Các thành phố ngầm cho con người : Sự “Nhân tính hóa” của thành phố ngầm và hệ thống Metro Montreal, Canada

Ứng dụng 05/10/2012 09:06

Tóm tắt: Các đô thị là những nơi mà chúng ta có thể gặp gỡ mọi người, trao đổi ý tưởng, làm kinh doanh hay đơn giản là quan sát đời sống thành thị. Điều đó phải là tương tự đối với các không gian ngầm, bên trong các hệ thống tàu điện ngầm và hầm ngầm, trong các tòa nhà của tư nhân và của chính quyền, các trung tâm mua sắm, các trường đại học, các bảo tàng và các công trình khác. Một thành phố ngầm thành công cần có tính chất đa chức năng và các tòa nhà liên thông, với số lượng và chất lượng của các hành lang và các không gian công cộng được quy hoạch tốt, có quy mô phù hợp với con người, có tính an toàn và có thể sống được. Montreal, với Thành phố Ngầm của nó, có một lịch sử lâu dài trong lĩnh vực đó từ năm 1962, với một danh sách dài các kinh nghiệm thú vị về sự làm “nhân tính hóa” không gian ngầm. Các tác phẩm nghệ thuật trong hệ thống metro là điều hấp dẫn nhất. Người ta thường nói rằng Metro Montreal là một trong những bảo tàng ngầm lớn nhất trên thế giới và có danh tiếng tốt đ


(*) Chuyên gia tư vấn về Quy hoạch Không gian ngầm, Montréal, Canada. Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế, Viện các nhà Quy hoạch Canada. Phó chủ tịch (phụ trách châu Mỹ) của Hiệp hội các Nhà Quy hoạch Khối thịnh vượng chung. Sáng lập viên và Cố vấn của Hiệp hội các Trung tâm nghiên cứu Không gian ngầm (ACUUS)
Chuyển ngữ: Nguyễn Đức Toản
1.  Giới thiệu
Trước khi xét đến “khía cạnh con người” của Thành phố Ngầm Montreal và hệ thống Metro của nó, điều quan trọng là phải hiểu một thành phố ngầm là gì, và cái gì có thể trở thành một thành phố ngầm ở quy mô phục vụ con người thành công. Có ít thành phố lớn trên thế giới đã có được các dự án ngầm, được biết đến ở vài quốc gia, như ở Canada, như là các mạng lưới đi bộ bên trong nhà.
Các mạng lưới như vậy không phải là các kết cấu đứng đơn lẻ, như các trung tâm mua sắm ngầm, bãi đỗ xe hay các ga tàu điện ngầm, mà chúng có thể là các ví dụ tốt về kiến trúc. Đó không chỉ là vài tầng hầm của nhà cao tầng, nối với nhau bằng các hành lang. Thay vào đó, một thành phố ngầm là một công trình đô thị lớn hơn, được tích hợp với khu trung tâm nói trên, có đa mục đích sử dụng và được liên kết với các nút giao thông; nó được quy hoạch/thiết kế cho con người và mở suốt ngày một cách tự do cho đa dạng công chúng, cùng các giờ hoạt động với một hệ thống tàu điện ngầm. Bên trong một thành phố ngầm, một trung tâm mua sắm không chỉ là một địa điểm để mua bán, và một ga Metro không chỉ là một không gian có tính thẩm mỹ để đi dạo bộ. Chúng là hai thực thể khác nhau, xét về mặt quy mô và tính phức tạp. Chúng ta có các công trình đứng một mình, chủ yếu tạo ra bởi các nhà kiến trúc, mặt khác, có các dự án bất động sản tích hợp thực sự của các nhà quy hoạch, kiến trúc sư và kỹ sư, làm việc với nhau như một đội ngũ cùng với chính quyền đô thị để phát triển và mở rộng một cách hài hòa một mạng lưới đi bộ dưới ngầm.
2.  Quy hoạch Không gian Ngầm cho Con người
Để hiểu rõ hơn phải có những điều kiện gì để tạo lập thành công một mạng lưới phục vụ đi bộ dưới ngầm, hãy xem xét lại khái niệm về phát triển bền vững. Một số định nghĩa “vận hành” đã được đề nghị, nhưng khái niệm đơn giản nhất, đó là phát triển bền vững là kết quả của một sự cân bằng tốt giữa các câu trả lời cho các nhu cầu của con người, tính kinh tế và môi trường. Để đạt được điều ấy, chúng ta phải nghĩ với một tầm nhìn hướng tương lai, phải dẫn đến tính vững bền và tính có thể sống được. Cụ thể, chúng ta phải quy hoạch không gian ngầm vì con người và cho con người; nghĩa là, phải xem xét tính chấp nhận được về xã hội và hiệu quả kinh tế của một dự án, và tất nhiên đo lường được các tác động về mặt địa vật lý và môi trường của nó. Các nhà quy hoạch phải nỗ lực để làm cân bằng và điều hòa được một số chức năng đô thị trong các dự án không gian ngầm, đó là GTVT (tính có thể tiếp cận được), kinh tế (đa dạng về mục đích sử dụng), và các hoạt động xã hội (tính có thể sống tốt được).
Các thành phố là những nơi để con người gặp nhau, trao đổi tư tưởng, làm ăn hay mua sắm, học tập hay đơn giản là ngắm xem cuộc sống thành thị. Các không gian công cộng bên trong nhà và các hành lang ngầm được thiết kế tốt là một yêu cầu, và để đạt được yêu cầu đó, phải có một quy mô thích hợp với con người, phải an toàn và sống được, có ánh sáng ban ngày chiếu tới; phải có một hệ thống tín hiệu/định hướng, một thiết kế độc đáo, và có một sự chuyển tiếp tốt với trên mặt đất. Các kiến trúc sư sẽ phải giàu tưởng tượng và phải thiết kế tốt hơn không gian bên trong các tòa nhà (lối vào, cửa, các hành lang, các tầng hầm…) hệt như làm bên ngoài của tòa nhà. Các nhà quy hoạch cung cấp các đặc tính trên cho các không gian và các hành lang công cộng bằng cách áp dụng các quy tắc/luật phân vùng (zoning) và các quy chuẩn xây dựng khác. Mục tiêu làm cân bằng các chức năng đô thị, tạo ra quy tắc cho các giờ mở cửa các hành lang, quy định các trách nhiệm của bên tư nhân, cho phép hay hạn chế một số mục đích sử dụng, v.v…
Phạm vi và quy mô của một dự án liên quan chặt chẽ với nhau, quy mô là yếu tố quan trọng nhất để xem xét kỹ lưỡng. Theo nhà quy hoạch Hà Lan Jan Gehl, có ba cấp độ của quy mô quy hoạch: quy mô thành phố (như khi được nhìn từ máy bay trực thăng), quy mô công trường (như được nhìn bởi một con chim), và quy mô con người (ở tầm mức mắt nhìn). Chỉ ở quy mô cuối cùng đó chúng ta mới có thể xử lý mối tương quan giữa con người với nhau, và mối tương quan giữa con người với môi trường nội thất. Nó có tính phức tạp hơn nhiều việc chỉ đưa thêm các hình ảnh cắt dán của những con người trẻ tuổi với vẻ hạnh phúc vào các bức vẽ của một dự án. Việc sáng tạo nên các không gian nội thất ngầm được tổ chức tốt và một nơi trải nghiệm đầy hấp dẫn cho người sử dụng là không dễ dàng gì, để đạt được, chúng ta phải biết có bao nhiêu người sẽ đi bộ ở đó (dòng bộ hành), các điểm đến của họ là ở đâu (câu hỏi O/D), họ định hướng cho mình như thế nào (các vấn đề về an toàn), v.v… Từ quan điểm thương mại, chúng ta cũng cần biết họ gồm giới tính nào và tuổi nào, và với mỗi nhóm người, các nhu cầu của họ là gì, họ thích gì và không thích gì (nghiên cứu nhóm khách hàng), v.v…
Tất cả những nhân tố đó tạo ra sự khác biệt các kinh nghiệm tương tác trong một môi trường ngầm bên trong nhà. Thường có sai sót khi nghĩ rằng, một sự chào hàng (về hàng hóa, cửa hàng, hay dịch vụ) sẽ tự động tạo ra một nhu cầu từ người dùng. Điều đó có thể xảy ra ở một số nước khi mà sự chào hàng (cung) là không đủ, nó không luôn luôn đúng và đặc biệt là không đúng ở các quốc gia phương Tây. Tất cả những điều này là một dạng các câu hỏi mà chúng phải được nêu lên và trả lời khi chúng ta quy hoạch thiết kế một không gian ngầm cho con người. Sau đây là một số tiêu chí về chất lượng mà Gehl đề xuất cho các môi trường đi bộ, áp dụng cho các không gian ngầm:
•    Bảo vệ: cảm thấy an toàn (các tai nạn: cầu thang, các cánh cửa, các đường dốc…), cảm thấy an ninh (đối với tội phạm), và cảm thấy được bảo vệ (các kinh nghiệm không dễ chịu: điều hòa không khí quá lạnh,…)
•    Tiện nghi: các cơ hội để tản bộ, đứng ngắm, ngồi, nhìn, tán gẫu và lắng nghe
•    Niềm vui/sự dễ chịu: các không gian ở quy mô con người (các thể tích rộng lớn), hưởng thụ khí hậu (ánh nắng), các kinh nghiệm về cảm nhận tốt (cảnh nhìn, cây cối, đài phun nước, công trình nghệ thuật, âm nhạc, mùi hương…)
Bài viết xem xét mạng lưới ngầm Montreal, chỉ xét tới các không gian trong thành phố ngầm mà chúng tiếp nhận người đi bộ, như các nhà ga tàu điện ngầm, các hành lang thương mại, và các tòa nhà tiếp nhận công chúng khác.
3. Khía cạnh Nghệ thuật của Thành phố Ngầm Montreal và Hệ thống Metro của Thành phố
Thành phố Ngầm Montreal là một “thành phố bên dưới thành phố” thực sự, là thành phố lâu đời nhất thuộc dạng đó trên thế giới. “Thành phố ẩn dấu” này vận hành trong sự cộng sinh đầy đủ với thành phố hiện hữu bên trên mặt đất. Các nhà ga tàu điện ngầm và xe điện, các tầng hầm của các tòa tháp, các hành lang thương mại, các trường đại học, bảo tàng và phòng hòa nhạc tất cả đều được nối kết với nhau, cho phép người sử dụng chúng có thể di chuyển trong một môi trường được bảo vệ, mặc cho khí hậu lạnh giá miền Bắc bán cầu của xứ Montreal. Thành phố gồm 3,8 triệu dân này nằm xa về phía Nam  nhất trong số các thành phố có mùa đông lạnh, có vĩ độ 45°31′Bắc ngang với thành Harbin (China), Lyon (Pháp) hay Venice (Italia). Mặc cho yếu tố đó, Montreal phải đối phó với sự thay đổi nhiệt độ khoảng 600C giữa mùa hè và mùa đông, nhưng do vĩ độ của nó, có những khoảng thời gian có ánh nắng mặt trời dài nhất trong mùa lạnh so với London hay Stockholm. Những bất tiện gây bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã dẫn tới việc phát triển thành phố ngầm này để biến Montreal thành một thành phố sống được một cách dễ chịu, cả mùa đông lẫn mùa hè, bên ngoài trời và bên trong nhà.
Montreal có một trong những thành phố ngầm lớn nhất thế giới, gọi là RESO, với 32km đường đi bộ và đường hầm đi bộ bên trong nhà, nằm bên dưới 63 tòa nhà mà chúng được nối với các ga metro, ga đường sắt và trạm xe buýt. Có hơn 500.000 người đi bộ trong mạng lưới ngầm này mỗi ngày.
RESO là một mạng lưới đi bộ ngầm trong nhà, với:
- 10 ga metro, 2 ga đường sắt & 2 trạm xe buýt
-  63 tòa nhà nối kết với nhau, có tổng diện tích sàn là 3,6 triệu m2
-  80% diện tích sàn văn phòng trong khu trung tâm (theo bề mặt)
-  35% số địa điểm kinh doanh trong khu trung tâm (1.700 cửa hàng, 200 nhà hàng ăn uống, 37 nhà hát…)
- 9 khách sạn lớn, 2 tòa nhà triển lãm
- 7 bảo tàng
- 10 trường đại học và cao đẳng
- 1.615 căn hộ
- 10.000 khu đỗ xe bên trong nhà
- 190 điểm tiếp cận đi vào RESO từ các đường phố
-  300 kết cấu định hướng nằm bên trong mạng lưới ngầm
Một số con số về RESO (nguồn: website của Thành phố Montreal)
Năm 2012, Thành phố Ngầm Montreal kỷ niệm 50 năm thành lập, và nó vẫn giữ ngôi vị hình mẫu về loại công trình này. Làm sao nó có thể tồn tại trong thời gian lâu như vậy? Từ quan điểm vận hành, đó là do mạng lưới ngầm này luôn mở cửa cùng thời gian với hệ thống Metro. Đó cũng là do tính an toàn và tính đa dạng kiến trúc của nó, do có các khoang không gian với các địa điểm công cộng bên trong nhà được tràn ngập ánh sáng tự nhiên, do có các video hoạt hình kéo dài, và do có sự liên tục nâng cấp cải thiện bên trong mạng lưới thực hiện bởi chủ sở hữu. Nguyên nhân là, trong nền kinh tế thị trường tự do của chúng ta, các nhà đầu tư của một trung tâm mua sắm chẳng hạn không bán các cửa hàng của họ cho các chủ sở hữu cá nhân như ở các nước khác thường làm. Họ giữ quyền quản lý tòa nhà của họ và cho người khác thuê các khu không gian, để giữ được quyền kiểm soát đối với tính đa dạng của các cửa hàng, chất lượng của không gian bên trong, sự quảng cáo, và để đảm bảo có sự nâng cấp liên tục cần thiết cho việc tồn tại trong một thị trường đầy cạnh tranh. Có một sự khác nhau rất lớn giữa tính có thể sống tốt và tính cạnh tranh của một dự án thương mại, và đối với thành phố ngầm nói chung.
3.1. Những công trình đầu tiên nằm dưới ngầm
Thành phố ngầm đã bắt đầu thành hình vào đầu những năm 1960, với việc xây dựng công trình Place Ville-Marie, một tổ hợp bất động sản lớn của kiến trúc sư nổi tiếng Ieoh Ming Pei. Tòa tháp có dạng chữ thập cao 47 tầng này tọa lạc trong một khu mua sắm lớn, hai tầng đỗ xe và trên sân đỗ tàu Ga Trung tâm. Đây là một dự án khổng lồ vào thời đó, với 300.000 m2  không gian sàn, mà một nửa trong số đó là nằm bên dưới mặt đất. Được mở cửa vào năm 1962 và được gọi ngay là “Thành phố Ngầm”, sau đó trở thành một quan niệm độc nhất, với các liên kết
ngầm đi bộ nối với Ga Trung tâm. Với tính chất đa chức năng và sống động với các hành lang thương mại của mình, sự thành công của nó đã trở thành một hiện tượng. So với các cửa hàng bách hóa truyền thống thời ấy, khu mua sắm ngầm là một sự đổi mới, với các cửa hàng lớn và nhỏ được sở hữu độc lập dọc theo phố buôn bán lớn, được chiếu tràn ngập ánh sáng mặt trời từ bốn sân trong/sân nhỏ ngoài trời (Sau đó bốn sân trong/sân nhỏ ngoài trời sẽ được che lại bằng một mái kính và tích hợp với phố buôn bán lớn, làm mở rộng không gian công cộng ngầm). Ngay cả sau khi kết thúc giờ làm việc/kinh doanh, các hành lang vẫn được để mở cho công chúng, có thể đi đến hay đi ra từ các đường phố tới nhà ga đường sắt. Ngày nay, nó vẫn là như thế, nhưng ở mức độ và quy mô lớn hơn nhiều.
Hệ thống Metro Montreal bắt đầu hoạt động năm 1966. Được tích hợp tốt với các hoạt động của khu trung tâm ngay từ khi đi vào vận hành, các nhà ga của nó có các gian sảnh đợi lớn ở phía trên ke ga, được bố trí tốt ở mức tầng hầm thứ nhất hoặc thứ hai của các tòa nhà xung quanh. Chúng cho phép người bộ hành có thể tiếp cận vào các tòa nhà này một cách trực tiếp, từ một phía này của đường phố sang phía bên kia, mà không phải đi ra bên ngoài hay phải đi qua các cửa quay của ga Metro. Ở cao độ đường phố, các nhà ga có thể tiếp cận được chủ yếu từ các hành lang của các tòa nhà tư nhân xung quanh, Thành phố đã đạt được một thỏa thuận về lối đi (hay ranh giới sở hữu) bắt buộc các chủ sở hữu phải giữ cho các lối vào đường phố và các hành lang luôn luôn mở cửa trùng giờ với giờ hoạt động của tàu điện ngầm.
Một trong những thành công của hệ thống Metro là tính đa dạng kiến trúc của các nhà ga, hiện nay trở thành một trong những triển lãm nghệ thuật dưới ngầm lớn nhất thế giới. Các hợp đồng xây dựng nhà ga đã được trao cho các hãng kiến trúc khác nhau, đảm bảo sự phong phú đáng kể về phong cách và môi trường/không khí của địa điểm. Thay vì phải đi vào trong một hệ thống trong đó mọi nhà ga đều giống nhau, như với  hầu hết các  hệ thống metro  trên thế giới, những người dân Montreal có thể đi lại trong một hệ thống mà mỗi nhà ga đều là độc nhất và được trang hoàng bằng các tác phẩm nghệ thuật.
Ở thời kỳ đầu, việc tích hợp nghệ thuật vào hệ thống metro thể hiện sự ưu tiên rõ rệt cho các tác phẩm mang tính đại diện, gợi nhớ về lịch sử của Montreal. Kể từ khi đó về sau, dân cư thành Montreal bắt đầu tiếp xúc với một khía cạnh của nền văn hóa mà khi đó chỉ được nhìn thấy trong các viện bảo tàng. Lúc đó, các công trình nghệ thuật chưa được tìm thấy trong tất cả 26 nhà ga của hệ thống ban đầu xây xong năm1966, bởi vì việc tài trợ cho nghệ thuật luôn phải dựa vào lòng hảo tâm của các công ty hay các tổ chức. Do đó, chúng đã không được tự động đưa vào các bản thiết kế của nhà ga, mà được tích hợp sau đó. Vào năm 1967, sau khi mở cửa hệ thống tàu điện ngầm, công trình nghệ thuật đầu tiên của hệ thống Metro được khánh thành. Đó là một bức tranh tường bằng kính được sơn tại ga Place-des-Arts, được tài trợ bởi chuỗi cửa hàng thực phẩm lớn nhất thời bấy giờ.
3.2. Việc tích hợp các tác phầm nghệ thuật tại các nhà ga: Sự thay đổi/cách mạng văn hóa lần thứ nhất
Ý tưởng tích hợp nghệ thuật vào các nhà ga đã được đưa ra vào những năm 1960 bởi giám đốc Sở Quy hoạch Đô thị của thành phố Montreal. Không may là, trong thời kỳ ban đầu, các tác phẩm để ngắm nhìn hầu như chỉ được giới hạn tới các công trình nghệ thuật được tài trợ được lắp đặt nhiều năm sau khi bắt đầu vận hành metro, do sự chậm trễ trong việc nhận được thanh toán tiền. Những đợt mở rộng dự án metro đầu tiên vào năm 1976, đã có một sự khởi đầu mới. Từ thời điểm đó trở đi, các tác phẩm nghệ thuật được đưa vào ngân sách xây dựng và được tích hợp trực tiếp vào thiết kế kiến trúc các nhà ga. Chính sách phân bổ 1% ngân quỹ xây dựng nhà ga cho các tác phẩm nghệ thuật đã cho phép các kiến trúc sư và kỹ sư làm việc với các nghệ sỹ trong một đội ngũ quy hoạch thiết kế đa ngành nghề.
Nghệ thuật không bóng bảy/biểu trưng đã hiện diện trong hệ thống metro. Theo năm tháng, hàng chục nhà ga được xây dựng mới bổ sung vào mạng lưới ngầm, theo đó các tác phẩm nghệ thuật mới hoành tráng đã được khánh thành. Một số kiến trúc sư lựa chọn cách thực hiện các tác phẩm nghệ thuật bởi chính họ, nhưng hầu hết các kiến trúc sư khác đã yêu cầu các nghệ nhân cùng hợp tác trong quá trình thiết kế và thi công. Bằng cách giao trách nhiệm này cho các kiến trúc sư, mục tiêu nhằm tích hợp nghệ thuật vào kiến trúc, và do đó, cho phép các nghệ sỹ có một chỗ đứng hoàn toàn xứng đáng với họ. Các nghĩa vụ phải tôn trọng một chủ đề hay phải tạo ra các công trình mang tính tượng trưng đã trở thành quá khứ. Ngày nay quy tắc mới là cho phép sự tự do biểu hiện. Đó là một cuộc cách mạng về văn hóa cho không gian ngầm. Trong một số trường hợp, các tác phẩm nghệ thuật đã trở thành có tính công năng, ví dụ như tại Metro LaSalle nơi mà toàn bộ nhà ga được xem như là một công trình nghệ thuật với các hình thể hình học khác thường, hay tại nhà ga Fabre nơi mà các cấu kiện ống thép không gỉ đóng vai trò như là lan can tay vịn và chống đỡ cho các ghế băng dài của nhà ga.
Với 1.100.000 hành khách đi tàu mỗi ngày, đã biến Metro Montreal thành một trong những triển lãm nghệ thuật phổ biến nhất trên thế giới. Ngoài ra, nó tạo cho các nhà đầu tư phát triển một ví dụ mẫu để thực hiện những điều tương tự bên trong chính các ngôi nhà của họ, chẳng hạn như phố buôn bán lớn của Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center).

3.3. Ví dụ đầu tiên được các nhà đầu tư kế thừa: Sự thay đổi văn hóa lần thứ hai
Năm mươi năm sau, công trình Place Ville-Marie vẫn sống động như buổi ban đầu, thể hiện là một trong những mô hình tốt nhất của phát triển bền vững với tiêu chí bền lâu và tính có thể sinh sống được. Điều đó tương tự đối với phần lớn các tòa nhà nối kết với mạng lưới ngầm, và hầu hết có các khoang không gian lớn, trang thiết bị trên phố, các tác phẩm điêu khắc,  đài  phun  nước  và  cây  xanh. Năm  2004,  Khu  Quốc  tế  của  Montreal  (Quartier international de Montréal – QIM) đã có thêm một số ki-lô-mét mới bổ sung vào thành phố Ngầm và đã khởi động một cuộc cách mạng văn hóa thứ hai cho mạng lưới đi bộ ngầm. Nằm giữa quận thương mại trung tâm (CBD – Center Business District) và khu lịch sử, vùng lân cận này được quy hoạch để làm nổi bật và phát huy sự phát triển thiên hướng quốc tế của Montreal. Khu Quốc tế của Montreal QIM đã thiết lập một môi trường sống có chất lượng cao đặc biệt tại tâm điểm của trung tâm thành phố, với sự bố trí các trang thiết bị đô thị được thiết kế dành riêng, nghệ thuật công cộng và chiếu sáng phối cảnh. Ngoài các chức năng rất thiết thực của chúng, các nối kết đi bộ dưới ngầm mới còn được gắn liền với một số bảo tàng của Montreal, làm sống động “các cửa sổ” của chúng với bốn chủ đề chính: nghệ thuật đương đại, thương mại quốc tế, giá trị lịch sử và kiến trúc, và cuối cùng là công nghệ. Các hành lang bên trong khu QIM là có tính chất trực tiếp tới mức độ tối đa, không có chức năng thương mại nào, về mặt nội dung của các cửa sổ văn hóa đem đến cho người dân.
Người ta đã chú ý đặc biệt đến một hệ thống tín hiệu mới, thông dụng đối với mọi bộ phận của Khu QIM. Bằng việc thống nhất của các bên liên quan, một bản đồ được gọi là RESO (RESO là một thương hiệu đi liền với thuật ngữ réseau trong tiếng Pháp, mà nó có thể dịch ra tiếng Anh là mạng lưới) đã được thiết kế để chỉ dẫn cho du khách trong khắp mạng lưới.  bản đồ này và các tấm bảng chỉ dẫn của Khu QIM đã được mở rộng dần dần đến hầu hết các tòa nhà của Thành phố Ngầm, giúp giải quyết một trong những yếu điểm của nó, là sự định hướng cho người sử dụng.
4. Đặc trưng Văn hóa của Thành phố Ngầm Montreal
Các nỗ lực nhân tính hóa không chỉ giới hạn ở các kinh nghiệm “tĩnh” trong việc tích hợp các công trình nghệ thuật vào bên trong mạng lưới ngầm, mà còn bao trùm cả một phổ rộng các hoạt động văn hóa, từ các nhạc công của tàu điện ngầm đến các sự kiện và dịch vụ văn hóa, ví dụ như một thư viện công cộng tại tầng lửng của nhà ga tàu điện ngầm ở khu trung tâm đông đúc nhất. Các kinh nghiệm đáng kể nhất là tại Tổ hợp Complex Desjardins, trong nhiều năm ở đó đã diễn ra nhiều buổi công diễn TV hàng ngày tại vị trí công cộng, cuộc đua bên trong mạng lưới ngầm, vào năm 2009 được thay thế bằng một vòng đua văn hóa nghệ thuật đương đại vào thời gian mùa đông mà được gọi là “Nghệ thuật dưới ngầm” (Art souterrain). Ngoại trừ sự kiến cuối cùng được nói tới trong một bài báo khác, sau đây là một tổng quan về những sự kiện văn hóa mà chúng tôi đã chứng kiến trong Thành phố Ngầm.
4.1. Những nhạc sĩ của hệ thống tàu điện ngầm
Một trong những điểm đặc biệt của hệ thống Metro Montreal là các nghệ sỹ có thể biểu diễn tại 65 vị trí xuyên qua 44 nhà ga. Một tấm bảng xanh dương biểu thị một cây đàn lia trắng tạo nên lối vào cho các nghệ sỹ muốn biểu diễn, và đôi khi kiếm một chút tiền. Có một sự thỏa thuận ngầm tồn tại giữa các nhạc công phục vụ cho việc quản lý các chương trình: phía sau tấm bảng là một mẩu giấy trong đó họ viết tên mình, ngày tháng, tên nhà ga, số hiệu trên tấm bảng, và các khe rãnh hai tiếng đồng hồ mà họ đã chọn từ 7h30 sáng đến 9h30 tối. Sau đó, họ trở lại vào thời gian đã chỉ ra cho cuộc biểu diễn của mình. Họ có thể là các nhạc công ghi-ta, sắc-xô-phôn, ca sĩ, và phần lớn số họ là người tài năng. Các nhạc công không được làm ồn quá 80 dB.
Vào giữa những năm 1980, các nghệ sỹ đã thành lập một hội, gọi là Hiệp hội các Nhạc công Độc lập của Hệ thống Metro (MIM). Họ đưa ra một quy tắc hành nghề, là kết quả của sự đồng thuận giữa các nhạc công. Mục đích để tạo cơ hội bình đẳng cho mỗi nhạc công, để chia sẻ các khu vực đã định. Các tiêu chuẩn này đã trở thành truyền thống được tôn trọng. Từ năm 2009, một hiệp hội mới tái nhóm lại các nhạc công của hệ thống tàu điện ngầm (được biết đến với cái tên “MusiMétroMontréal – RMMM”) thay cho AMIM, nhưng không được tích cực lắm trong mấy năm. Với sự yêu cầu và hỗ trợ tích cực của cơ quan vận hành Metro (STM), tổ chức phi lợi nhuận này giám thị các hoạt động và kỹ năng của các nhạc công thành phố ngầm, là người đối thoại có uy tín giữa STM và các nhạc công, tổ chức đa dạng các hoạt động để khuyếch trương hình ảnh của họ với hành khách đi tàu điện ngầm. Quy tắc hành nghề trước đây đã được áp dụng lại để đảm bảo đáp ứng được một số tiêu chuẩn trình diễn nhất định, như đảm bảo một nhạc công phải có một vốn tiết mục trong ít nhất 30 phút.
Tháng Ba năm 2010, RMMM đã tổ chức những buổi trình diễn đầu tiên với khoảng hơn 300 nhạc công chơi trong hệ thống metro mỗi năm, đã có 165 người biểu diễn và trở thành thành viên hiệp hội sau khi trả niên hội phí. Từ đó trở đi họ có một tấm ảnh chân dung cho mình, nhưng ngược lại với ấn tượng phổ biến, bất cứ ai cũng vẫn có thể tự do biểu diễn âm nhạc trong hệ thống Metro bởi vì về mặt pháp lý, RMMM không có quyền hạn để áp đặt ưu tiên này. Ngay cả các thanh tra viên của STM cũng không được đồng thời kiểm tra giấy phép của RMMM và chỉ được quyền đảm bảo rằng các nhạc công chơi ở các địa điểm được định trước bởi các tấm bảng xanh dương. Tính thuyết phục và thời gian sẽ được RMMM sử dụng để lôi kéo các nhạc công chưa phải là thành viên tham gia vào hiệp hội. Năm 2012, một chương trình “các ngôi sao Metro” mới được tạo ra bởi RMMM để nâng cao kinh nghiệm của hành khách sử dụng Metro và các kỹ năng của nhạc công, mà họ – nếu được chọn lựa – sẽ phải biểu diễn một loạt các phiên khác nhau. Các tấm bảng đặt tại năm nhà ga đông đúc nhất sẽ dần dần được phân cho các thành viên và sự ưu tiên sẽ được trao cho nhạc công được chọn lựa vào những khoảng thời gian dành trước. Đối với những người chiến thắng, cuộc sống của họ sẽ dẽ dàng hơn giống như ở New York và Toronto, ở đó họ cũng có các chương trình tương tự, nhưng ở đó chỉ các nhạc cộng được lựa chọn mới có thể chơi trong các nhà ga tàu điện ngầm.
4.2 Thư viện của nhà ga McGill
Là độc nhất trong thể loại của nó vào những năm 1980, thư viện của nhà ga McGill được khánh thành ngày 14 tháng 12 năm 1981 như là một chi nhánh của thư viện thành phố. Được thiết kế dành riêng cho các giao dịch mượn, nó cho phép các hành khách Metro có thể mượn và đem trả lại vào thời gian đăng ký các cuốn sách, ấn phẩm bán chạy nhất bestseller và các xuất bản phẩm mới thông qua một dịch vụ hoàn toàn tự động. Tuy nhiên, ngay cả khi nó là một trong những chi nhánh phổ thông nhất của thư viện thành phố, thì những bó buộc về ngân sách và những sự phàn nàn của hiệp hội công nhân viên Thành phố, liên quan đến tiếng ồn bên trong nhà ga, cũng đã dẫn đến việc đóng cửa thư viện tiên tiến này vào giữa những năm 1990.
4.3. Các sự kiện tại các địa điểm công cộng mang tên Complexe Desjardins
Được khánh thành vào năm 1976, Complexe Desjardins là một tổ hợp tòa nhà đa chức năng gồm 390.000 m2 sàn với bốn tòa tháp, ba tháp là cho văn phòng còn một tháp là khách sạn, tất cả tọa lạc trên một kết cấu móng bao phủ một diện tích công cộng ngầm to lớn, được gọi là “Quảng trường Lớn – Grande Place”. Tòa nhà có bãi đỗ xe ngầm có sức chứa hơn 1000 ô-tô, một phố mua sắm lớn, các quán cà-phê và nhà hàng. Chủ sở hữu, một ngân hàng hợp tác xã, luôn tự hào là được ở gần với các công dân. Triết lý này được đưa vào việc xây dựng tổ hợp Complexe Desjardins, có một đặc trưng văn hóa và cộng đồng mạnh.
Một trong những mục tiêu của các kiến trúc sư là tạo ra một nơi chốn công cộng ngầm, được che chở khỏi mùa đông khắc nghiệt, được bao quanh bởi các tầng lửng chồng chất lên nhau và có thể dung chứa được các sự kiện văn hóa và triển lãm đa dạng trong suốt cả năm.
Quảng trường Lớn Grande Place, với diện tích 1.400 m2, được chiếu sáng bởi các đèn pha và các bức tường thủy tinh khổng lồ tại hai cổng phía Bắc và phía Nam. Ý tưởng thiết kế ban đầu của quảng trường là có một quảng trường lộ thiên (agora) dành riêng cho các buổi quay chiếu TV hàng ngày mà chúng diễn ra ở đó từ khi khánh thành cho đến năm 1985. Agora được dỡ bỏ năm 1998 khi quảng trường được tân trang lại. Hiện nay, tại địa điểm này đang tiến hành ít nhất 200 sự kiến văn hóa tự do/miễn phí mỗi năm, từ các cuộc trưng bày nghệ thuật, biểu diễn vi-ô- lông, thưởng thức thực phẩm, hay các buổi Festival hòa nhạc Jazz, tất cả đều miễn phí cho công chúng. Phổ biến nhất là một làng Ông già Nô-en Santa Claus rất lớn được lắp đặt trên quảng trường vào dịp Giáng sinh.
Tổ hợp Complexe Desjardins đang chứa khoảng 10.000 công nhân và là nơi giao điểm cho 40.000 khách đi bộ mỗi ngày đến từ các tòa nhà xung quanh và các ga metro. Với 110 cửa hàng nhỏ của mình, nó là một khu mua sắm lớn hiếm hoi trong lõi trung tâm của đô thị mà không có một người thuê bán lẻ đáng kể nào.
4.4. Cuộc chạy đua hàng năm tiến hành bên trong mạng lưới thành phố ngầm
Ban đầu, ý tưởng về việc tổ chức một cuộc chạy thi ma-ra-tông quốc tế bên trong Thành phố Ngầm xuất hiện năm 1997, vừa kịp thời gian cho Hội nghị của Các trung tâm Nghiên cứu Không gian Ngầm (ACUUS) lần thứ 7 tại Montreal. Đó là một sáng kiến của hiệp hội các giám đốc khách sạn đi liền với một dự án đầy tham vọng, duy nhất trên thế giới, bằng việc tổ chức cuộc đua dài 42km này. Không may là, vì vòng đua đã phải sử dụng các đường hầm tàu điện ngầm trước giai đoạn vận hành của nó, cho nên công ty vận hành Metro đã phản đối, lý luận rằng nó có thể tạo ra một tiền lệ xấu cho các thanh niên trẻ mà họ đã từng thử chạy thi bên trong các đường hầm từ nhà ga này đến ga khác. Dự án thất bại, nhưng gần 10 năm sau đã được tổ chức trở lại ở một quy mô nhỏ hơn.
Ý tưởng về một cuộc đua trong Thành phố Ngầm được đưa ra trở lại vào năm 2006, nằm trong các hoạt động phong phú của Festival mùa đông Ánh sáng Montreal, nhưng lần này là nằm ngoài các đường hầm metro. Cần phải lưu ý rằng Quảng trường Lớn Grande Place của Tổ hợp Complexe Desjardins là một tiêu điểm của Festival mùa đông ngoài trời và trong nhà ấy, với vô số các buổi trình diễn và hoạt động văn hóa.
Trong vòng năm đầu tiên của Lễ kỷ niệm Đi bộ Ngầm Montreal năm 2006, khoảng 3.000 người đã tham gia vào sự kiện sáng tạo này. Nhóm đầu tiên vào lúc 8h30, với 463 vận động viên điền kinh năm 2006, nỗ lực để hoàn thành chặng đua dài 5km dưới ngầm, đòi hỏi họ phải chạy
480 bậc đi lên và 569 bậc đi xuống. Khi cuộc thi kết thúc vào lúc 10h30, một nhóm thứ hai gồm
2.500 người ở mọi lứa tuổi đã có cơ hội để đi bộ và khám phá các lối đi và các phố mua sắm lớn dưới ngầm với các tác phẩm nghệ thuật của chúng, rồi kết thúc hành trình của họ vào buổi chiều tại Tổ hợp Complexe Desjardins là nơi sẽ diễn ra một lễ kỷ niệm chung.
Vào năm 2007, sự kiện dưới ngầm và bên trong nhà này đã có 750 vận động viên điền kinh và 4.000 người đi bộ tham gia, họ mất trung bình từ 1,5h đến 3 giờ để hoàn tất hành trình tại Tổ hợp Complexe Desjardins. Năm 2008, là năm cuối cùng cho các cuộc đua 5km như thế, đã ghi nhận có 1.000 người tham gia chạy đua.
Năm 2009, cuộc đua được thay thế bằng sự kiện Nghệ thuật dưới Ngầm Art Souterrain, là một tour đi bộ văn hóa lớn, trong đó có hơn 80 dự án từ 110 nghệ sỹ đương đại đến triển lãm tác phẩm của họ dọc theo chiều dài 2,8km các hành lang của Thành phố Ngầm. Các bức ảnh, những thước phim, các xếp đặt và các buổi biểu diễn nghệ thuật đã làm nổi bật không gian ngầm. Dự án này đã tái khám phá thành phố ngầm, và là nơi truyền bá văn hóa, thực sự đã là một hiện tượng và ngày càng lớn mạnh hàng năm. Mùa đông năm ngoái, sự kiện Nghệ thuật dưới Ngầm Art Souterrain trong hai tuần lễ đã trưng bày hơn 140 công trình dọc theo 7km hành lang của mạng lưới ngầm.
5. Kết luận
Một Thành phố Ngầm phục vụ Con người
Thành phố Ngầm Montreal thực sự là một thành phố có quy mô phục vụ con người, ở nơi giao nhau giữa cộng đồng dân cư khu trung tâm và cuộc sống văn hóa. Các lợi điểm là rất nhiều. Đầu tiên và quan trọng nhất, là có những cư dân khu trung tâm có thể đi bộ một cách an toàn và tự do bất cứ nơi đâu trong phạm vi mạng lưới ngầm trong giờ làm việc của hệ thống Metro, được bảo vệ khỏi thời tiết xấu và trong một môi trường văn hóa dễ chịu. Kết quả là, các cửa ngõ đi vào Thành phố Ngầm ngày càng thu hút nhiều người hơn sử dụng Metro, và đây có thể là lý do tại sao hơn hai phần ba mọi hành trình tới khu trung tâm là đi bằng phương tiện vận tải công cộng tốc độ nhanh, chủ yếu là bằng Metro. Đối với chính quyền thành phố, Thành phố Ngầm giúp giữ lại được cư dân trong khu trung tâm mà điều đó giúp cho có thể duy trì được sự sống động về kinh tế, ngay cả trong mùa đông và các cuộc khủng hoảng kinh tế hay lặp lại. Cuối cùng, trong nhiều năm qua, Thành phố Ngầm đã trở thành một nơi thu hút du lịch hàng đầu, bổ sung thêm vào danh sách của nhiều sự lựa chọn để làm và xem ở Montreal.
Tài liệu tham khảo
[1]. Belhouchet, A. (2012). Le métro de Montréal, une grande scène souterraine 1. Podcast Journal. Canada
Available at: http://www.podcastjournal.net/DOSSIER-Le-metro-de-Montreal-une-grande-scene-souterraine-1_a11438.html
[2]. Besner, J. (2000). La Ville souterraine de Montréal. Magazine URBANISME – Special issue Québec 2000. France
[3].   Besner, J. (2009). Using the Underground of Cities: for a Harmonious and Sustainable Urban Environment, 12th International Conference of ACUUS, Shenzhen. China
[4]. Besner, J., Demers, C. (2002). La face cachée de Montréal. Magazine Architecture d’aujourd’hui. no. 340. France
[5]. Canada.com. (2006). Complexe Desjardins turns 30. The Gazette (Montreal). Canada
Available at: http://www.canada.com/story_print.html?id=974cec06-e9e2-4555-8d28-0502c83ac613&sponsor=[2012-04-24 15:47:46]
[6]. Clairoux, B. . (….). Works of art in the Montreal Metro. Translated by Matthew McLauchlin. Canada
Available at: http://www.metrodemontreal.com/history/art/index.html
[7]. Gehl, J. (2010). Cities for people. Island Press. USA
[8]. Gehl, J., Gemzoe, L., Kirknaes, S., Sternhagen, B. (2004). New city life. The Danish Architectural Press. The Netherlands
[9]. Société de Transport de Montréal. (….). Art in the metro of Montréal. Canada
Available at: http://www.stm.info/English/metro/art/a-index.htm
[10]. Ville de Montréal. (2012) RÉSO en chiffres. Canada
Available at: http://ville.montreal.qc.ca/portal/page?_pageid=7317,79977650&_dad=portal&_schema= PORTAL

JACQUES BESNER(*)

Ý kiến của bạn

Bình luận