Các Cục trưởng sẽ phải từ chức nếu có thêm 1 cây cầu bị sập

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 26/03/2016 06:44

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, yêu cầu trước 30/4 phải thống kê xong tất cả cầu có nguy cơ va đâm.

Nguy cơ tiếp tục sập cầu vẫn có thể xảy ra

Chiều 25/3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì buổi họp nghe báo cáo về hiện trạng và giải pháp đối với các cầu yếu trên các tuyến quốc lộ, đường sắt và đường thủy nội địa (ĐTNĐ) quốc gia. Tham dự buổi họp có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN) và các Vụ chuyên môn của Bộ GTVT.

DSC02038
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, cuộc họp về hiện trạng và giải pháp đối với các cầu yếu là cuộc họp thường kỳ của Bộ GTVT

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Không phải vì xảy ra sự cố mà Bộ GTVT mới tổ chức buổi họp này. Đây là cuộc họp thường niên để giải quyết các vấn đề tồn đọng về cầu yếu.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, cả nước hiện có 5.869 cầu. Trong đó, 861 cầu được cắm biển hạn chế tải trọng trên toàn tuyến Quốc lộ. Những cầu yếu này chủ yếu nằm trên những tuyến không phải huyết mạch, quốc lộ chính gần như không có cầu yếu.

Phó Tổng cục trưởng nhìn nhận, hiện nhiều địa phương “tiếc” cầu cũ sau khi có cầu mới và cho rằng những cây cầu này vẫn còn tốt nên tiếp tục cho khai thác với xe máy và xe thô sơ. “Theo tôi nên phá bỏ các cầu cũ này để đồng bộ giao thông ĐTNĐ. Bởi lẽ, cầu mới và cũ có khoang thông thuyền khác nhau, trụ cầu lệch nhau trong khi khoảng cách 2 cầu rất ngắn. Vì vậy, tàu thuyền khó lưu thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu” – Phó Tổng cục trưởng cho biết.

IMG_8983
Điển hình như Cầu Việt Trì mới và Cầu Việt Trì cũ có khoang thông thuyền lệch nhau. Khoảng cách 2 cây cầu rất gần (270m), bán kính cong dưới 350m nên phương tiện đi lại sẽ gặp nguy hiểm

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Ngô Anh Tảo cho biết, tuyến đường sắt Thống Nhất hiện có 85 cầu thì 44 cầu yếu cần bố trí vốn khắc phục ngay, 41 cầu khác có thể bố trí vốn khắc phục sau. Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng có 5 cầu thì đều là lớn và không thể tồn tại vì không đảm bảo an toàn. Vì 5 cầu này có khoang thông thuyền hạn chế, nguy cơ va trôi rất cao và cần thay thế ngay. Trước mắt, ngành Đường sắt kiến nghị cần xây dựng hệ thống chống va trôi vào trụ cầu và mở rộng tĩnh không thông thuyền của các cây cầu này.

Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT) khẳng định, cầu yếu ở bất kỳ quốc gia nào cũng có, kể cả những nước phát triển giao thông hàng đầu thế giới, vì vậy, duy trì cầu yếu là vấn đề “đau đầu” không chỉ ở Việt Nam. Việc bảo vệ cầu yếu, tránh va trôi vốn là vấn đề rất phức tạp bởi luồng, lạch thay đổi theo thời gian trong khi nguy cơ tàu thuyền đâm vào trụ cầu vẫn rất cao và đa dạng.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng, xây dựng trụ chống va là giải pháp hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, góc đâm của tàu thuyền vào trụ cầu rất đa dạng, có khi không đâm vào trụ chống mà đâm luôn vào trụ cầu. Ngoài ra, việc xây dựng trụ chống va rất tốn kém, thậm chí, xây trụ cầu và xây trụ chống va có thể còn đắt hơn cả chi phí xây loại trụ cầu có khả năng chống va.

021142015_83840
Xà lan đâm gãy trụ chống va cầu Giá Rai trên tuyến sông Bạc Liêu - Cà Mau (Ảnh: Sở GTVT Bạc Liêu)

Trong khi đó, việc va đập chỉ có thể được tính trong giới hạn, nếu lực quá mạnh thì chống va kiểu gì cũng vẫn không đảm bảo an toàn. Trên cơ sở đó, bên cạnh việc xây dựng trụ chống va thì nâng cao tĩnh không, khoang thông thuyền và siết chặt kiểm soát phương tiện qua lại là giải pháp hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nếu không có giải pháp ngay thì chắc chắn, va trôi sẽ tiếp tục xảy ra và sẽ có thêm cầu bị sập.

Lấp “lỗ hổng” trong quản lý ĐTNĐ

Ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐVN cho biết, các tuyến vận tải thủy hiện bị ảnh hưởng lớn bởi tĩnh không các cầu thấp, các công trình vượt sông hiện nay có thông số kỹ thuật thông thuyền không đồng bộ trên các tuyến vận tải.

Hiện cả nước có 251/532 cầu và công trình vượt đường thủy có tĩnh không thông thuyền thấp hơn thông số kỹ thuật. Nguyên nhân do yếu tố lịch sử để lại; sự thay đổi điều chỉnh quy hoạch ngành ĐTNĐ; thiếu vốn đầu tư xây dựng cầu; điều kiện tự nhiên, đặc thu sông kênh mỗi vùng miền đất nước. Trong khi đó, phương tiện vận tải ngày một tăng lên cả về kích thước, chủng loại và số lượng, kích thước trọng tải chủ yếu từ 400 đến 2.000 tấn. Do vậy, các cầu này gây cản trở, khó khăn vận tải thủy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, giảm khả năng khai thác tiềm năng giao thông thủy.

DSC02041
Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ đánh giá, cầu  yếu đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, giảm khả năng khai thác tiềm năng giao thông thủy

“Trên cơ sở đó, Cục ĐTNĐ đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung triển khai xây dựng lắp đặt cảnh báo cho các tàu thông qua các cảnh báo từ xa cho phương tiện và có lực lượng điều tiết, xây dựng một số hệ thống chống va cho các cầu yếu trên đường thủy. Nhưng trước mắt, Cục kiến nghị Bộ cho phép tổ chức ngay trạm điều tiết, cứu hộ, chống va trôi thường trực tại các cầu nguy hiểm này” – Phó Cục trưởng Trần Văn Thọ cho biết.

Cùng với đó là đầu tư, cải tạo, nâng cấp thay thế xây mới 53 cầu ưu tiên. Riêng cầu Việt Trì (Phú Thọ) có phương án gia cố bảo đảm an toàn. Phó Cục trưởng cũng kiến nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí cho Cục ĐTNĐVN thực hiện điều tiết chống va trôi mùa lũ và điều tiết đảm bảo giao thông cả năm đối với các cầu đường bộ, đường sắt.

“Hiện Cục chỉ có kinh phí điều tiết chống va trôi vào mùa lũ, nhưng trên thực tế các vụ va trôi gần đây đều không phải mùa lũ. Vì vậy, Cục kiến nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí cho Cục thực hiện chống va trôi trong cả năm” – Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐVN nhấn mạnh.

DSC02049
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: "Không được để xảy ra thêm bất cứ 1 vụ đâm sập cầu nào nữa"

Thừa nhận lỗ hổng trong quản lý ĐTNĐ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, bên cạnh chất lượng các cây cầu đã quá cũ thì nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tàu đâm vào cầu thời gian vừa qua là do ý thức chấp hành pháp luật của phương tiện rất kém và sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng liên quan. Trong đó, công tác cảnh báo, báo hiệu từ xa vẫn là điều đang hạn chế.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐVN chấn chỉnh các đơn vị trực thuộc của mình, đồng thời truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đã để xảy ra tai nạn vừa qua.

Thứ trưởng yêu cầu, trước 30/4, các đơn vị phải hoàn thành thống kê toàn bộ các cây cầu có nguy cơ va đâm dẫn đến sập cầu cao. Đồng thời, TCĐBVN, Cục ĐSVN, Cục ĐTNĐVN thống kê, phân loại các nguồn vốn xây dựng cơ bản, sửa chữa định kỳ để Bộ GTVT làm cơ sở trình xin nguồn vốn đầu tư khắc phục cầu yếu từ Thủ tướng Chính phủ.

Về giải pháp trước mắt, Thứ trưởng đồng ý với kiến nghị của Cục ĐTNĐVN về tổ chức trạm điều tiết tại các vị trí cầu có nguy cơ va trôi cao. Thứ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐVN tiến hành ngay và kiểm soát 24/24 phương tiện lưu thông qua các vị trí này.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Cục ĐTNĐVN phải tiến hành khẩn trương việc củng cố lại phao tiêu, biển báo lớn và rõ ràng hơn. Đặc biệt, phải tiến hành cảnh báo từ xa ít nhất 1km đối với những cầu có tĩnh không thông thuyền thấp.

P1040755
Trụ chống va bảo vệ cầu Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Báo Dân trí

Cùng với đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục Xây dựng và Quản lý chất lượng công trình giao thông đẩy mạnh phối hợp với Cục ĐTNĐVN nghiên cứu, khảo sát đầu tư trụ va xô ở các vị trị cầu yếu; siết chặt quản lý ĐTNĐ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm quy định pháp luật và tăng cường thanh, kiểm tra công tác đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa.

“Sau cuộc họp này, không được để xảy ra thêm bất kỳ 1 vụ đâm gãy trụ cầu. Các Cục trưởng sẽ bị truy cứu trách nhiệm và phải từ chức nếu có thêm 1 cây cầu nào bị sập” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bộ GTVT sẽ bố trí nguồn vốn phục vụ cho những giải pháp cấp bách trước mắt. Từ nay đến năm 2020, sẽ không còn cầu yếu, ưu tiên trước mắt là những cầu đường sắt có tuổi thọ cao, không còn phù hợp với sự phát triển giao thông hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận