Biển cấm taxi tại đoạn đầu ngã tư Xuân Thủy - Phạm Hùng. Ảnh: Soha |
Nhiều ý kiến chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp vận tải và người dân nhận định, thời gian vừa qua, chính sách phát triển và quản lý giao thông của thủ đô còn tồn tại sự phân biệt với vận tải taxi. Điển hình là để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, cơ quan chức năng thực hiện việc cấm taxi hoạt động trên rất nhiều tuyến đường trong giờ cao điểm, gây ra sự bất bình đẳng, đặc biệt là giữa taxi truyền thống với các loại hình Grab, Uber.
Thực tế, Uber hay Grab đều có hệ thống phương tiện hoạt động như taxi, nhưng lại không có dấu hiệu của loại hình này, bởi vậy sẽ không chịu sự ràng buộc bởi quy định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị taxi Thành Công nhấn mạnh: Thành phố đã có quy hoạch cho taxi từ năm 2012, tầm nhìn đến 2025-2030 nhưng khi có Uber, Grab thì hoàn toàn phá vỡ quy hoạch đó. Đặc biệt, những tuyến phố cấm taxi thì đối với loại hình đó cũng là loại hình chuyên chở khách nhưng lại không bị cấm, như vậy cũng ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng giao thông.
Trước việc xe taxi bị cấm trong khung giờ cao điểm trên một số tuyến phố lớn, không chỉ doanh nghiệp vận tải mà cả giới lái xe cũng bày tỏ sự lo lắng và khó hiểu đối với quy định của thành phố. Một số tài xế cho biết, họ không hiểu vì sao ngành chức năng chỉ cấm taxi mà không cấm ô tô con, trong khi lưu lượng xe ô tô cá nhân ở Hà Nội cũng rất cao, có khi còn nhiều hơn cả taxi. Ngoài ra, việc thiếu điểm dừng đỗ, đón trả khách cho vận tải taxi cũng đang gây ra hàng loạt bất cập cho đô thị hiện nay.
Phóng viên đã tiếp tục phỏng vấn nhiều ý kiến của giới chuyên gia, doanh nghiệp về những vấn đề nêu trên. Theo phần đông các ý kiến, thành phố Hà Nội hiện có rất nhiều các tuyến phố cấm xe taxi và quy định cấm có thể thay đổi liên tục theo từng khoảng thời gian. Việc nắm bắt được tất cả các tuyến phố cấm hiện nay là điều rất khó khăn đối với những người lái xe. Đặc biệt, khi bị cấm, các lái xe phải chọn đi ở các trục đường phụ, như vậy có thể gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ ở đó. Ngoài ra, việc taxi phải đi vòng với tuyến đường dài sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho hành khách. Những vấn đề này xảy ra là do sự nhận diện chưa đúng đắn của các bên liên quan đối với vận tải taxi.
Do đó, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước phải xác định được cách thức phát triển phương tiện phù hợp. Đã đến lúc, taxi phải được xem xét phát triển, quản lý và kiểm soát như một loại hình vận tải công cộng chính thống.
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp Hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nhấn mạnh: Nếu khẳng định taxi là vận tải hành khách công cộng thì có các giải pháp quản lý được số lượng, chất lượng phương tiện như xe buýt, và có cách quản lý điều tiết hoạt động trong đô thị của nó. Khi đã nhận định được taxi là vận tải hành khách công cộng thì ta sẽ có ứng xử với nó làm sao cho phù hợp, và có cơ chế chính sách ưu đãi phát triển, quản lý.
Cũng theo lãnh đạo các hiệp hội, để phát triển taxi phù hợp với mạng lưới công cộng hiện hành, ngành GTVT cần tổ chức giao thông theo hướng từng bước kiềm chế sự tăng trưởng của phương tiện cá nhân, song song với việc tập trung phát triển và gia tăng sự tiện lợi của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và taxi, nhằm thu hút người dân.
Đối với lo ngại về việc với hàng chục nghìn taxi đang hoạt động tại thủ đô, nếu coi đây là phương tiện công cộng sẽ dẫn tới vấn đề khó quản lý, các ý kiến chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện quy hoạch vận tải taxi trong khuôn khổ; cũng như tổ chức điều tiết, vận hành có trật tự, thống nhất như mạng lưới xe buýt.
Có như vậy, thay vì áp dụng quy định cấm taxi một cách cứng nhắc, quy định được đề ra mới đảm bảo tính thực thi và nhận được sự hưởng ứng của nhân dân trong thời gian tới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.