Nghiên cứu chọn đơn vị đủ năng lực quản lý, vận hành cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Đường bộ 06/06/2023 13:57

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh rà soát quy định liên quan để nghiên cứu lựa chọn đơn vị có đủ năng lực quản lý, vận hành, khai thác tuyến Cam Lộ - La Sơn trong giai đoạn chờ bàn giao chính thức cho các cơ quan có thẩm quyền,...

Khẩn trương phân tích ưu, nhược điểm trong quá trình khai thác cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Ảnh 1.

Một ô tô vượt xe tải, chạy qua làn đường của xe ngược chiều trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Hưng Thơ

Nghiên cứu phương án tổ chức giao thông phù hợp với thực tế đầu tư

Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Đình Thọ tại cuộc họp về công tác quản lý, khai thác tuyến Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Thông báo cho biết, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được đưa vào khai thác từ ngày 31/12/2022. Để quá trình khai thác tuyến Cam Lộ - La Sơn giai đoạn phân kỳ và các dự án khác có quy mô mặt cắt ngang tương tự được đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu thiết kế, nâng cao năng lực vận tải, tăng cường bảo vệ kết cấu hạ tầng và phát huy hiệu quả đầu tư,… nên nghiên cứu phương án tổ chức giao thông của các dự án với quy mô nêu trên theo hướng phù hợp với thực tế đầu tư.

Từ khi đưa đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn vào khai thác theo phương án tổ chức giao thông tạm thời, theo báo cáo của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, hiện đã bộc lộ một số bất cấp. Điển hình như: Các vị trí bố trí vạch sơn tim nét liền cấm vượt xe (đặc biệt là các đoạn lên dốc), tốc độ xe tải thường rất chậm (khoảng 20 - 30km/h) dẫn tới xe xếp hàng lên dốc, giảm năng lực thông hành của tuyến có thể là nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe đặc biệt là trong môi trường khí hậu nắng, nóng.

Theo Bộ GTVT, để hạn chế tình trạng nêu trên, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đơn vị dự họp, đối với đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn nghiên cứu phương án tổ chức giao thông theo hướng sử dụng vạch sơn tim đường là vạch 1.2 (nét liền, xe không được phép vượt) đối với đoạn tuyến có tầm nhìn không đảm bảo an toàn vượt xe (đường cong nằm, đường cong đứng có bán kính tối thiểu, trên cầu,…) và vạch 1.1 (nét đứt, xe được phép vượt) đối với đoạn tuyến đảm bảo tầm nhìn.

Cùng với đó, điều chỉnh vị trí vạch sơn phân chia giữa làn xe chạy và làn dừng khẩn cấp (vạch sơn 3.1) thành vạch xác định mép ngoài phần xe chạy (cách mép ngoài cùng phần xe chạy từ 15 - 30cm).

Hiện nay, trên tuyến chưa đầu tư trạm dừng nghỉ, do vậy cần nghiên cứu bố trí một số vị trí dừng nghỉ dọc tuyến (nên tận dụng tại các vị trí nền hoàn chỉnh) tại khoảng giữa các nút giao để các phương tiện có thể dừng đỗ. Đồng thời bổ sung một số biển báo chỉ dẫn về vị trí, số lượng nút giao, vị trí dừng nghỉ,… theo đề nghị của Cục Đường bộ Việt Nam; đồng bộ phương án tổ chức giao thông giữa đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Hòa Liên.

Khẩn trương phân tích ưu, nhược điểm trong quá trình khai thác cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Ảnh 2.

Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn nhìn tử trên cao

Nghiên cứu lựa chọn đơn vị có đủ năng lực quản lý, vận hành

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ GTVT về chất lượng các công trình đã thi công và công tác hoàn thiện hiện trường, hồ sơ liên quan để bàn giao cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, vận hành, khai thác (Cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh rà soát quy định liên quan để nghiên cứu lựa chọn đơn vị có đủ năng lực quản lý, vận hành, khai thác tuyến Cam Lộ - La Sơn trong giai đoạn chờ bàn giao chính thức cho các cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn cho các phương tiện giao thông và lưu thông thông suốt theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Cùng với đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá phương án tổ chức giao thông tạm thời của tuyến Cam Lộ - La Sơn và phương án tổ chức giao thông chính thức của tuyến La Sơn - Hòa Liên từ khi đưa vào khai thác đến nay; phân tích ưu, nhược điểm về phương án tổ chức giao thông của 2 đoạn tuyến;…

"Ban QLDA đường Hồ Chí Minh báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/6/2023 và mời các cơ quan liên quan để đánh giá thực tế làm cơ sở tham mưu Bộ GTVT về phương án tổ chức giao thông đảm bảo tính đồng bộ giữa 2 đoạn tuyến, phù hợp với thực tế lưu thông của các phương tiện và nâng cao năng lực khai thác trên tuyến", Bộ GTVT yêu cầu.

Ngoài ra, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Quảng Trị, Cục CSGT để triển khai sớm công tác kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện tham gia lưu thông trên đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn.

Bộ GTVT
Trong thời gian bảo hành công trình và chờ bàn giao cho các cơ quan có thẩm quyền, ban QLDA cần nâng cao trách nhiệm, kiểm tra, kiểm soát để phản ứng nhanh, có trách nhiệm, kịp thời xử lý những vấn đề sự cố trong quản lý, khai thác, vận hành và khắc phục khiếm khuyết, tồn tại về chất lượng (nếu có) phù hợp với thực tế và tuân thủ quy định.

Đối với Cục Đường cao tốc Việt Nam, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường để sớm ban hành tiêu chuẩn sửa đổi, bổ sung TCCS 42:2022/TCĐBVN phù hợp với thực tế đầu tư (như trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn có thể thay thế dải phân cách bằng vạch sơn; tổ chức giao thông phù hợp với quy mô chiều rộng mặt đường;…) hoặc có văn bản hướng dẫn về các nội dung điều chỉnh trong tháng 6/2023 để các địa phương, chủ đầu tư thực hiện.