Cấm cảnh sát thu tiền của người nhà đến thăm phạm nhân

Đường dây nóng 23/10/2016 14:13

Cán bộ trại giam không được thu tiền theo lượt thân nhân đến thăm gặp phạm nhân hoặc thu tiền cho phạm nhân gặp thêm thời gian.

thamgapphamnhan_ISTN_thumb_1

Bộ Công an vừa công bố Dự thảo thông tư quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân.

Dự thảo thông tư này quy định chi tiết về việc thân nhân thăm gặp phạm nhân tại các cơ sở giam giữ, các hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ trại giam có thẩm quyền tổ chức thăm gặp...

Theo đó, những người là thân nhân được thăm gặp phạm nhân gồm: ông, bà nội, ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột. Mỗi lần đến thăm gặp phạm nhân tối đa không quá 3 người.

Đối với đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc thân nhân khác muốn thăm gặp thì phải được sự xem xét, giải quyết của giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện.

Thân nhân đến thăm gặp phạm nhân phải là người có tên trong sổ thăm gặp; trường hợp thăm gặp lần đầu thì phải có đơn xin thăm gặp có xác nhận của UBND hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập.

Đại diện cơ quan, tổ chức khi đến gặp phạm nhân phải có đề nghị bằng văn bản, được cơ quan, chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân xác nhận.

Trường hợp không có giấy tờ tuỳ thân thì phải có đơn đề nghị có dán ảnh được UBND hoặc công an cấp xã nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận, đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.Người đến thăm gặp phải có một trong những giấy tờ sau (trừ người dưới 14 tuổi): Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu; giấy xác nhận nếu là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng vũ trang.

Đáng chú ý, thân nhân là vợ (hoặc chồng) của phạm nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân tại phòng riêng theo quy định thì phải có giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc Công an cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân và phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh nội quy nhà thăm gặp. Phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.

Quá trình thăm gặp, thân nhân cũng như phạm nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật thi thành án hình sự cũng như nội quy nhà thăm gặp...

Ngoài ra, Dự thảo thông tư cũng quy định chi tiết về các hành vi không được làm đối với cán bộ có thẩm quyền tổ chức thăm gặp.

Cụ thể, nghiêm cấm cán bộ tổ chức thăm gặp có thái độ, hành vi tiêu cực, gây phiền hà trong việc tổ chức thăm gặp; tự ý giải quyết thăm gặp hoặc cho phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật ngoài khu vực nhà thăm gặp cũng như ngoài nơi được bố trí cho phạm nhân thăm gặp; tự ý nhận, chuyển thư, tiền, đồ vật cho phạm nhân.

Cán bộ tổ chức thăm gặp không được sử dụng phạm nhân hoặc người khác nhận giấy tờ, làm thủ tục cho thăm gặp thay cán bộ; không được thu tiền theo lượt thân nhân đến thăm gặp phạm nhân hoặc thu tiền cho phạm nhân gặp thêm thời gian.

Nếu được thông qua, Dự thảo thông tư trên sẽ thay thế cho thông tư 46/2011 của Bộ Công an quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân.

Ý kiến của bạn

Bình luận