Airbus A380 của hãng hàng không EmiratesẢNH: EMIRATES |
Theo Business Insider, sắc lệnh áp đặt lên chín hãng hàng không lớn, cấm hành khách mang bất kỳ thiết bị điện tử nào lớn hơn điện thoại vào cabin của các chuyến bay thẳng đến Mỹ từ 10 sân bay ở Trung Đông và Bắc Phi. Đây là thách thức đối với các hãng hàng không và hành khách.
Hành khách bay hạng thương gia không thể rời máy tính xách tay. Nhiều trong số họ làm việc trong thời gian quá cảnh và laptop cũng có thể chứa nhiều thông tin nhạy cảm mà giới doanh nghiệp không muốn bị lộ ra ngoài. Lệnh cấm đến nay là mối quan tâm lớn đối với các hãng bay bị ảnh hưởng, vì hành khách bay hạng thương gia và sức chi mạnh tay của họ là nhóm khách hàng quan trọng đối với các hãng hàng không.
Vì thế, một số cái tên ''nặng ký'' trong ngành nhưng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, trong đó có Emirates, Qatar Airways, Etihad và Turkish Airlines, đã và đang áp dụng nhiều biện pháp đối mặt lệnh cấm. Dựa trên bảng xếp hạng mới nhất của Skytrax, bốn hãng hàng không trên lần lượt đứng hạng nhất, hạng nhì, hạng sáu và hạng bảy top các hãng bay hàng đầu thế giới.
Emirates là hãng bay lớn đầu tiên phản hồi trước câu hỏi hóc búa về sắc lệnh của Mỹ. Hôm 23.3, công ty thông báo về dịch vụ cho phép hành khách sử dụng laptop và máy tính bảng cho đến lúc lên máy bay, thay vì gửi chúng ngay lúc check in hành lý ký gửi. Trước khi lên máy bay, hành khách bàn giao thiết bị điện tử cho nhân viên Emirates đóng gói vào hộp an toàn để cất trong khoang hàng. Chủ tịch Emirates Tim Clark cho hay hoạt động của Emirates hiện khá tốt dù gặp cảnh hành lý bị trì hoãn và khách hàng phải chờ đợi tại các sân bay Mỹ.
“Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm tuân thủ quy định mới, đồng thời giảm thiểu sự gián đoạn dòng chảy khách hàng và tác động lên trải nghiệm của hành khác. Dịch vụ miễn phí mới của chúng tôi cho phép hành khách, đặc biệt là những người bay hạng thương gia, linh hoạt dùng thiết bị của họ lâu nhất có thể”, ông Clark nói.
Hạn chế về an ninh mới đối với các chuyến bay đến Mỹ có thể là cú sốc lớn đối với nhiều hãng hàng không lớn Trung Đông, những cái tên vốn từng gặp khó vì lệnh cấm di cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Turkish Airlines cũng đưa ra chính sách xử lý laptop tương tự. Theo đó, các thiết bị điện tử của hành khách sẽ được đóng gói trong các họp an toàn tại cổng đi. Khi đến Mỹ, các hộp này được trao trả lại hành khách. Để đảm bảo an ninh, nhân viên hãng bay sẽ đích thân trả lại hộp an toàn cho từng khách hàng có số thẻ hành lý trùng khớp.
Ngoài ra trong tuần trước, Turkish Airlines cho biết các hành khách đang dùng laptop và tablet tại cổng lên máy bay sẽ nhận được Wi-Fi miễn phí trên chuyến bay. Skytrax đánh giá hãng bay có trụ sở chính ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là hãng hàng không tốt nhất châu Âu sáu năm liền. Hãng Saudia cũng cho hay tất cả hành khách bay đi hoặc bay đến Anh, Mỹ cũng nhận được 20 MB truy cập Wi-Fi miễn phí.
Etihad cũng vừa cho hay hành khách bay hạng nhất và hạng thương gia trên các chuyến bay đến Mỹ có quyền truy cập vào Wi-Fi miễn phí bằng iPad có sẵn nếu cần, bắt đầu từ ngày 2.4. Hãng cho hay đây là động thái “giúp hành khách giữ liên lạc với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình”. Ổ cắm điện và cổng ghép USB cũng có sẵn tại mỗi ghế ngồi, giúp hành khách dùng thiết bị liên tục.
Với Qatar Airways, hãng cho phép hành khách hạng thương gia thuê máy tính xách tay và dùng 1 giờ Wi-Fi miễn phí trên tất cả chuyến bay đến Mỹ. Qatar Airways không cung cấp dịch vụ cabin hạng nhất truyền thống. Hãng bay Vùng Vịnh có dịch vụ hạng thương gia đánh giá là tốt nhất thế giới.
Trong khi dịch vụ của Emirates cung ứng đến toàn bộ hành khách, bất kể loại vé máy bay thì Etihad và Qatar Airways không cung cấp dịch vụ cho hành khách chọn vé tiết kiệm. Emirates cũng có ý cung ứng dịch vụ thuê laptop và đưa ra ưu đãi Wi-Fi cho hành khách, nhưng còn chờ dữ liệu tổng hợp kết luận về tác động lâu dài của lệnh cấm lên hoạt động của hãng. Hiện tại, những cái tên lớn của ngành hàng không Vùng Vịnh đang cố gắng hết sức để giảm thiểu bất tiện cho khách hàng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.