Dầu nhớt giống như máu của động cơ, đảm nhiệm việc bôi trơn, giảm ma sát, làm mát, chống gỉ và đảm bảo độ kín của pít-tông, xi-lanh, séc-măng. |
Dầu nhớt được coi là "máu" của động cơ, đảm nhiệm việc bôi trơn, giảm ma sát, làm mát, chống gỉ và đảm bảo độ kín của pít-tông, xi-lanh, séc-măng. Thậm chí, nhiều loại còn có công dụng phục hồi động cơ, do nhà sản xuất bổ sung thành phần kim loại vào để bù đắp vào những vết xước. Dầu nhớt sau một thời gian sử dụng sẽ bị hao hụt, bẩn, xuống cấp làm cho động cơ nhanh mòn và nóng.
Nhiều người sử dụng xe máy tại Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến dung dịch bôi trơn. Phổ biến nhất là trường hợp cứ mang xe đến nơi sửa chữa, bảo dưỡng và chọn loại dầu nhớt rẻ nhất, vì mang tâm lý "nhớt nào cũng là nhớt". Trường hợp thứ 2 thường gặp ở phụ nữ, xe chạy được cứ chạy, đến khi máy có hiện tượng như gào to, thậm chí thải khói đen mới mang đi sửa.
Có 3 loại dầu nhớt cơ bản trên thị trường hiện nay gồm dầu gốc khoáng, bán tổng hợp và tổng hợp hoàn toàn.
Dầu gốc khoáng rẻ nhất, dao động từ 80.000 - 100.000 đồng, thời gian thay trung bình 2.000 km. Dầu gốc khoáng là một hỗn hợp các phân tử hydro carbon có hình dạng, kích thước và tính chất lý hóa không đồng nhất nên tính năng bôi trơn không ổn định, và nhanh xuống cấp.
Dầu bán tổng hợp ở tầm giữa, dao động từ 100.000-180.000 đồng, thời gian thay trung bình 3.000 km. Dầu bán tổng hợp được làm từ hỗn hợp dầu gốc khoáng và dầu tổng hợp, mang lại những công năng của dầu tổng hợp đồng thời giúp giảm bớt chi phí cho người tiêu dùng.
Dầu tổng hợp hoàn toàn cao cấp nhất, dao động từ 180.000 đến hơn 400.000 đồng, thời gian thay có thể lên đến 5.000 km. Dầu tổng hợp sản xuất chuyên dụng với yêu cầu khắt khe, nên có tính bôi trơn cao, thời gian sử dụng dài và ít hao hụt.
Nhiều người nghĩ rằng, dầu nhớt cao cấp đồng nghĩa với việc phải mang xe đi thay dầu ít hơn so dầu nhớt thông thường. Tâm lý này sai hoàn toàn. Loại dầu nhớt cao cấp bảo vệ động cơ tốt hơn, và khi đủ số km phải thay, chất lượng dầu nhớt vẫn còn tốt, không bị mất đi chức năng.
Vẫn có nhiều người chưa quan tâm đúng mức tới dung dịch bôi trơn cho xe máy. |
Sau khi xác định được thành phần, điều cần quan tâm tiếp theo là 2 thông số cấp hiệu năng API (còn gọi là phẩm cấp hoặc cấp chất lượng) và cấp độ nhớt SAE.
Cấp hiệu năng API (Viện dầu mỏ Mỹ) dùng để phân loại chất lượng của nhớt. Tùy theo sự phát triển của động cơ mà cơ quan này đưa ra các cấp độ mới. Trên chai dầu nhớt thường ghi rõ cấp API, ví dụ như "API SN/CF". Ký hiệu "S" biểu trưng cho dòng dầu nhớt dành cho động cơ xăng và "C" đối với động cơ dầu. Xe máy dùng động cơ xăng nên chỉ cần quan tâm đến ký hiệu "S". Chữ cái đằng sau đó biểu trưng các cấp và được xếp theo bảng chữ cái, chữ càng gần về cuối thì biểu thị cho phẩm cấp càng cao. Hiện tại, phẩm cấp SN là cao nhất, có nghĩa là trên SM, SL, SJ,...
Cấp độ nhớt SAE (Hiệp hội kỹ sư ôtô Mỹ) cho biết độ đặc loãng. Thời nay, nhớt đa cấp được sử dụng rất rộng rãi, ít thấy sự xuất hiện của loại dầu nhớt đơn cấp vì nhược điểm chỉ bảo đảm đạt độ nhớt ở nhiệt độ cao như yêu cầu để bôi trơn động cơ, khi nhiệt độ xuống thấp thì dầu đơn cấp có thể quá đặc gây khó khăn cho việc khởi động xe.
Dầu đa cấp khắc phục được nhược điểm trên, ký hiệu là SAE 10W-30, 15W-40,... Chữ số đầu tiên cho biết nhiệt độ thấp nhất mà động cơ vẫn có thể khởi động bình thường, xác định bằng cách trừ đi 30. Ví dụ như loại 5W khởi động tốt ở -25 độ C (lấy 5 trừ đi 30), 10W khởi động tốt ở -20 độ C (lấy 10 trừ đi 30),... Ký hiệu "W" đứng liền sau viết tắt của chữ Winter (mùa đông). Tuy nhiên, chỉ số này ở Việt Nam không quan trọng, bởi mùa đông không lạnh như ở Mỹ, Canada hay châu Âu.
Phía sau chữ W là phần chính, bởi chúng biểu thị cho độ đặc loãng của dầu nhớt. Số càng cao có nghĩa càng đặc, nhưng lại không phản ánh là cái nào bôi trơn tốt hơn, mỗi mức số lại dùng cho những nhu cầu khác nhau. Trên thị trường thường gặp nhất 3 loại 30, 40 và 50.
Dầu nhớt có đặc tính thay đổi theo nhiệt độ, loãng ra ở nhiệt độ cao và đặc lại ở nhiệt độ thấp. Bởi thế, chỉ số đặc loãng thấp sẽ hiệu quả ở vòng tua thấp, cảm giác lái bốc hơn nhưng vòng tua cao sẽ sinh ra hiện tượng gào máy do nhớt quá lỏng. Loại dầu nhớt này phù hợp với những ai thường xuyên đi đường xa với tốc độ cao (máy được làm mát liên tục) hoặc sống ở nơi có nhiệt độ lạnh.
Đối với loại dầu nhớt có chỉ số đặc loãng cao thì ngược lại. Ở ga đầu sẽ không bốc như loại dầu loãng, nhưng lại giúp xe êm hơn ở vòng tua cao. Loại dầu nhớt 40 hoặc 50 rất phổ biến do nhiệt độ thường xuyên nắng nóng và tắc đường (động cơ không lấy đủ gió để làm mát) ở các thành phố lớn như Việt Nam. Các dòng xe cũ, đã đi nhiều năm cũng nên chọn loại dầu nhớt này.
Ký hiệu cuối cùng là JASO (Cơ quan tiêu chuẩn phương tiện cơ giới Nhật Bản). Tiêu chuẩn JASO được chia làm 4 cấp: JASO MA, JASO MA1, JASO MA2 và JASO MB. Từng cấp sẽ nói lên mức độ ma sát thế nào phù hợp với bộ ly hợp trên chiếc xe của bạn. Thông thường, cả 3 cấp MA, MA1 và MA2 đều dùng được cho xe số, và MB dùng cho xe tay ga. Tuy nhiên nên lưu ý, dầu nhớt dùng cho xe số có thể dùng cho xe tay ga, nhưng ngược lại thì không vì dầu nhớt JASO MB kém ma sát, gây ra hiện tượng trượt ly hợp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.