Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá từ năm 2010 đến nay, dưới sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự ATGT ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng được cải thiện, TNGT liên tục được giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên giao thông ở Hà Nội vẫn còn có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình ùn tắc giao thông giảm nhưng vẫn còn nhiều nhức nhối.
"Cho đến nay, chưa có chương trình, kế hoạch đầy đủ và toàn diện nhằm giải quyết mục tiêu ATGT được phê duyệt cấp tỉnh, thành phố. Để những giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành về công tác bảo đảm ATGT có thể đi vào thực tiễn, vai trò của UBND, Ban ATGT, lực lượng chức năng của các tỉnh, thành phố là cực kỳ quan trọng”, ông Hùng cho biết.
Theo đó, sau hơn 1 năm kể từ hội thảo báo cáo giữa kỳ, các chuyên gia Hàn Quốc đã hoàn thành nhiều công việc, xây dựng hoàn thiện kế hoạch tổng thể ATGT đường bộ thành phố Hà Nội. Kết quả nghiên cứu này sẽ được tổng hợp và gửi cho Ban ATGT 63 tỉnh, thành phố để làm tài liệu nghiên cứu và có thể áp dụng vào trong kế hoạch đảm bảo ATGT của địa phương mình.
Tại hội thảo, tiến sĩ Young In Kwon đến từ Viện Nghiên cứu GTVT Hàn Quốc chia sẻ kế hoạch tổng thể nhóm nghiên cứu xây dựng về ATGT đường bộ tại Hà Nội gồm 5 chiến lược chính về cơ sở hạ tầng đường bộ an toàn, môi trường đường bộ an toàn, hành vi tham gia giao thông, quản lý ATGT và ATGT đối với xe máy. Trong đó, các chuyên gia Hàn Quốc còn xây dựng 19 chiến lược chi tiết trong kế hoạch với các mức độ ưu tiên cụ thể.
Toàn cảnh hội thảo. |
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, về giải pháp đảm bảo cơ sở hạ tầng đường bộ an toàn, thành phố Hà Nội nên ưu tiên thực hiện trước các giải pháp về thiết lập quyền ưu tiên tại các nút giao không đèn tín hiệu, cải thiện vận hành đèn tín hiệu giao thông, quản lý an toàn đối với phương tiện xe buýt và xe tải, nhóm giải pháp cải thiện tầm nhìn trong điều kiện thời tiết xấu. Đảm bảo môi trường ATGT đường bộ cần ưu tiên xây dựng chính sách về khu vực trường học an toàn. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh công tác đảm bảo ATGT cho phương tiện là xe gắn máy.
“Ở Việt Nam hiện nay, phương tiện tham gia chủ yếu vẫn là xe máy và theo thống kê cho thấy có đến 60% TNGT là do xe máy. Hiện nay tỷ lệ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông ở Việt Nam là 96% nhưng các mũ bảo hiểm chưa có quy định chung, do đó khi xảy ra TNGT chiếc mũ không thể đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Bởi vậy, việc thiết lập ATGT cho phương tiện xe máy là rất cần thiết”, ông Young In Kwon cho biết.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trong thời gian qua Hà Nội đã đầu tư xây dựng, tổ chức triển khai nhiều giải pháp ùn tắc. Trong đó, nhanh chóng triển khai các dự án xuyên tâm, ban hành Nghị quyết 04 về "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ giảm ùn tắc ô nhiễm Hà Nội". Tuy nhiên giao thông của Hà Nội cũng cần phải xem xét đánh giá lại để giảm được TNGT, đảm bảo ATGT trong thời gian tới .
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.