Cách nào giúp Hàn Quốc đột phá làm đường cao tốc?

Giao thông toàn cầu 23/09/2022 14:37

Tại Hàn Quốc, năm 1994, Quỹ Vận tải được thành lập dựa trên sự ra đời của thuế GTVT, khoản tiền thu được dùng để phát triển đường bộ, đường sắt, sân bay và cảng. Hệ thống quỹ đã góp phần lớn vào sự phát triển của đường bộ trên thế giới.


Các quốc gia đầu tư đường cao tốc  như thế nào? - Ảnh 1.

Cao tốc Seoul-Chuncheon

Hàn Quốc ưu đãi doanh nghiệp tư nhân làm đường cao tốc

Hàn Quốc là tấm gương tiêu biểu trong việc thu hút kinh tế tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu tập trung đầu tư vào giao thông đường bộ, đặc biệt là cao tốc từ cuối những năm 1960, nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa. Đầu những năm 90, Chính phủ đã cho thấy những nỗ lực thu hút đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng giao thông với sự ra đời của Đạo luật PPP vào năm 1994 nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, giảm gánh nặng ngân sách. 

Tuy nhiên, đạo luật này lại không hiệu quả khi Chính phủ chỉ đạt mục tiêu phát triển 5/40 cơ sở hạ tầng. Sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khiến toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc thiệt hại nặng nề, Chính phủ đã đưa ra sáng kiến mới để thúc đẩy khu vực tư nhân, với đạo luật về sự tham gia của tư nhân vào cơ sở hạ tầng được thông qua vào tháng 12/1998 nhằm tháo gỡ rào cản đối với khu vực tư nhân. 

Đạo luật năm 1998 và bản sửa đổi năm 2005 đã cung cấp các ưu đãi chưa từng có cho các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các giải pháp hành chính và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro thương mại và các rủi ro khác.

Theo đó, miễn thuế giá trị gia tăng cho các dự án BTO (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BOT (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh) và BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Cho thuê). Ngoài ra, Chính phủ cam kết bảo lãnh lên đến 90% doanh thu hoạt động cho các nhà đầu tư. 

Đặc biệt, Chính phủ đảm bảo rủi ro ngoại hối để bù đắp tổn thất do biến động tỷ giá hối đoái - một vấn đề khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất lo ngại sau khủng hoảng kinh tế châu Á cuối những năm 90. Rủi ro này được chính phủ hạn chế với cơ chế: khi nhà đầu tư thua lỗ vượt quá 20%, đơn vị được nhượng quyền dự án có thể được hưởng nhiều quyền lợi như giảm thuế suất, trợ cấp của Chính phủ hoặc điều chỉnh thời hạn nhượng quyền.

Nhà đầu tư tư nhân được miễn thuế mua lại và thuế trước bạ đối với đất thu hồi thuộc dự án BTO, đồng thời được thưởng nếu hoàn thành sớm dự án hoặc chi phí xây dựng thực tế thấp hơn dự kiến.

Thành lập Quỹ Bảo lãnh cơ sở hạ tầng

Một tổ chức quan trọng là Quỹ Bảo lãnh Cơ sở hạ tầng Hàn Quốc (KICGF) được thành lập theo Đạo luật PPI năm 1994. Cơ quan này được tài trợ từ nhiều nguồn bao gồm trực tiếp bởi chính phủ, phí bảo lãnh và các khoản vay ngân hàng,... Quỹ này bảo đảm cho khoản nợ hoặc doanh thu trong các dự án PPP lên đến khoảng 200 triệu USD/dự án.

Trong vòng 10 năm từ 1995 đến 2005, KICGF đã bảo đảm cho 65 dự án với tổng số tiền lên tới 3 tỷ USD. Ví dụ, quỹ đảm bảo rằng nếu doanh thu không đủ, KICGF sẽ hỗ trợ tiền có sẵn kịp thời cho nhà tài trợ để thực hiện dự án. Quỹ này do đó mang lại sự an tâm cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Chính phủ còn cung cấp những hỗ trợ phi tài chính cho các nhà đầu tư, chẳng hạn như Hàn Quốc thông qua một luật toàn diện bãi bỏ các quy định hạn chế đối với quyền tài sản của các dự án PPI. Việc thu hồi đất được coi là rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án đường bộ. Mặc dù hệ thống luật pháp Hàn Quốc ban đầu không cho phép khu vực tư nhân được quyền sở hữu đối với tài sản công, một ưu đãi đặc biệt đã được triển khai khi cho phép nhà đầu tư tư nhân quyền sử dụng cơ sở hạ tầng như tài sản (được quyền sở hữu hoặc cho thuê) giúp các nhà đầu tư dễ dàng huy động vốn hơn. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ việc giải phóng mặt bằng, mua lại một số đất của dự án nếu cần thiết. Chính quyền địa phương thay mặt đơn vị đứng ra thu mua đất, góp phần giảm chi phí dự án và đẩy nhanh tiến độ dự án.

Nhờ những chính sách ưu đãi đặc biệt, lượng vốn tài trợ cho các dự án PPI từ ngân hàng tăng lên đến 20.000 tỷ won năm 2002 (26 tỷ USD) so với 2.500 tỷ won (2,06 tỷ USD) năm 1995, đồng thời giúp Hàn Quốc thực hiện được đột phá hạ tầng giao thông, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để tạo nên cái gọi là "kỳ tích sông Hàn".

Ý kiến của bạn

Bình luận