Các cường quốc chi hàng tỷ USD để 'dỗ dành' Triều Tiên

Chương trình hạt nhân của Triều Tiên không chỉ mang ý nghĩa phô diễn sức mạnh, mà còn giúp nước này nhận về hàng tỷ USD.

 

1492313411-149231323775783-trieu-tien-2
Ảnh minh họa

"Bình Nhưỡng kiếm được nhiều tiền từ các hành động khiêu khích. Bởi những hàng xóm giàu có thường thờ ơ với những hành vi tốt, nhưng một 'quả táo xấu' lại thu hút đòn bẩy và hàng tỷ USD viện trợ", Sung-Yoon Lee, giáo sư Đại học Tufts (Hàn Quốc) nói với CNBC vào thứ Hai (14/8). 

Chính những quốc gia chỉ trích việc phát triển chương trình hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại cung cấp những khoản viện trợ với danh nghĩa "ngoại giao kiểm soát thiệt hại" cho Triều Tiên. "Nguy cơ mất an toàn từ các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng giúp nhận lại sự nhượng bộ từ các quốc gia khác", Giáo sư Lee nhận định.

Trong một phần tư thế kỷ gần đây, Triều Tiên đã thu về khoảng 20 tỷ USD tiền mặt, thực phẩm, nhiên liệu và dược phẩm từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. "Đây là kết quả của việc lặp lại lời nói dối phi hạt nhân hóa", Giáo sư Lee - người cũng từng làm nhân chứng chuyên môn tại phiên điều trần của Chính phủ Mỹ về chính sách Bắc Triều Tiên, đánh giá. 

Bình Nhưỡng thường cam kết xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Năm 2007, nước này đồng ý vô hiệu hóa tất cả các cơ sở hạt nhân để đổi lấy dầu lửa hoặc viện trợ kinh tế. Nhưng rõ ràng lời hứa này chưa bao giờ được thực hiện. Gần đây, chính quyền ông Kim đã nói rằng Triều Tiên sẵn sàng đóng băng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa nếu Washington ngừng các cuộc tập trận chung với Seoul.

Giải thích điều này, ông Lee cho rằng Triều Tiên thường thực hiện điều đó theo một chu kỳ, bắt đầu bằng các hành động khiêu khích thù địch, sau đó sẽ đi kèm với các cuộc đàm phán và sự nhượng bộ từ cộng đồng quốc tế. Ông cũng cho rằng "chu kỳ mệt mỏi này sẽ tiếp tục trong tương lai gần".

Lập luận này cũng được củng cố khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là người ủng hộ việc xây dựng mối quan hệ giữa Nam - Bắc Triều và viện trợ nhân đạo.

"Triều Tiên muốn sử dụng các vũ khí hạt nhân của mình để gây áp lực với Hàn Quốc. Và với những tiền đề ủng hộ đang có, Bình Nhưỡng có đủ căn cứ để làm điều này với Chính phủ của ông Moon. Chu trình các cuộc khiêu khích - đàm phán - nhượng bộ, vì thế có thể sẽ lặp lại", Giáo sư Lee nhận định.

Theo số liệu của chính phủ Mỹ, Washington đã gửi 1,3 tỷ USD viện trợ không điều kiện cho Triều Tiên từ năm 1995 đến năm 2008. Khoảng 60% là viện trợ lương thực, phần còn lại là năng lượng.

Gần đây nhất vào tháng 1/2017, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama cũng gửi 1 triệu USD để cứu trợ lũ lụt cho Bình Nhưỡng thông qua Liên Hiệp Quốc, trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Đây là lần viện trợ nhân đạo đầu tiên của Mỹ cho Triều Tiên kể từ năm 2011 - thời điểm Washington trao cho Bình Nhưỡng 900.000 USD thông qua các tổ chức cứu trợ độc lập. 

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng chính thức viện trợ cho nước láng giềng phương Bắc 7 tỷ USD từ 1998 đến 2007, gồm tiền mặt, lương thực, phân bón và vật tư y tế.

"Dập tắt căng thẳng và đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán là tiêu chuẩn đo lường sự thành công trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên", Giáo sư Lee cho biết.

Năm 2013, Seoul đã thông qua khoản viện trợ 6 triệu USD dành cho trẻ em Triều Tiên. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in cũng cho biết sẵn sàng chi 6 triệu USD giúp Triều Tiên tiến hành điều tra dân số.

Còn Trung Quốc - nước bảo trợ chính của Triều Tiên, cũng cung cấp 1 tỷ tới 1,5 tỷ USD kể từ năm 2003, theo số liệu của Giáo sư Lee.

Vị giáo sư này cũng khẳng định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên sẽ còn tiếp tục. Bắc Kinh vẫn sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng về kinh tế và chính trị để bảo vệ lợi ích chiến lược trong khu vực. Sự sụp đổ của chế độ ông Kim có thể dẫn đến sự hiện diện của Mỹ nhiều hơn tại châu Á và hàng triệu người tị nạn chạy trốn qua biên giới giữa 2 nước này.

Ý kiến của bạn

Bình luận