Cần “hâm nóng” Nghị định 100

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Pháp luật giao thông 06/05/2021 09:29

Quý I/2021 tiếp tục phát huy những thành tựu giảm thiểu TNGT trong những năm qua. Tuy nhiên, số người tử vong do TNGT tăng 2,01% là một con số đáng báo động, xuất phát từ bối cảnh khác biệt so với cùng kỳ năm trước, cũng như từ một số tồn tại, hạn chế. “Hâm nóng” Nghị định 100/2019 là biện pháp rất cấp thiết và trên thực tế đã minh chứng hiệu quả ngay lập tức vào tháng 3.

 

1
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT quý I/2021

Sự khác biệt

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 3.206 vụ TNGT, làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người. So với 3 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm 263 vụ (-7,58%), số người chết tăng 33 người (2,01%), số người bị thương giảm 183 người (-7,12%). Trong đó, 30 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020, gồm 16 tỉnh tăng trên 30%. Đáng lưu ý có 5 tỉnh có số người chết tăng trên 70% trở lên là Lâm Đồng, Hà Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang và Quảng Bình.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong hai tháng đầu năm, TNGT tăng đột biến trái quy luật. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua ghi nhận mức giảm TNGT mạnh mẽ, nhưng tổng thể cả hai tháng thì lại tăng. Đến tháng 3, với sự vào cuộc quyết liệt, ra quân mạnh mẽ, tình hình TNGT được kiềm chế và bắt đầu đà giảm trở lại.

Nhìn lại 3 tháng đầu năm 2020, đây là thời điểm triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ Qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100) đồng thời cũng là thời điểm bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 một cách triệt để trên toàn quốc. Điều này tạo nên sự khác biệt so với điều kiện bình thường mới trong 3 tháng đầu năm 2021.

“Từ đầu năm đến nay, Nghị định 100 vẫn được thực thi nhưng không khí đã không còn là “cô dâu mới về nhà chồng”. Ở một góc độ nào đó, Nghị định 100 cần phải được “hâm nóng” trở lại. Trong tháng 3, lực lượng CSGT ra quân xử lý cao điểm vi phạm nồng độ cồn toàn quốc đã cho thấy hiệu quả ngay lập tức, nhất là về kéo giảm TNGT”, ông Khuất Việt Hùng bày tỏ.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, khởi đầu năm 2021 cũng được xem là bước vào năm thứ hai các lực lượng bảo đảm trật tự, ATGT phải tập trung vào ứng phó với đại dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát dịch trong giai đoạn đầu năm nay.

Đặc biệt, nhìn lại cùng kỳ năm ngoái khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, các biện pháp chống dịch được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện rất mạnh mẽ, nhất là giãn cách xã hội. Vì vậy, nếu lấy các chỉ số của tình hình trật tự, ATGT cùng kỳ năm ngoái để so sánh với năm nay thì chắc chắn sẽ có những sự khác biệt.

Việc lực lượng chức năng dồn sức ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng làm ảnh hưởng phần nào đến nguồn lực dành cho công tác bảo đảm trật tự, ATGT.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trong 3 tháng đầu năm, TNGT chỉ giảm mạnh ở hai tiêu chí về số vụ (-7,58%) và số người bị thương (-7,12%) so với cùng kỳ quý I/2020, trong khi số người chết tăng 2,01%, đây là con số đáng báo động.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị ban ATGT các địa phương quyết liệt hơn nữa, nhất là những tỉnh có tình hình giao thông phức tạp, tăng TNGT trong quý I. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các địa phương có giải pháp tập trung, chỉ đạo tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý và giao trách nhiệm cho cấp ủy các địa phương, nhất là những địa phương xảy ra nhiều TNGT...

“Nếu không khẩn trương thực hiện có hiệu quả ngay thì năm nay chúng ta khó mà đạt được chỉ tiêu Nghị quyết của Chính phủ về giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí. Để hoàn thành được nhiệm vụ này thì cần sự phối hợp từ Trung ương đến địa phương, trong đó vai trò của địa phương là đặc biệt quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

2
CSGT trắng đêm ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy

Không thể lơi lỏng, thiếu quyết liệt

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình, quý I là thời điểm tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên các lực lượng chức năng phải tập trung chống dịch. Thêm vào đó, nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu. Dẫu nhiều bất lợi, cả hệ thống chính trị vẫn nỗ lực rất lớn, tình hình trật tự, ATGT cơ bản được đảm bảo, số vụ TNGT và số người bị thương do TNGT tiếp tục được kéo giảm mạnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, ATGT vẫn còn một điểm đáng lo ngại nhất là số người chết do TNGT tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tháng 2, TNGT tăng cả 3 tiêu chí, đặc biệt là số người chết tăng 88 người (16,48%) so với tháng 02/2020. Trong tháng 3, tình hình trật tự, ATGT có cải thiện nhưng lại xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, tình hình xe ô tô chở quá tải trọng cầu đường tái diễn tại nhiều địa phương, nhiều xe tải cơi nới thành thùng để chở hàng quá tải dẫn đến tình trạng đường bộ ở nhiều nơi bị xuống cấp. Theo thông tin từ báo chí thì vấn nạn này không chỉ mới tái diễn gần đây, thậm chí nhiều xe vi phạm có lô-gô nhận diện riêng, nghi ngờ có bảo kê, chống lưng.

“Dư luận xã hội rất bức xúc khi thấy những tuyến đường đầu tư cả trăm cả nghìn tỷ xuống cấp trầm trọng, mặt đường hằn lún, đầy “ổ gà”, “ổ trâu” chỉ sau một thời gian ngắn khi xe quá tải lưu thông, tai nạn cũng từ đó mà tăng lên. Cần khẳng định, việc chở hàng hóa quá tải trọng cầu đường chính là hành vi phá hoại tài sản quốc gia, cần phải xử lý thật nghiêm. Do đó, yêu cầu các đồng chí công an chỉ đạo điều tra, xác minh trả lời công luận xem có ai chống lưng cho xe quá tải hay không? Có thì xử lý thật nặng, không có thì cũng công bố để dư luận đỡ nghi ngờ, bức xúc”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai vấn đề tồn tại. Trước hết là ý thức chấp hành pháp luật ATGT của người tham gia giao thông chưa cao là nguyên nhân trực tiếp: tình trạng học sinh lái mô tô khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe; lái xe sau khi đã uống rượu bia, thậm chí say xỉn, đáng buồn là có cả cán bộ, đảng viên, thậm chí còn hành hung cả CSGT; xe tải, xe khách chở quá tải trọng, chở quá số người quy định, vi phạm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy...

“Tiếp đó, cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến chỉ đạo, kiểm tra và quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ về bảo đảm trật tự, ATGT. Tôi biết là hiện tại một số địa phương vẫn đang tiếp tục kiện toàn bộ máy, nhưng không thể vì thế mà lơi lỏng, thiếu quyết liệt trong việc bảo vệ sinh mạng cho nhân dân”, Phó Thủ tướng quan ngại.

Ý kiến của bạn

Bình luận