Hội thảo do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả đến từ Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT - Trường ĐH GTVT, đại diện Tiểu ban Người tham gia giao thông, Diễn đàn ATGT Việt Nam, Bệnh viện Việt Đức, Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường ĐH Việt Đức, ĐH Tôn Đức Thắng, Dự án TRAHUD…
Hội thảo chuyên đề hành vi người điều khiển phương tiện khi sử dụng rượu bia |
Có dấu hiệu..."nhờn" Luật
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng UBATGTQG cho biết, tuy TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) trong 3 năm trở lại đây nhưng TNGT vẫn còn rất cao. Mỗi ngày có khoảng 26 người chết vì TNGT tập trung chủ yếu tại đường bộ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê trong năm 2014, số vụ TNGT liên quan điến rượu bia tại Việt Nam chiếm 36,5% trong tổng số vụ. Cùng với đó, con số thống kê của Hiệp hội rượu Bia - Rượu - Nước giải khát ước tính sản lượng sản xuất rượu bia tăng 15%/năm. Dự kiến, sản lượng bia sẽ đạt 3 tỷ lít năm 2015 và 350 triệu lít rượu. Việt Nam là quốc gia nằm trong số 25 quốc gia đứng đầu danh sách có mức tiêu thụ bia tăng trưởng nhiều nhất thế giới.
Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh của thị trường bia rượu, tình trạng tham gia giao thông sau khi sử dụng bia rượu gây ra nhưng hậu quả nghiêm trọng cũng không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, trước thực trạng đáng buồn trên, các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn yếu kém.
Tại Việt Nam, nhiều chính sách đưa ra bị thất bại do thiếu sự quyết liệt trước sự phản ứng của đông đảo tầng lớp người dân |
TS. Hoàng Đình Ban – Trưởng khoa CSGT, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, tỷ lệ TNGT do sử dụng rượu bia là trên 40% tổng số vụ nhưng chỉ xử lý được 0,16% vụ. Tuy công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn đã và đang được đẩy mạnh, tăng cường nhưng chưa năm nào xử lý hình sự được 50% số vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiện uống rượu bia. Công tác xử lý chỉ tập trung chủ yếu vào xử phạt hành chính. Vì vậy, tình trạng “nhờn” luật trong lĩnh vực vận tải đang diễn ra rất nghiêm trọng.
Cần thiết phải hình sự hóa tạo răn đe lớn
Trước thực trạng yếu kém trong xử lý vi phạm nêu trên, TS. Hoàng Đình Ban cho rằng, cần xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn và xử lý hình sự đối với các hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đồng thời, Bộ luật hình sự cũng cần phải sửa đổi, bổ sung tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạo tiếng răn đe lớn của pháp luật.
Tham luận tại Hội thảo về bài học xử lý vi phạm nồng độ cồn trên thế giới, TS. Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia Quy hoạch ATGT Dự án TRAHUD cho biết, theo quy định mới từ năm 2015 của Thái Lan, khi người lái xe từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị bắt giữ và buộc tội một năm tù, phạt tiền lên đến 20.000 Bath.
Tại Mỹ, người vi phạm lần đầu bị phạt 300-1.000USD, lần vi phạm tiếp theo bị phạt 15.000USD trở lên; chưa kể người vi phạm còn phải trả phí thử nồng độ cồn trong máu từ 500-1.000USD; người vi phạm bắt buộc phải học khóa học ý thức tham gia giao thông và qua các kỳ thi rất khắt khe (300-500USD/khóa).
Vẫn còn nhiều bất cập trong trong việc kiểm soát nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông |
Tại Việt Nam, nhiều chính sách đưa ra bị thất bại do sự tác động tới đông đảo tầng lớp người dân. Bên cạnh đó, việc chưa quyết liệt trong lập trường, quan điểm trước những phản ứng của người dân cũng là yếu tố dẫn tới việc lỏng lẻo trong chủ trương xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu vi phạm giao thông ở Việt Nam hiện rất khó rà soát và kiểm tra trong các biên bản xử phạt trong khi nước ngoài họ kiểm soát qua hệ thống hóa cơ sở dữ liệu chung nên dễ dàng phát hiện trường hợp tái phạm.
Từ những khó khăn trên, TS Hoàng Đình Ban nhận định, lực lượng CSGT khó có thể cứng rắn trong việc xử lý vi phạm bởi nguy cơ chống đối và dẫn đến sự đối đầu từ 2 phía là rất lớn.
Cùng quan điểm trên, TS. Trần Hữu Minh, chuyên viên Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng cần có hệ dữ liệu để quản lý được mức độ vi phạm và tái vi phạm sử dụng rượu bia khi lai xe, trên cơ sở đó quy định mức xử phạt. Ví dụ, người lái xe vi phạm lần đầu sẽ không xử phạt nặng nhưng nếu tái phạm sẽ tăng hình phạt lên gấp nhiều lần
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng nhận thức của người dân về ngưỡng nồng độ cồn trong máu còn rất hạn chế cũng như phong tục tập quán của người Việt khi sử dụng rượu bia khiến cho họ khó có thể kiểm soát được liều lượng. Đi kèm với đó, khi “lỡ” vượt ngưỡng cho phép, các biện pháp tự đảm bảo an toàn cho bản thân người sử dụng rượu bia cũng chưa thực sự được họ chú trọng. Vì vậy, nếu không xem xét linh hoạt mức độ và cấm tuyệt đối 100% sẽ dẫn tới tính thiếu khả thi.
Phong tục tập quán của người Việt khi sử dụng rượu bia khiến cho họ khó có thể kiểm soát được liều lượng. Nhưng các biện pháp tự đảm bảo an toàn cho bản thân người sử dụng rượu bia cũng chưa thực sự được họ chú trọng |
Các ý kiến thảo luận cũng cho rằng, quy định mức nồng độ cồn trong máu vượt 50mg/100ml máu như hiện nay sẽ bị xử phạt là hợp lý.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cần thiết được đẩy mạnh hơn nữa. Đặc biệt, các đại biểu tại Hội thảo cũng đưa ra kiến nghị đến các doanh nghiệp sản xuất rượu bia cần có hình thức khuyến cáo, cảnh báo nguy cơ hay hàm lượng cho phép trên bao bì sản phẩm nhằm đánh mạnh vào tâm thức của người sử dụng rượu bia để họ có ý thức chủ động hơn khi uống bia rượu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.