Kéo giảm TNGT nông thôn nhờ giải pháp đúng
Trong khi nhiều địa phương để TNGT gia tăng tại địa bàn nông thôn, thì nhiều địa phương bằng những giải pháp trúng và đúng đã không những kéo giảm TNGT ở khu vực nông thôn mà tại các địa bàn khác như QL, đường đô thị cũng được đảm bảo.
Ông Nguyễn Chiến Thắng – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, do phải kéo lực lượng chức năng ra đảm bảo giao thông trên QL1 vì toàn bộ tuyến này đang thi công do đó đã kéo giảm được TNGT trên QL nhưng lại để tăng TNGT ở vùng nông thôn và đô thị. Mặc dù TNGT trong 3 tháng đầu năm vẫn giảm cả 3 tiêu chí, song đây là khuyết điểm của Ban ATGT tỉnh. Trong những tháng còn lại, Khánh Hòa tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và QL1 hoàn thành sẽ kéo giảm TNGT trên địa bàn, ông Thắng khẳng định.
Là địa phương có giải pháp căn cơ hơn, Thái Bình bằng nguồn kinh phí an toàn và của địa phương, Ban ATGT tỉnh đã làm gỡ giảm tốc cưỡng bức tại các điểm đấu nối từ đường tỉnh ra QL, từ huyện lộ ra tỉnh lộ nên đã hạn chế được TNGT tới mức thấp nhất trong 3 tháng đầu năm. Ông Phạm Quang Đức – Giám đốc Sở GTVT cho biết, trên địa bàn chỉ xảy ra 13 vụ, làm chết 12 người, bị thương 7 người. Từ cuối năm 2014, chúng tôi đã xây dựng 800 điểm gờ giảm tốc nối với QL và trên 6.000 điểm đấu nối với các tỉnh lộ, đường xã nên người dân khi đi đến đây đều bắt buộc giảm tốc độ, có thời gian quan sát nên đã kéo giảm được TNGT tại các điểm giao nhau, đặc biệt tại địa bàn nông thôn.
Bằng việc tập huấn cho tất cả các hiệu trưởng, tổng phụ trách đội, trưởng thôn, cán bộ làm công tác ATGT tại các cấp, đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nên đã hạn chế được TNGT xảy ra ở vùng nông thôn.
Hết xe quá tải trong quý II nếu Bí thư, Chủ tịch quyết liệt
Nói về tình trạng vi phạm TTATGT, đặc biệt là xe quá tải, Thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, nhiều năm qua lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhưng lái xe vẫn vi phạm và chống đối lực lượng thực thi nhiệm vụ; chúng ta phạt không phải ít với trên 1 triệu trường hợp và chế tài đã tăng mà tình trạng vẫn vi phạm nhiều, nên chăng cần tăng nặng mức phạt để đủ sức răn đe, Tướng Hà có ý kiến.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất, cần phải xử phạt nghiêm minh hơn, phạt nặng đối với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, nghiên cứu đưa hình thức phạt lao động công ích từ 5 – 10 ngày… Nếu vướng đâu chúng ta sửa đấy, chứ nếu không như hiện nay các quy định này đều chưa có, nên đem ra bàn thì thấy vướng, phải có đột phá.
Trước tình trạng xe quá tải hoạt động trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho biết, nguồn hàng chủ yếu là gạo, bắt đầu từ Hải Phòng đi theo 2 hướng Quảng Ninh đến Lào Cai và Hải Dương đến Vĩnh Phúc để lên cao tốc về Lào Cai. Bộ GTVT sẽ cách chức giám đốc cảng nếu để tình trạng xếp hàng quá tải và đối với Cục Quản lý Đường bộ và Chi cục trưởng nếu để xe quá tải phá hỏng cầu đường bộ mà người quản lý không biết. Bộ trưởng khẳng định, ở các địa phương còn xe quá tải là do tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, giám đốc Công an và Giao thông chưa vào cuộc quyết liệt và tỉnh nào vào cuộc quyết liệt thì tỉnh đó không còn xe quá tải. Bộ trưởng lấy ví dụ ở Hà Tĩnh, khi chủ tịch, bí thư tỉnh ra “đứng đường” chỉ mặt từng doanh nghiệp thì đến giờ hết xe quá tải. Điều đó cho thấy chỉ cần bí thư, chủ tịch, Giám đốc Công an, Giao thông vào cuộc quyết liệt thì sẽ xóa xe quá tải ngay trong quý II này. Bộ trưởng cho biết thêm, trong đầu tháng 4 này, Bộ GTVT sẽ tổ chức sơ kết 1 năm KSTTX tại Hà Tĩnh, đồng chí Bí thư tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự sẽ có tham luận về kinh nghiệm xóa xe quá tải tại địa phương để các địa phương khác học tập khi trách nhiệm người đứng đầu gắn với công tác đảm bảo TTATGT.
Khuyến khích các địa phương áp dụng KHCN giám sát TTATGT
Phát biểu kết luận tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác đảm bảo TTATGT, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã biểu dương 12 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Đồng Nai, Bạc Liêu, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Đắk Nông, Cao Bằng, Tây Ninh, Hà Giang, Quảng Nam, Sóc Trăng, Bến Tre, Điện Biên. Văn phòng Uỷ ban ATGT dự thảo văn bản biểu dương Ban ATGT tỉnh Đồng Nai về thành tích giảm trên 50% số người chết do TNGT trong quý I/2015. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, địa phương giảm TNGT là do thực hiện được việc nói đi đôi với làm, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhân dân đồng thuận chính là bài học kinh nghiệm để cả nước cùng học tập.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng phê bình 23 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 16 tỉnh tăng trên 10%, đặc biệt, có 5 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là: Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Bắc Ninh, An Giang.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc bước đầu áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát điều hành giao thông tại Hà Nội, trên một số tuyến cao tốc, trạm thu phí không dừng trên QL1 đoạn qua Quảng Bình và khuyến khích các địa phương đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong điều hành giám sát giao thông.
Để kiềm chế và giảm thiểu TNGT trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát tại vùng nông thôn, đặc biệt liên quan đến mô tô, xe gắn máy, kiểm soát tải trọng xe… Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, hiện nay vẫn chưa có giải pháp mạnh đối với những khu vực có sự gia tăng về TNGT. Ngoài ra, việc sử dụng các phương tiện để phạt nguội vi phạm giao thông như camera, thiết bị giám sát hành trình vẫn chưa thành nền nếp. Từ tình hình trên, Phó Thủ tướng cho rằng, phải xử phạt nặng hơn đối với các hành vi vi phạm giao thông để đủ sức răn đe đối với những người cố tình vi phạm. Qua đó, cùng với các giải pháp khác để từng bước giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, mà mục tiêu của năm 2015 là kéo giảm TNGT ở 3 tiêu chí, không chỉ .
Hoàng Long
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.