Camera giám sát: “Chìa khóa” quản chặt hoạt động vận tải

Tác giả: Hiểu Lam

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 24/05/2021 06:12

Việc lắp camera trên xe kinh doanh vận tải với mục đích giám sát tài xế, kiểm soát được tình trạng nhà xe nhồi nhét khách và các hành vi gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

 

Anh 1
Camera giám sát sẽ ghi lại hình ảnh lái xe, khoang hành khách và cửa lên xuống xe trong quá trình tham gia giao thông

Không thể chậm trễ

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ (được Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể bằng Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT và Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT), trước ngày 01/7/2021, các xe kinh doanh vận tải hành khách 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp thiết bị camera giám sát trên xe ô tô để lưu trữ hình ảnh. Qui định này được xem là một trong nhiều điều kiện để các chủ xe được kinh doanh dịch vụ vận tải. Nhưng trên hết, các hình ảnh từ camera được lưu trữ, nhằm mục đích nâng cao an toàn, an ninh giao thông đối với các loại phương tiện đường bộ kể trên, trong đó bao gồm lưu trữ hình ảnh lái xe và cửa lên xuống xe trong quá trình tham gia giao thông. Hình ảnh lưu trữ từ camera phải đạt tối thiểu 24h gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự li đến 500 km và đạt tối thiểu 72h gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự li trên 500 km.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ TNGT thuộc loại cao trên thế giới. Trong đó, những vụ tai TNGT liên quan tới hành vi của tài xế chiếm tới 30% tổng các vụ trong một năm. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra do tài xế ngủ gật.

Chính vì thế, quy định lắp đặt camera trên xe nhằm theo dõi, giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện. Ví dụ, trường hợp lái xe ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, điều khiển xe quá thời gian quy định, các tình huống bất thường khác...

Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nhìn nhận, nhiều nước phát triển đã giám sát trong xe từ lâu, còn chúng ta mới quy định giám sát toàn bộ trong xe. Bên cạnh việc phòng chống các nguy cơ khủng bố, tình trạng trộm cắp thì việc giám sát trong xe còn để xử lý tình trạng nhồi nhét khách gây mất ATGT.

“Việc lắp camera giám sát tài xế và giám sát trên xe là quy định phù hợp với yêu cầu của thực tiễn để giám sát, phát hiện và ghi nhận tình trạng các hành vi có nguy cơ cao gây TNGT của lái xe nhằm giúp cho người điều hành cảnh báo, giáo dục, ngăn ngừa vi phạm của lái xe hay phục vụ, phòng tránh tai nạn xảy ra. Đồng thời, đề xuất những cải thiện về quy định trong đào tạo kỹ năng lái xe, quy định về điều kiện lao động đối với lái xe và cung cấp chứng cứ cần thiết cho công tác điều tra tai nạn cũng như việc phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật khác của lái xe và người trên xe”, ông Hùng cho biết.

Lắp “mắt thần” - doanh nghiệp giảm áp lực quản lý

Ý thức được hiệu quả thật sự về mặt quản lý chất lượng dịch vụ cũng như việc đảm bảo ATGT, nhà xe Anh Khoa, chuyên tuyến Hà Nội - Thanh Hóa đã trang bị đồng loạt bộ camera giám sát đáp ứng Nghị định 10 cho các xe ô tô khách đang kinh doanh vận tải.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà xe Anh Khoa đầu tư kinh phí để lắp đặt bộ thiết bị này cho các xe khách của doanh nghiệp. Dù chi phí ban đầu khi lắp cho toàn bộ đầu xe không phải nhỏ nhưng so với lợi ích nó mang lại thì thật “đáng đồng tiền bát gạo”. Ông Lê Đình Khoa - Giám đốc Công ty CP Vận tải Anh Khoa đánh giá: “Việc lắp đặt thiết bị camera giám sát đảm bảo lợi ích thiết thực của doanh nghiệp. Thông qua thiết bị này, bộ phận điều hành của Công ty có thể theo dõi được các thông số cần thiết của xe như tốc độ, đang chạy hay đang dừng đỗ, xe đang chạy chở khách có hay không bật máy điều hòa, số lượng khách trên mỗi chuyến xe..., từ đó có những cảnh báo, nhắc nhở và yêu cầu dừng vi phạm”.

Ông Đoàn Thế Xuyên - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên, đơn vị có hơn 400 phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện Công ty đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho một số phương tiện, trong đó chủ yếu là xe chạy tuyến đường dài. Tuy nhiên, để lắp đặt đại trà thì Công ty rất khó thực hiện bởi một số xe chỉ đạt 30% công suất khai thác, thậm chí là không hoạt động.

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt cho biết: “Theo báo giá của các nhà cung cấp, bộ thiết bị này hiện có giá ước tính là 10 triệu đồng/xe. Với 100 đầu xe như quy mô của Sao Việt, chúng tôi dự kiến chi khoảng 1 tỷ đồng cho việc lắp đặt hệ thống giám sát thông minh ở trên xe. Hy vọng với sự đầu tư này, hành khách sẽ yên tâm về chất lượng dịch vụ khi lựa chọn hãng xe làm phương tiện di chuyển”.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, theo quy định tại Nghị định 10, toàn quốc có khoảng 170 nghìn xe khách từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera giám sát. Đến thời điểm này, ngoài 20% doanh nghiệp đã lắp camera phục vụ nhu cầu quản lý của doanh nghiệp, số còn lại đều chưa thực hiện việc lắp đặt camera theo yêu cầu.

Phạt nặng ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), hiện nay với tình hình giao thông ngày càng phức tạp, cơ sở hạ tầng phát triển không đáp ứng kịp so với sự gia tăng về số lượng phương tiện. Camera hành trình còn được gọi là thiết bị giám sát hành trình hay camera giám sát hành trình là hệ thống camera giúp lưu trữ các thông tin ghi được trên suốt quá trình xe lăn bánh. Ngoài ra, camera hành trình còn có khả năng quan sát xung quanh với góc quay rộng, hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Đối với bất cứ phương tiện nào khi tham gia giao thông cũng cần phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Vì thế, việc sử dụng camera hành trình đối với những loại phương tiện phổ biến như ô tô, xe máy là điều hết sức cần thiết.

Ngày 17/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020 Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó quy định thời hạn đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo; ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trước ngày 01/7/2021 (camera giám sát).

Tại khoản 6 Điều 28 Nghị định 100/2019 ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như sau: Phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 -12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

●Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định;

●Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

●Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm.

Ý kiến của bạn

Bình luận