Ảnh minh họa |
Thông tư 35/2018 Bộ Công Thương có hiệu lực từ ngày 26/11 cho phép công chức quản lý thị trường được phép khám người, phương tiện vận tải khi có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành kiểm tra ngay thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bỏ trốn, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ hoặc để ngăn chặn, hạn chế hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.
Nếu có căn cứ cho rằng trong người hoặc trong phương tiện vận tải, đồ vật hoặc tại nơi cất giấu có cất giấu tang vật vi phạm hành chính, công chức quản lý thị trường áp dụng việc khám người, khám phương tiện vận tải theo thẩm quyền hoặc đề xuất khám với người có thẩm quyền ban hành quyết định khám theo thủ tục hành chính của quản lý thị trường.
Công chức quản lý thị trường đề xuất việc khám phải chịu trách nhiệm trước người có thẩm quyền ban hành quyết định khám và trước pháp luật về nội dung của đề xuất khám.
Phương án khám
Trước khi ban hành quyết định khám, người có thẩm quyền ban hành quyết định khám hoặc được giao quyền ban hành quyết định khám phải ban hành phương án khám để bảo đảm việc kiểm tra đúng pháp luật và có kết quả, trừ trường hợp cần phải khám ngay theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Phương án khám phải có các nội dung chủ yếu như: căn cứ xây dựng phương án khám; đối tượng khám hoặc nơi khám; lý do khám; phạm vi khám; dự kiến thời gian bắt đầu và kết thúc việc khám; dự kiến tình huống phát sinh và biện pháp xử lý; dự kiến vi phạm hành chính và văn bản quy phạm pháp luật áp dụng; dự kiến số lượng và thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm cả lực lượng phối hợp; dự kiến phương tiện, điều kiện phục vụ việc khám nếu có; họ tên, chữ ký của người ban hành và con dấu.
Quyết định khám
Thông tư quy định, tất cả các trường hợp khám của công chức quản lý thị trường đều phải có quyết định khám bằng văn bản của người có thẩm quyền, trừ trường hợp cần phải khám ngay theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Người có thẩm quyền của Quản lý thị trường chỉ ban hành quyết định khám khi: đúng với thẩm quyền, địa bàn hoặc lĩnh vực được giao nhiệm vụ; có phương án khám theo quy định.
Việc lập Biên bản khám người theo thủ tục hành chính, biên bản khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính và Biên bản khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Sau khi khám xong, trưởng đoàn kiểm tra áp dụng theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khi có căn cứ, đúng quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Việc đề xuất phải thể hiện bằng văn bản hoặc được ghi trong nội dung biên bản kiểm tra, biên bản khám của đoàn kiểm tra.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.