Các nước đang phát triển nghiên cứu công nghệ làm mát Trái đất

Tác giả: khoahoc.tv

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 08/04/2018 06:30

Các nhà khoa học tại các quốc gia đang phát triển có kế hoạch đẩy mạnh nghiên cứu làm dịu ánh sáng Mặt Trời ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

nang-nong

Nắng nóng gay gắt trên đường phố Los Angeles, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Hiện tại các quốc gia giàu có và những trường đại học danh tiếng như Havard, Oxford đang chiếm lĩnh nghiên cứu công nghệ "solar geo-engineering", theo đó mô phỏng các vụ phun trào núi lửa lớn tạo một tấm mạng tro bụi che Mặt Trời, nhờ đó có thể làm mát Trái Đất.

Tuy nhiên, tạp chí Nature số ra ngày 4/4 đăng một bài viết của nhóm nghiên cứu gồm 12 nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Ethiopia và Jamaica cho rằng các nước nghèo dễ tổn thương nhất khi Trái đất ấm lên, vì vậy cần tham gia nhiều hơn vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Theo đó, các quốc gia đang phát triển phải đi đầu trong nghiên cứu solar geo-engineering.

Trưởng nhóm nghiên cứu Atiq Rahman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiên tiến Bangladesh, cho rằng ý tưởng về solar geo-engineering tương đối viển vông, nhưng công nghệ này đang dần "bám rễ" trong các nghiên cứu trên thế giới.

Các nghiên cứu về solar geo-engineering có thể được hỗ trợ bởi Sáng kiến kiểm soát bức xạ Mặt Trời (SRMGI), một dự án nghiên cứu mới trị giá 400.000 USD.

Quỹ này có thể giúp các nhà khoa học ở các quốc gia đang phát triển nghiên cứu tác động của solar geo-engineering trong khu vực, chẳng hạn như tình trạng hạn hán, lũ lụt hoặc gió mùa.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Rahman nhấn mạnh còn nhiều tranh cãi về công nghệ này, vì còn quá sớm để xác định những tác động của nó, có thể rất hiệu quả nhưng cũng có thể rất có hại.

Theo một dự thảo báo cáo về khí hậu dự kiến được công bố vào tháng 10 tới, các chuyên gia của Liên hợp quốc bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của solar geo-engineering xét ở khía cạnh kinh tế và xã hội; cho rằng công nghệ trên có thể làm gián đoạn các hình thái thời tiết và khó có thể dừng lại một khi đã bắt đầu.

Theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được 197 nước thông qua hồi năm 2015, các nước sẽ nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu từ 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, theo 2 nghiên cứu đăng trên tạp chí Biến đổi khí hậu tự nhiên số ra hôm 2/4 vừa qua, mức tăng nhiệt 2 độ C không còn là ngưỡng an toàn để bảo vệ thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu.

Ý kiến của bạn

Bình luận