Các Bộ trưởng GTVT hợp lực phát triển ASEAN thịnh vượng

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 14/11/2019 18:34

Bộ trưởng GTVT Việt Nam Nguyễn Văn Thể đã chủ trì Phiên họp toàn thể trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 25 (ATM 25).

IMG_20191114_103354
Phiên họp toàn thể trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 25 (ATM 25).

4 nhóm vấn đề tăng cường kết nối GTVT ASEAN

Ngày 14/11, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 25 (ATM 25), ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam, Chủ tịch điều hành Hội nghị ATM 25 đã chủ trì Phiên họp toàn thể.

Hội nghị ATM là diễn đàn thường niên để Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN và các đối tác họp mặt, trao đổi, thống nhất việc đảm bảo thực hiện xây dựng mạng lưới GTVT kết nối, hiệu quả, hội nhập, an toàn và bền vững khu vực ASEAN. Qua đó góp phần hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao vào năm 2020.

Tham gia Hội nghị lần này có sự tham dự của Bộ trưởng GTVT của 10 nước ASEAN, TS. Alladin D. Rillo - Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN và lãnh đạo Bộ GTVT của các đối tác đối thoại. Cùng với đó là khoảng 250 đại biểu đến từ các quốc gia ASEAN và các nước đối tác.

DSC09711
Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Vân Thể chủ trì phiên họp toàn thể trong Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 25 (ATM 25).

Đánh giá về bối cảnh hợp tác phát triển GTVT trong khối ASEAN, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay vẫn còn rất nhiều sáng kiến, đề xuất và cơ chế hợp tác cần cải thiện, đặc biệt là các sáng kiến, mục tiêu thuộc khuôn khổ Kế hoạch chiến lược GTVT ASEAN 2016 - 2025 cần được thúc đẩy, triển khai để tăng cường hơn nữa kết nối giữa các quốc gia thành viên, góp phần phấn đấu tạo nên một “ASEAN thông suốt”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các Bộ trưởng GTVT các nước hỗ trợ, hợp tác trong việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận, các sáng kiến hợp tác cũng như trong quá trình triển khai các thỏa thuận, sáng kiến đạt hiệu quả, đóng góp vào thành công, thịnh vượng chung của các quốc gia ASEAN.

Hội nghị lần này tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính. Thứ nhất là hoàn thành các thủ tục để ký kết các văn kiện đa phương cấp Chính phủ nhằm tăng cường kết nối GTVT trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác. Trong đó, Hội nghị dự kiến sẽ tiến hành ký kết hai văn kiện quan trọng trong lĩnh vực hàng không gồm: Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 11 về dịch vụ vận tải hàng không trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ; Nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển thứ 5 giữa ASEAN và Trung Quốc.

Hai là nghe báo cáo về tình hình triển khai tổng thể các chương trình, dự án thuộc khuôn khổ Kế hoạch Chiến lược phát triển GTVT ASEAN 2016 – 2025 trong các lĩnh vực vận tải hàng không, hàng hải, vận tải mặt đất, tạo thuận lợi vận tải.

Tại phiên họp, các Bộ trưởng GTVT đã cùng thảo luận tập trung vào nội dung thúc đẩy triển khai các Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải gồm: Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức (AFAMT), Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT), Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải liên quốc gia (AFAFIST), Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải hàng khách qua biên giới bằng đường bộ (CBTP);…

Ba là thông qua các dự án/kế hoạch/chương trình hành động trong khuôn khổ hợp tác GTVT ASEAN năm 2020.

Bốn là trao đổi, thúc đẩy hợp tác GTVT với các nước đối tác đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác (Liên minh châu Âu, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN) trong lĩnh vực, đặc biệt là trong hợp tác hàng không.

Với Trung Quốc, các Bộ trưởng dự kiến sẽ thông qua và ký Nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển thứ 5 giữa các Bên ký kết thuộc Hiệp định vận tải hàng không ASEAN – Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối hàng không giữa ASEAN và Trung Quốc, qua đó thúc đẩu phát triển thương mại, du lịch, đầu tư, kinh tế và xã hộiHội nghị sẽ tập trung thảo luận về tiến độ và kế hoạch triển khai các Dự án/Hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động 2018 – 2020 của Kế hoạch Chiến lược (sửa đổi) hơp tác GTVT ASEAN – Trung Quốc.

Với Nhật Bản, Hội nghị sẽ nghe báo cáo tiến độ đàm phán Hiệp định dịch vụ hàng không ASEAN – Nhật Bản và tiến độ các hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản thuộc khuôn khổ Quan hệ hợp tác GTVT ASEAN – Nhật Bản (AJTP).

Với Hàn Quốc, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận hoàn về kết quả  đàm phán Hiệp đinh dịch vụ hàng không ASEAN – Hàn Quốc (AK-ASA) và tiến độ triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Dự án Hợp tác GTVT ASEAN – Hàn Quốc.

Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ cập nhật tình hình đàm phán, hoàn tất nội dung Dự thảo Hiệp định vận tải hàng không toàn diện ASEAN – EU cũng như các dự án hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của EU đối với lĩnh vực GTVT ASEAN.

THH_2900
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Phó Tổng thư ký ASEAN và Bộ trưởng GTVT 10 nước ASEAN.

 Việt Nam góp sức tạo nên sức phát triển của ASEAN

Trải qua hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, đến nay, ASEAN đã là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và là nơi khởi nguồn của nhiều sáng kiến, ý tưởng đối thoại và hợp tác chủ đạo ở khu vực và vươn ra toàn cầu.

Sau 5 năm triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, Cộng đồng ASEAN tiếp tục gắn kết chặt chẽ, khẳng định vai trò trung tâm trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á, có quan hệ chặt chẽ với nhiều đối tác quan trọng hàng đầu của khu vực và toàn cầu.

Trong những năm qua đã ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của ngành GTVT các nước ASEAN trong việc tăng cường sự kết nối, hướng tới mục tiêu ASEAN thông suốt, không rào cản, không biên giới.

Nổi bật nhất là sáng kiến hình thành thị trường hàng không, hàng hải thống nhất ASEAN - thúc đẩy mở cửa bầu trời ASEAN nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa giữa các nước ASEAN; Phê chuẩn và triển khai Kế hoạch chiến lược phát triển GTVT ASEAN 2016 - 2025, hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025.

Cùng với đó, các nước ASEAN đã thông qua việc thúc đẩy triển khai các Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải, như: Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức (AFAMT); Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT), Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải liên quốc gia (AFAFIST), Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải hàng khách qua biên giới bằng đường bộ (CBTP)… đã góp phần giảm thiểu các thủ tục về hải quan và vận tải nhằm tăng cường giao thương, thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách qua lại giữa các quốc gia nội khối;…

Việt Nam, nằm ở vị trí trung tâm, thuận lợi trong tuyến giao thông kết nối giữa Đông Nam Á, Đông Bắc Á và các khu vực khác tại Châu Á-Thái Bình Dương.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã coi phát triển kết cấu hạ tầng – đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn - đồng bộ, hiện đại là một trong 3 khâu đột phá chiến lược  cùng với hoàn thiện thể chế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách huy động, ưu tiên nguồn lực trong nước và quốc tế để tập trung đầu tư phát triển, bước đầu tạo ra bộ mặt mới cho GTVT, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã đưa vào khai thác gần 1000  đường bộ cao tốc; hiện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam và nhiều tuyến nhánh với mục tiêu sớm hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc kết nối các đô thị, trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn; kết nối với các tuyến vận tải khu vực và quốc tế.

Ý kiến của bạn

Bình luận