Kết nối giao thông ASEAN - dễ mà khó

Ý kiến phản biện 12/12/2018 16:35

Khi lưu lượng người, xe qua biên giới ngày một tăng, các nước ASEAN cần có giải pháp cắt giảm thời gian di chuyển qua các cửa khẩu biên giới.

 

ck-1543806747744162535674
Cửa khẩu quốc tế Poipet trên biên giới Campuchia - Thái Lan - Ảnh: AFP

Sự hình thành của các hành lang kinh tế tại khu vực Mekong với những con đường chạy xuyên suốt từ Myanmar, Thái Lan sang Lào, Campuchia và kết thúc ở Việt Nam là minh chứng thực tế cho các nỗ lực hội nhập khu vực nói riêng và kết nối ASEAN nói chung.

Tuy nhiên, sự tắc nghẽn tại biên giới là điều mà các nước cần sớm giải quyết để tạo sự thông suốt, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế và giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải.

Không thể "lái xe bên trái" ở Việt Nam

Trong số năm nước khu vực sông Mekong gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar, Thái Lan là quốc gia duy nhất có quy định ghế lái tài xế ôtô ở bên phải, ở Việt Nam gọi là tay lái nghịch.

Năm 2009, Thái Lan, Lào và Việt Nam ký một thỏa thuận trong đó cho phép xe tải Thái Lan có thể chạy xuyên Lào đến Đà Nẵng của Việt Nam. Ngược lại, các xe tải của Việt Nam sẽ được phép lăn bánh đến tận Khon Kaen của Thái Lan.

Tuyến đường mà những phương tiện này di chuyển thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây với điểm dừng là Đông Hà, Huế và Đà Nẵng thuộc Việt Nam nếu đi từ chiều Thái Lan.

Tuy nhiên, trên thực tế các phương tiện từ Thái Lan chỉ có thể đi đến Lào, không thể tiến vào Việt Nam do khác biệt về quy định trong luật giao thông đường bộ quốc gia.

Trong khi cánh tài xế Thái Lan đã quen với việc lái xe bên tay trái, Việt Nam quy định lề đúng của các phương tiện là bên phải, tức ghế lái nằm bên trái. Tương tự, các phương tiện của Lào về lý thuyết có thể đến cả Thái Lan và Việt Nam song trên thực tế bị cấm tiến vào Thái Lan.

Theo nghị định số 80/2009/NĐ-CP, nếu muốn lưu thông ở Việt Nam, tài xế Thái Lan nói riêng phải làm thủ tục xin phép Bộ Giao thông vận tải Việt Nam với thời gian trả lời từ 3-5 ngày. Khi được chấp thuận, phải di chuyển theo đúng tuyến đường đã báo và có ôtô dẫn đường.

Mặc dù vậy, có rất ít xe Thái Lan tiến vào Việt Nam do tuyến đường được thiết kế cấp phép thiếu hấp dẫn, không kết nối tới các thành phố lớn khác như Hà Nội, Hải Phòng. Việc cấp phép cho các phương tiện di chuyển xuyên biên giới tại khu vực Mekong vẫn đang được tiến hành dựa trên các thỏa thuận song phương hoặc ba bên.

Mở nút thắt cổ chai ở biên giới ra sao?

Phóng viên Tuổi Trẻ là một trong năm nhà báo tham dự chuyến đi tìm hiểu quan hệ Nhật Bản - Mekong tại Nhật đầu tháng 11 vừa qua. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết một trong những thách thức lớn nhất của việc kết nối ASEAN nói chung, khu vực Mekong nói riêng về giao thông chính là sự khác biệt trong hệ thống khai báo hải quan của các nước.

Theo đó, Việt Nam - dưới sự hỗ trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, đã bắt đầu triển khai Hệ thống thông quan tự động V-NACCS từ năm 2013, giúp kết nối thông suốt với các chốt hải quan tại biên giới.

Trong khi đó, Campuchia lại đang sử dụng hệ thống ASYCUDA tương tự với Lào và kết nối hạn chế tới các cửa khẩu biên giới. Thái Lan sử dụng hệ thống "e-Customs" của riêng họ, trong lúc Myanmar đang dần làm quen với MACCS do Nhật Bản hỗ trợ.

Sự khác biệt này dẫn tới một hệ lụy: các phương tiện chở hàng hóa phải dành nhiều thời gian hơn tại biên giới cho việc khai báo, trong đó phần lớn là công việc giấy tờ. Hiện cơ chế kiểm tra "một cửa, một lần dừng" chỉ được áp dụng duy nhất tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo của tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Densavan của tỉnh Savannakhet (Lào).

Điều này lý giải vì sao thời gian dành cho thủ tục hải quan tại đây chỉ trên 30 phút, thấp nhất trong số các cặp cửa khẩu nằm trên Hành lang kinh tế phía Nam và Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Theo JICA, cặp cửa khẩu Mộc Bài - Bavet đang ngốn nhiều thời gian nhất chỉ cho việc... xếp hàng. Trong khi việc kê khai giấy tờ, kiểm tra và đóng phí hải quan ở Mộc Bài khá nhanh chóng, các phương tiện phải dành tới ba trong tổng số ba tiếng rưỡi chỉ để xếp hàng chờ đến lượt làm thủ tục.

Ở bên kia biên giới, vấn đề giấy tờ khiến người ta phải mất thêm một tiếng rưỡi nữa do khác biệt về hệ thống khai báo (V-NACCS và ASYCUDA). Tổng thời gian dành cho thủ tục hải quan tại Mộc Bài lên tới sáu tiếng rưỡi.

Cải thiện tốc độ di chuyển và chất lượng đường sá thuộc hai hành lang kinh tế trên cũng là việc cần tính đến. Số liệu đo đạc thực tế của JICA năm 2018 cho thấy tốc độ di chuyển trung bình từ TP.HCM đến cửa khẩu Mộc Bài chỉ đạt 39km/h.

Trong khi đó, tốc độ cao nhất trên toàn tuyến là 59km/h đi từ Bavet của Campuchia tới Poipet nằm trên biên giới Campuchia - Thái Lan và từ Aranyaprathet (Thái Lan) đến Htee Kee (Myanmar). Tổng thời gian dành cho việc di chuyển 1.255km đường bộ thuộc Hành lang kinh tế phía Nam là 35,6 tiếng.

Trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, tốc độ đi từ Đà Nẵng đến cửa khẩu Lao Bảo dù có cao hơn, ở mức 42km/h, song lại là thấp nhất trong toàn tuyến dài 1.406km. Các phương tiện đạt tốc độ trung bình 54km/h ở Lào, 68km/h trên các con đường của Thái Lan và 44km/h ở Myanmar. Tổng thời gian di chuyển là 34 tiếng.

Giáo sư Manabu Fujimura, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Aoyama Gakuin (Nhật Bản), năm nào cũng dành ít nhất hai lần đi bằng đường bộ qua các nước Mekong, đề xuất một giải pháp đơn giản giúp cắt giảm thời gian di chuyển qua các cửa khẩu biên giới: mở các cửa dành riêng cho xe tải chở hàng, xây dựng các đường tránh riêng biệt dẫn vào cửa khẩu là điều cần thiết khi lưu lượng người, xe qua biên giới ngày một tăng.

Lượng xe được cấp phép qua biên giới còn ít

Theo số liệu thống kê của JICA năm 2018, có 400 xe tải được cấp phép qua lại biên giới Lào và Việt Nam, tương đương số xe tải được qua lại giữa Lào - Thái Lan; giữa Việt Nam - Campuchia là khoảng 500 xe tải; Thái Lan và Campuchia là 150 xe; Lào và Campuchia chỉ 10 xe. Myanmar và Thái Lan hiện đang tiến hành đàm phán.

Ý kiến của bạn

Bình luận