Liệu tất cả những người lái xe qua vụ tai nạn mà không dừng lại giúp đều “ thiếu đạo đức”, “độc ác”? Ảnh minh họa |
Mấy ngày nay, dư luận xã hội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với gia đình, người thân của những nạn nhân vụ lái xe Camry tông chết 3 người ở Hà Nội, trong đó có cháu Gia Hân, mới 6 tuổi. Nhiều người cảm thấy đau đớn, bất lực và phẫn nộ khi biết có lái xe đã không dừng lại để đưa cháu đi cấp cứu mặc dù có lời kêu gọi của những người có mặt tại hiện trường. Biết đâu nếu sớm được cấp cứu, cháu Gia Hân đã có thể được cứu sống?!
Trong văn hoá của người Việt và của mọi dân tộc trên thế giới, hành vi “cứu giúp người bị nạn” được xác định là một tiêu chí căn bản của đạo đức làm người và hành vi “thấy chết không cứu” luôn bị lên án là “vô cảm”, “ thiếu đạo đức”, “độc ác”. Phải chăng, tất cả những người lái xe đi qua hiện trường vụ tai nạn mà không dừng lại để đưa cháu Gia Hân đi cấp cứu đều là những người “ thiếu đạo đức”, “độc ác”? Trên những trang báo và cả trên mạng xã hội mấy hôm nay đa phần những lời bàn, lời bình khẳng định điều này.
Nhưng cũng có những ý kiến phản ứng gay gắt: Những người không dừng lại đưa cháu bé đi cấp cứu không phải là họ không muốn mà có thể họ SỢ.
(1) SỢ bẩn xe; (2) SỢ phiền toái – mất thời gian, phải làm thủ tục với bệnh viện, phải làm chứng với công an; (3) SỢ đen đủi – nhỡ đâu nạn nhân có thể qua đời ngay trên xe; (4) SỢ “làm ơn, mắc oán”- sợ người nhà nạn nhân và những người khác hiểu lầm là họ chính là kẻ gây tai nạn và bắt đền, thậm chí hành hung, đập phá xe cộ, tài sản. Phải chăng đây mới là lý do chính?
Phải cứu và biết cách cứu
Chúng ta cần tâm niệm rằng tai nạn giao thông có thể xảy ra với bất cứ ai, có thể đó là người quen, bạn bè, đồng nghiệp, người thân và chính bản thân mình. Như vậy, ai cũng cần phải chuẩn bị cho mình một tâm thế và những kỹ năng cần thiết để cứu người, để có thể kêu gọi mọi người cùng tham gia cứu người.
Hãy chuẩn bị cho mình tinh thần và kỹ năng sẵn sàng cứu người gặp tai nạn bằng cách:
- Trang bị cho mình những kỹ năng sơ cứu cơ bản cho người bị tai nạn giao thông.
- Trên xe nên có túi cứu thương để có thể thực hành sơ cứu.
- Trên xe cần có một tấm vải bạt để trải lên ghế và phủ lên thảm sàn xe trước khi đưa người bị tai nạn lên xe.
Việc cần làm để tránh liên lụy không đáng có
- Nếu xe có camera hành trình ghi hình vụ việc thì quá tốt, nếu không thì nên dùng điện thoại để chụp hoặc quay nhanh lại vụ việc trước khi mở cửa xuống xe.
- Gọi ngay cấp cứu 115 và hỏi xem khi nào họ có thể đến, nếu họ có thể đến trong vòng 30 phút thì nên bảo vệ hiện trường và chờ cấp cứu chuyên nghiệp
- Nếu có nhân chứng khác ở hiện trường thì nên đề nghị họ cùng đi để đưa người bị nạn đến trung tâm cấp cứu gần nhất – nên đưa đến Bệnh viện từ cấp huyện trở lên.
- Nắm thông tin về thời gian, địa điểm và thông tin về vụ tai nạn, người cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu, về nạn nhân và về những người thi hành công vụ có mặt tại hiện trường.
Cần phải kêu gọi sự hỗ trợ
Nếu bạn là người chứng kiến vụ tai nạn giao thông và bạn muốn cứu người bị nạn, thì hãy kêu gọi sự hỗ trợ của bất kỳ ai có thể và thực hành một vài nguyên tắc sau:
- Hãy kêu gọi mọi người chứng kiến hỗ trợ và bảo vệ hiện trường;
- Báo cho công an nơi gần nhất: Hỏi địa chỉ hiện trường, báo công an xã, phường gần nhất; báo cảnh sát giao thông. Nếu không biết số điện thoại thì gọi 1080 để hỏi.
- Gọi cấp cứu 115 hoặc gọi cho bệnh viện đa khoa cấp huyện nơi gần nhất, nếu không biết số điện thoại thì gọi 1080 để hỏi.
- Nếu có công an, cảnh sát ở hiện trường thì hãy đề nghị họ yêu cầu những người lái xe qua hiện trường dừng xe để đưa người bị nạn đi cấp cứu – trong trường hợp không liên hệ được lực lượng cấp cứu chuyên nghiệp.
- Dùng điện thoại di động để chụp ảnh, quay phim ghi lại hiện trường vụ việc.
Người cứu nạn phải được bảo vệ
Bình sinh con người ai cũng muốn làm điều tốt, điều thiện tuy nhiên nếu còn để sự sợ hãi chế ngự thì những ý nghĩ hướng thiện sẽ không thể biến thành việc thiện. Để nuôi dưỡng và bảo vệ cái thiện, thì Nhà nước cần có sự ghi nhận, cổ vũ và bảo vệ được những công dân tốt. Cách hành xử, thái độ của người thực thi công vụ tại hiện trường, của cơ quan điều tra thu thập chứng cứ vụ án… với người cứu giúp người bị nạn, với nhân chứng cần phải thay đổi. Vậy, thay đổi như thế nào?
Tôi cho rằng, thứ nhất, phải có ngay một sự xác nhận (bằng văn bản, hay lời nói) về hành động cứu giúp người bị nạn. Ví dụ: Ghi vài chữ: Tôi trung uý Nguyễn Văn A, CSGT Huyện B, xác nhận đã huy động ông Trần Văn C là người lái xe biển số XX-YY-ZZ qua hiện trường, đưa nạn nhân Hoàng Văn D của vụ tai nạn T đi cấp cứu; sau đó đưa cho anh C. Nếu không có văn bản thì cần nói to, rõ tại hiện trường vụ việc để mọi người có mặt cùng biết .
Thứ hai, cơ quan chức năng nếu muốn người cứu nạn cung cấp thêm thông tin, bằng chứng nào đó thì cần phải có thư mời công khai; nếu người tham gia cứu nạn không thể bố trí thời gian theo thư mời thì phải cử cán bộ trực tiếp đến làm việc với người tham gia cứu nạn. Nghiêm cấm mọi hành vi uy hiếp, đe doạ hoặc cố ý gây phiền nhiễu đối với người tham gia cứu nạn.
Nếu chúng ta không cùng thay đổi, đồng cảm, chia sẻ đẻ cổ vũ, bảo vệ những suy nghĩ, những hành động nhân ái cứu giúp người bị tai nạn giao thông thì sau “cơn sốc Camry” này, mọi chuyện lại đâu vào đó. Chỉ nói thôi, thì dễ lắm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.