Cần có cơ chế đặc thù cho lực lượng kiểm soát xe quá tải

An toàn giao thông 13/01/2016 14:00

Lực lượng tham gia công tác KSTTX đang phải làm việc trong điều kiện khó khăn, thời gian vượt so với Luật Lao động, trong khi gần như không có phụ cấp.


kiem-soat-xe-qua-tai-1542
Ảnh minh họa

 

Như chúng tôi đã đưa trong chuyên mục Tiêu điểm lần trước, sau 2 năm thực hiện kiểm soát tải trọng xe, tỷ lệ xe chở quá tải đã giảm hẳn, chỉ còn khoảng 10-15%. Có được kết quả này không thể không kể đến nỗ lực của lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông và các lực lượng khác tại các trạm kiểm soát tải trọng xe. Do vậy, một số ý kiến cho rằng, cần có cơ chế đặc thù cho lực lượng này tương xứng với những đóng góp của họ trong việc ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải.  

Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, điều kiện làm việc của lực lượng KSTTX rất khắc nghiệt. Theo quy định của Bộ Luật Lao động, người lao động chỉ phải làm việc 8 tiếng/ngày, không làm trong ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết... Tuy nhiên, tại các Trạm Kiểm soát tải trọng xe lưu động, tất cả cán bộ CSGT, Thanh tra giao thông và các lực lượng khác đều phải làm việc theo chế độ 24h/24h và 7 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ thứ Bảy, chủ Nhật, ngày lễ, Tết. Bên cạnh đó là điều kiện, chế độ làm việc rất thiếu thốn. Theo ông Chung, ngoài hai trạm cân cố định là trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây và Quảng Ninh là có trụ sở, còn lại tại hầu hết các Trạm cân lưu động đều không có trụ sở, chỉ có một nhân viên vận hành hệ thống máy tính trên ô tô, còn các lực lượng khác phải đứng ở dưới đường. Nhiều trạm lưu động ở xa trung tâm, không có chỗ nghỉ ngơi khi hết ca làm việc.

Mặc dù làm việc trong điều kiện khó khăn, song 2 năm qua, tỷ lệ phương tiện vi phạm về tải trọng đã giảm từ 50% (trước tháng 4 năm 2014) xuống khoảng 10-15% hiện nay, góp phần giảm TNGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ. Cũng theo ông Đặng Văn Chung, việc kiểm soát tải trọng xe đem lại hiệu quả to lớn cho xã hội, tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước chi sửa chữa đường do xe quá tải, góp phần đảm bảo trật tự ATGT. Bên cạnh đó, trong 2 năm 2014 và 2015, số tiền xử phạt qua việc kiểm soát tải trọng xe lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng đầu tư trang thiết bị, chi cho lực kiểm soát tải trọng xe chỉ khoảng 200 tỷ đồng.

Do vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất với Bộ GTVT, UBATGTQG trình Chính phủ cơ chế đặc thù cho lực lượng kiểm soát tải trọng xe. Đối với các lực lượng tham gia phối hợp như: Thanh tra giao thông, CSGT, Cảnh sát cơ động, Kiểm soát Quân sự...,Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng cũng cần có chế độ phụ cấp đặc thù vì thực tế hiện nay, lực lượng tham gia phối hợp phải làm việc liên tục theo chế độ 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần. Mỗi người có thời gian làm việc ngoài giờ vượt so với quy định tại Luật Lao động.

Ông Đặng Văn Chung cho biết: Nếu chế độ chính sách đó được duyệt thì mỗi năm mất khoảng 80-100 tỷ, tức là rất nhỏ so với số tiền xử phạt, nộp vào ngân sách Nhà nước, và cũng rất nhỏ so với việc giảm chi phí làm mới đường bộ.

Đồng tình quan điểm này, ông Vương Đức Hạnh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hải Dương cũng cho rằng hiện ở Hải Dương có 80 người thực hiện việc kiểm soát tải trọng phương tiện tại 2 trạm trên Quốc lộ 5 và huyện Chí Linh. Toàn bộ lực lượng này được chia thành 4 tổ, đảm nhiệm việc kiểm soát tải trọng phương tiện 3 ca liên tục trong ngày. Trong năm 2014, lực lượng kiểm soát tải trọng xe đã xử phạt được trên 40 tỷ đồng, năm 2015, con số này là hơn 20 tỷ đồng. Theo ông Hạnh, cần có cơ chế phù hợp cho lực lượng kiểm soát tải trọng xe để khuyến khích nâng cao hiệu quả công việc. 

Ông Vương Đức Hạnh cho biết: Bây giờ tiền xử phạt từ kiểm soát tải trọng xe thì trích lại, một là để mua sắm trang thiết bị, hai là bồi dưỡng cho các lực lượng tại trạm, tức là gắn nhiệm vụ anh em từng ca, từng kíp một với hiệu quả xử lý vi phạm. Tức là ca này, tổ này tuần tra, kiểm soát được nhiều thì anh bồi dưỡng được nhiều, tức là gắn với kiểm tra xử lý vi phạm của ca ấy, kíp ấy, từng người một, từng tổ một.

Rõ ràng việc giảm tỷ lệ xe quá tải trong 2 năm qua từ 50% vào năm 2014 xuống còn khoảng 10-115% hiện nay có vai trò không nhỏ của các lực lượng tại các trạm kiểm soát tải trọng xe. Do vậy, việc có một cơ chế đặc thù cho lực lượng này là hoàn toàn thỏa đáng để khuyến khích, nâng cao hiệu quả trong việc ngăn chặn xe chở quá tải.

Ý kiến của bạn

Bình luận