Cần hiểu đúng về hệ thống đo tốc độ có ghi hình của CSGT

Hỏi đáp 13/05/2018 08:56

Vừa qua, trên một số báo và mạng xã hội có phản ánh về việc kết quả đo tốc độ do hệ thống camera giám sát giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông và thiết bị giám sát hành trình trên xe ôtô là không đồng nhất. Vậy nguyên nhân nào xuất hiện sự không đồng nhất đó? Căn cứ nào để Cảnh sát giao thông xử phạt hành vi vi phạm về tốc độ?

nhung-diem-lap-camera-phat-nguoi-tai-tp-hcm-1

Việc lực lượng Cảnh sát giao thông sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (hệ thống camera đo tốc độ có ghi hình ảnh) để phát hiện và xử lý vi phạm được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. 

Hệ thống đo tốc độ có ghi hình ảnh hiện đang được lực lượng Cảnh sát giao thông sử dụng trên một số tuyến đường quốc lộ, cao tốc được quy định trong danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông quy định tại Nghị định 165/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện theo quy định Thông tư số 01/2016/TT-BCA, số 02/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định về tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ. 

Các thiết bị camera có tích hợp chức năng đo tốc độ đều được kiểm định, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định của Thông tư 23/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Do đó, kết quả thu được từ máy đo tốc độ có ghi hình ảnh được sử dụng làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. 

Còn hệ thống giám sát hành trình GPS không nằm trong danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ (quy định tại Nghị định 165/NĐ-CP của Chính phủ). 

Điều 14 Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Thiết bị này được lắp đặt để ngành Giao thông vận tải tiến hành quản lý phương tiện, xử lý các hành vi vi phạm về dừng, đỗ, hành trình chạy xe, điểm đầu, điểm cuối của tuyến sai quy định… không thực hiện xử phạt về hành vi vi phạm chạy quá tốc độ. 

Về tính năng, cơ chế hoạt động của hệ thống đo tốc độ có ghi hình và hệ thống giám sát hành trình cũng hoạt động khác nhau. Hệ thống đo tốc độ có ghi hình ảnh được lực lượng Cảnh sát giao thông sử dụng là thiết bị chuyên dụng sử dụng sóng âm (nguyên lý radar) hoặc sử dụng sóng ảnh (nguyên lý laser). 

Máy đo phát sóng đến xe đang chạy và thu về sóng phản xạ để cho ra kết quả chính xác là tốc độ tức thời của xe khi đang di chuyển. Hiện Cảnh sát giao thông các nước trên thế giới đều sử dụng thiết bị đo tốc độ theo công nghệ bằng sóng âm hoặc sóng ánh sáng này. 

Trong khi đó, tốc độ mà hệ thống giám sát hành trình có được thông qua việc sử dụng máy thu tín hiệu định vị vệ tinh GPS xác định khoảng cách và thời gian di chuyển của phương tiện giữa 2 điểm để tính trị số trung bình tốc độ phương tiện. 

Mặt khác, độ chính xác của thiết bị phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian xác định vị trí, độ nhạy thu tín hiệu của thiết bị GPS; số lượng vệ tinh mà thiết bị định vị GPS thu được… 

Thậm chí cả yếu tố thời tiết (mưa, gió lớn…) hay khi phương tiện hoạt động tại khu vực có nhiều nhà cao tầng, cây cối, núi đá, đường hầm cũng ảnh hưởng tới kết quả đo tốc độ, vì tín hiệu bị nhiễu, trễ hoặc mất hoàn toàn. 

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, việc đo tốc độ phương tiện tại một thời điểm khi sử dụng hai hệ thống thiết bị trên có sự khác nhau về cơ sở pháp lý, mục đích sử dụng (máy đo tốc độ dùng để xử phạt, hệ thống giám sát hành trình dùng để quản lý vận tải) và cách đo tốc độ (máy đo tốc độ đo tức thời, hệ thống giám sát hành trình đo tốc độ trung bình). 

Lực lượng Cảnh sát giao thông phải thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm việc xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, công khai, minh bạch, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông./. 

Ý kiến của bạn

Bình luận