Các địa phương đều phải giảm TNGT

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 22/07/2015 11:26

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với nỗ lực của các bộ ngành và địa phương nên tình hình TTATGT tiếp tục được duy trì, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Mục tiêu phấn đấu trong 6 tháng cuối năm, các địa phương đều phải giảm TNGT từ 5 - 10%.

IMG_1187
 

NÓNG CHUYỆN NÉM ĐÁ LÊN Ô TÔ

Tại Hội nghị Sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc bức xúc trước tình trạng ném đá lên ô tô trên QL14 ở các tỉnh Tây Nguyên. Phó Thủ tướng cho biết, đây là hành động phá hoại rất nghiêm trọng liên quan đến tính mạng tài sản của nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Dham Ê Nuôi, nạn ném đá xảy ra ở huyện Ea Hleo giáp tỉnh Gia Lai từ cuối năm năm 2014 đã được xử lý nghiêm nhưng 6 tháng đầu năm nay tại tỉnh Đắk Lắk không xảy ra tình trạng ném đá lên xe khách nữa. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Đức Tuy cho biết, thời gian qua, trên QL14 xảy ra 4 vụ ném đá xe khách và chúng tôi đã bắt được 3 vụ, trong đó có 5 em học sinh. Lực lượng chức năng đã vào cuộc khẩn trương và 22h ngày 01/7 đã bắt quả tang 3 em học sinh ném đá lên xe khách, thông tin ban đầu rất nhiều khả năng đây là thủ phạm trong vụ ném đá lên xe khách đêm ngày 28/6 vừa qua. Tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn cho biết đã xảy ra 9 vụ, 19 đối tượng bị bắt và đã bắt giam 16 đối và đã khởi tố, xét xử lưu động tại địa phương để giáo dục răn đe.

Có ý kiến cho rằng đây là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng vận tải, cũng như tình trạng tranh giành khách… Bác bỏ quan điểm này, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng khẳng định, việc nghi ngờ cạnh tranh không lành mạnh là quyền của mỗi người, tuy nhiên qua nắm bắt thông tin hầu hết là thanh thiếu niên, quậy phá, có trường hợp nhậu xong ra đường ném đá.

Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án và bị can và cho rằng, đây không phải là trò đùa mà là tính mạng, tài sản của người dân. Do đó, công an các tỉnh phải khẩn trương vào cuộc, điều tra, đem ra xét xử để làm gương, kịp thời ngăn chặn ngay tình trạng này.

TNGT GIẢM NHƯNG CHƯA NHIỀU

Đánh giá tình hình TTATGT 6 tháng đầu năm 2015, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho rằng, tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước và UTGT tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có chuyển biến tích cực. Số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT tiếp tục giảm, đặc biệt, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, tình hình TTATGT 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, trong đó số vụ và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số người chết vì TNGT chỉ giảm được 4,5% (211 người) so với cùng kỳ năm 2014, còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe chở công-ten-nơ; TNGT đường thủy, đường sắt tăng cao, đặc biệt số người chết do TNGT đường sắt tăng 26,58% và đường thủy là 20,59%; còn để xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không. Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trên địa bàn các địa phương có nhiều mỏ vật liệu và các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc và Lào. Tình trạng xe khách chở quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định còn diễn ra trong những dịp cao điểm.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa duy trì có hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa. Hai là, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt là trong công tác quản lý, điều hành GTVT còn nhiều hạn chế; nhận thức pháp luật và trình độ quản lý sản xuất vận tải và bảo đảm ATGT của một bộ phận các chủ doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Ba là, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT còn chưa đạt được như mong muốn. Bốn là, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu trong công tác bảo vệ hành lang ATGT, tổ chức giao thông và cảnh báo ATGT tại các vị trí kết nối giữa đường phụ ra đường chính trên một số đoạn tuyến QL chưa hiệu quả; công tác tổ chức giao thông, bảo đảm ATGT của KCHTGT nông thôn, miền núi còn bất cập. Năm là, dịch vụ vận tải công cộng kết nối giữa đô thị trung tâm tỉnh với huyện lị và các cụm dân cư nông thôn cũng như trong các đô thị lớn còn hạn chế trong khi nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa rất lớn, đặc biệt là có xu hướng tăng nhanh theo sự phát triển của nền kinh tế.

CẢ NƯỚC CÙNG KÉO GIẢM TNGT

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù giảm hơn 200 người chết so với cùng kỳ nhưng cũng là một sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mỗi một người thiệt mạng chúng ta đều trăn trở… Trách nhiệm trước nhân dân là phải giảm nhiều hơn nữa, mỗi địa phương đều phải giảm 10% TNGT ở cả 3 tiêu chí.

TNGT có giảm nhưng nguy cơ TNGT đường sắt, đường thủy, đường bộ vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, tình trạng lái xe nghiện hút vẫn còn, ý thức người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện còn thấp làm cho nguy cơ này càng tăng, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật còn thấp như tình trạng ném đá lên tàu, lên ô tô liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.

Nhằm kiểm soát tốt TTATGT, mục tiêu kéo giảm TNGT 10% cho cả 3 tiêu chí, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, siết chặt các điều kiện kinh doanh vận tải; giao cho Bộ GTVT chủ trì rà soát lại thể chế chính sách để tăng tính răn đe giáo dục, chỉ có “Thể chế, thể chế và thể chế sẽ quyết định sự thành bại của một chính sách, một quốc gia”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức giao thông hợp lý. 

6 tháng đầu năm 2015, toàn quốc xảy ra 11.179 vụ, làm chết 4.478 người, làm bị thương 10.149 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 1.648 vụ (-12,85%), giảm 211 người chết (-4,5%), giảm 2.114 người bị thương (-17,24%). Có 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT, trong đó 8 địa phương giảm trên 20%. Tuy nhiên, vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 12 tỉnh tăng trên 10%. Cả nước đã xảy ra 50 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài trên 01 giờ (giảm 92 trường hợp =64,8% so với 06 tháng đầu năm 2014).

Ý kiến của bạn

Bình luận