Chứng nhận và kiểm định Vinacontrol.
Tại Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, trong số 2 nhà cung cấp thiết bị gửi hồ sơ đề nghị, cho đến ngày 30/11/2022, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam mới chỉ cấp giấy chứng nhận "hợp quy" cho Công ty CP Kỹ thuật công nghệ EcoTek (có địa chỉ tại 18 Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội; cơ sở sản xuất tại 341 đường 72, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội).
Còn ông Hoàng Quyết Chiến, Chủ tịch HĐQT của một trường trung cấp nghề có trụ sở tại khu vực phía Bắc chia sẻ, với lưu lượng khoảng 3.000 học viên, nếu muốn duy trì lưu lượng thì nhà trường phải đầu tư 10 cabin điện tử tập lái với chi phí khoảng 4,5 tỷ đồng (theo báo giá trung bình của một số nhà cung cấp), tương đương chi phí mua cả chục chiếc xe tập lái.
"Giá chào bán của mỗi nhà cung cấp khác nhau. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều nhà cung cấp cabin điện tử tập lái để có thêm nhiều sự lựa chọn. Nếu chỉ có một hai nhà cung cấp thì dễ dẫn đến độc quyền, thao túng giá", ông Chiến nêu ý kiến.
Theo điều tra của Nhóm PV Tạp chí GTVT, hiện đã có một số nhà cung cấp thiết bị cabin tập lái (cả đơn vị đã được cấp chứng nhận hợp quy và đơn vị chưa được cấp chứng nhận hợp quy) chào bán, báo giá thiết bị này với các mức giá khác nhau ở từng khu vực. Chẳng hạn, cùng khu vực miền Trung nhưng nhà cung cấp V báo hai mức giá khác nhau tại 2 địa phương là Bình Định (420 triệu đồng) và Quảng Ngãi (451 triệu đồng).
Hay như Công ty E báo giá thiết bị cabin tập lái ở Quảng Ngãi là 520 triệu. Và cũng chính đơn vị này lại báo giá cho một cơ sở đào tạo ở Lạng Sơn với giá chưa đến 400 triệu đồng.
Trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho hay: "Vừa qua một số nhà cung cấp có giới thiệu sản phẩm cabin chưa được "hợp quy", anh em có phản ánh là khi ngồi trải nghiệm thực tế khoảng 10 đến 15 phút thì thấy chóng mặt, như kiểu say xe. Vấn đề này cần phải lưu ý trong việc xem xét, đánh giá thiết bị đủ điều kiện cấp chứng nhận hợp quy, bởi có những người 60 tuổi vẫn đi học lái xe".
Cũng theo ông Quyền, việc có quá ít đơn vị cung ứng cabin tập lái ra thị trường thì nguy cơ giá sẽ bị đẩy lên rất cao, dễ dẫn đến độc quyền. "Cách đây mấy tháng, một số nhà cung cấp khác có giới thiệu cabin chưa được "hợp quy", giá từ 400 – 430 triệu đồng, nhưng đến ngày 5/12 thì có thông tin nói là đơn vị vừa được công nhận hợp quy này đang chào bán cabin tập lái lên đến 550 triệu đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.