Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu cho biết, đến nay, nhà thầu đã tập trung nguồn lực, triển khai 39 mũi thi công với hơn 1.000 nhân sự, 440 máy móc, thiết bị. 3 hạng mục hầm hiện đang đồng thời tiến hành các công đoạn đào mái cơ, dọn dẹp phát quang mặt bằng, làm đường lên rãnh đỉnh cửa hầm, làm trạm trộn bê tông, trạm nghiền,…
Trên tuyến có 3 hầm xuyên núi gồm: Hầm 1, hầm 2 thuộc gói XL2 và hầm 3 thuộc gói XL3. Trong đó, hầm 1 có chiều dài 610m, hầm 2 dài 700m và hầm 3 là hầm cấp đặc biệt với chiều dài 3.200m. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hầm 3 sẽ trở thành hầm có chiều dài lớn thứ 3 cả nước, sau các hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả.
Với đặc thù thời tiết tại miền Trung, nhà thầu đã chủ động có kế hoạch thi công, tranh thủ từng ngày, từng giờ, kể cả làm việc xuyên lễ khi thời tiết thuận lợi để đảm bảo tiến độ, đề phòng mùa mưa bão đang tới gần. Nhà thầu cũng đang tập trung nguồn lực để mở cửa hầm vào thi công bên trong hầm trước khi mùa mưa tới.
Anh Nguyễn Duy Sông, một trong các chỉ huy hầm trên tuyến cho biết, địa chất hầm số 3 rất phức tạp. Theo kế hoạch, khi vào thi công bên trong hầm vẫn phải sử dụng phương pháp neo tạo ô, vốn chỉ để thi công mở cửa hầm. Bên cạnh đó, khu vực cửa hầm số 3 nằm giữa thung lũng nên đường tiếp cận vô cùng khó khăn, khi đi khảo sát, đội kỹ sư phải băng rừng gần 8km mới có thể tiếp cận công địa.
Theo phương án thiết kế, để tiếp cận thi công, đưa máy móc vào phía Nam hầm 2 và phía Bắc hầm 3 buộc phải mở tuyến đường công vụ dài 4,5km từ hồ Huân Phong đi qua diện tích rừng phải giải phóng mặt bằng khoảng 40.000m2. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực địa, nhà thầu nhận thấy có thể mở rộng tuyến đường dân sinh hiện hữu (rộng khoảng 4 - 6m, đang dùng vận chuyển lâm sản) để làm đường công vụ, phương án này giảm tối đa diện tích rừng phải giải phóng mặt bằng và rút ngắn tuyến đường công vụ còn 3,6km.
Ban điều hành dự án đã có chủ trương tập trung sớm thông hầm số 1 và số 2 để tận dụng đường hầm điều chuyển nguyên, vật liệu điều phối dọc tuyến được dễ dàng hơn, đặc biệt là rút ngắn đường tiếp cận hầm số 3, sớm trả lại đường công vụ ngoại tuyến. Đồng thời, việc sớm mở cửa hầm 1 và hầm 2 cũng đáp ứng sớm nguồn đá tận dụng từ đào hầm, hạn chế tối đa mua đá thương mại, tiết giảm chi phí. Riêng gói XL2, nguồn đá tận dụng từ đào hầm gần như tuyệt đối để triển khai các hạng mục khác trên tuyến như: Cầu cống, bê tông hầm,…
Với kinh nghiệm được đúc rút từ rất nhiều công trình hầm đã thực hiện như: Hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Thung Thi,… đội ngũ cán bộ, kỹ sư Đèo Cả đã đưa ra các giải pháp thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ các hạng mục hầm trên tuyến.
Theo đó, nhà thầu tăng số mũi thi công để mở thêm không gian trong 1 ống hầm có thể giúp đẩy nhanh tiến độ đào hầm. Giải pháp này phần lớn phụ thuộc vào năng lực điều phối máy móc, thiết bị của các trưởng ban chỉ huy hầm và điều kiện địa chất thực tế.
Ông Bùi Hồng Đăng - Chỉ huy trưởng gói thầu XL2 cho biết, theo tính toán sơ bộ, với điều kiện địa chất giai đoạn thiết kế của hầm 2 nếu làm theo phương án thi công mới sẽ đẩy nhanh tiến độ được 2 tháng so với phương án cũ. Bên cạnh đó, phương pháp triển khai nhiều mũi thi công đồng thời trên mái cơ thay vì làm tuần tự từ trên xuống cũng giúp thời gian vào hầm được đẩy sớm hơn.
Ngoài các giải pháp thi công đã và đang áp dụng, Ban điều hành Tập đoàn Đèo Cả luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ kỹ sư, thợ máy, người lao động có các giải pháp sáng tạo trong thi công. Tập đoàn Đèo Cả cũng tổ chức các cuộc thi sáng kiến, sáng tạo nhằm khích lệ người lao động nêu lên các ý tưởng, giải pháp, kinh nghiệm hữu ích để áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả công việc.
Thời gian vừa qua, Tập đoàn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị để bổ sung về dự án. Ban điều hành Tập đoàn yêu cầu ban chỉ huy các mũi thi công phải bố trí máy móc thi công 3 ca, tăng cường kiểm tra, giám sát các vấn đề về định mức tiêu hao nhiên liệu, nâng cao ý thức của các lái xe trong việc giữ gìn bảo trì, bảo dưỡng máy tuân thủ theo quy trình.
Tại dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, liên danh nhà thầu đã tiên phong ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nâng cao quản lý dự án thông qua việc sử dụng các thiết bị LiDAR hoặc 3D-Laser Scanning, kết hợp mô hình BIM trên điện toán đám mây.
Các công nghệ này sẽ số hóa hiện trạng dự án, lập mô hình 3D, hỗ trợ đơn vị thi công kiểm tra tính đúng đắn bản vẽ đã thiết kế, tính khối lượng đào đắp, giám sát khối lượng thực tế thuê bên nhà thầu, xem trực quan công tác giải phóng mặt bằng, đánh giá trực quan toàn cảnh dự án sau từng giai đoạn thi công, kiểm soát chuyển vị của công trình,...
Bên cạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, để minh bạch thông tin, Tập đoàn Đèo Cả sẽ định kỳ công bố thông tin với các cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình triển khai dự án, các vướng mắc và trách nhiệm của các bên liên quan để người dân và cơ quan có thẩm quyền kịp thời nắm bắt và đánh giá việc thực hiện và trách nhiệm của các bên thông qua kênh giám sát cộng đồng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.