Cần lắm những cây cầu dân sinh

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/04/2017 04:59

Hệ thống giao thông nông thôn tại các địa phương trên cả nước từng bước được nâng cấp, tạo sự thuận lợi cho việc đi lại của người dân

2
Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cầu treo “tự chế” rất nguy hiểm

 

Những năm gần đây, với sự đầu tư của Nhà nước, hệ thống giao thông nông thôn tại các địa phương trên cả nước từng bước được nâng cấp, tạo sự thuận lợi cho việc đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền. Tuy nhiên, nhiều nơi ở địa bàn tỉnh Gia Lai bà con phải vượt sông vượt suối trên những chiếc cầu "tự chế" không đảm bảo an toàn.

Người dân tự làm cầu vượt lũ

Hiện nay tình trạng một số cây cầu treo bắc qua sông, suối được làm một cách tạm bợ vẫn đang hiện hữu, các cấp chính quyền địa phương chưa kịp thời đầu tư xây dựng. Những cây cầu này phần lớn nằm tại vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế của khu vực còn khó khăn. Những chiếc cầu treo tạm bợ, xuống cấp này luôn tiềm ẩn rủi ro cho người dân trong khu vực mỗi khi lưu thông. Thực tế cho thấy, có rất nhiều vụ tai nạn do sập cầu treo tạm bợ này gây ra, gây thiệt hại về người và tải sản của một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo khảo sát của ngành GTVT, tỉnh Gia Lai hiện có hàng trăm cầu dân sinh cần được sửa chữa, làm mới. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên nhiều năm nay, người dân phải tự làm cầu tạm hoặc lội suối để đi lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Đơn cử, trong khi chờ kinh phí, để tránh tai nạn có thể xảy ra khi qua cầu, 7 hộ dân ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã bỏ ra khoảng 280 triệu đồng để làm một cây cầu gỗ bắc qua sông Ba mà người “đứng mũi chịu sào” là ông Dương Thanh Mùi (62 tuổi, trú tại tổ dân phố 9).

Cây cầu gỗ mới bắc qua sông Ba có chiều dài hơn 100m, nối xã Phú Cần sang xã Ia Rmốk, huyện Krông Pa. Để duy trì chi phí bảo dưỡng và trả nợ vay mượn để làm cầu, 7 hộ dân tiến hành thu phí với mức 5 nghìn đồng/xe máy/lượt; người đi bộ, đi xe đạp không thu tiền. Giáo viên, học sinh khi đi qua cây cầu này được miễn phí hoàn toàn.

Trước đây cũng tại vi trí này, 7 hộ dân trên cũng đã bỏ tiền làm cầu gỗ, tuy nhiên mới đây chiếc cầu đó đã bị lũ cuốn trôi. Việc không có cầu đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong khu vực, nhất là đối với các em học sinh và giáo viên khi đến trường.

Dự án thiết thực cho bà con Gia Lai

Tuy có cây cầu để thuận tiện cho việc đi lại nhưng nhiều hộ dân vẫn lo lắng bởi một ngày đi làm công được mấy chục nghìn đồng, trong khi phải đóng phí cho 2 lần qua cầu mất 10 nghìn đồng. Với người dân ở đây, từng nghìn lẻ cũng phải chắt chiu, dành dụm.

Bên cạnh đó, do đây là cầu treo dân sinh do người dân tự làm nên việc đảm bảo an toàn về kỹ thuật cũng như những quy cách, tiêu chuẩn không thể được đảm bảo một cách tuyển đối, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Theo nhiều người dân thì mùa nắng gió toàn thân cầu đu đưa, chỉ cần nhìn đã có cảm giác rùng mình, còn mùa mưa cầu vắt vẻo qua dòng chảy sông Ba càng trở nên nguy hiểm. Không chỉ khó khăn trong đi lại, nhiều người dân còn cho biết, do không có cầu kiên cố, vào vụ mua bán nông sản, hàng năm xe không vào được nên khi đến mùa thu hoạch bà con phải “tăng bo” bằng xe cọc cạch, xe bò kéo dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, gây thất thu lớn cho bà con nông dân.  

Trước thực trạng trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (gọi tắt là Dự án LRAMP) trên cả nước. Theo đó, tỉnh Gia Lai là một trong 50 tỉnh, thành phố trong cả nước được thụ hưởng từ dự án này. Tại hợp phần cầu, tỉnh Gia Lai được đầu tư xây dựng 85 cầu dân sinh, tổng chiều dài lên đến 3.524m với tổng vốn đầu tư  khoảng 208 tỷ đồng.

Ông Phạm Xuân Điệp - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao tỉnh Gia Lai cho biết, Dự án đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Để nhanh chóng triển khai thực hiện dự án, Ban đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh chủ động, tập trung hoàn thành trong Quý I/2017 một số công tác do địa phương thực hiện như giải phóng mặt bằng, rà phà bom mìn để có mặt bằng thi công ngay khi các công trình đủ điều kiện khởi công. Tại Gia Lai, hợp phần cầu dân sinh được chia thành 6 dự án thành phần. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được khởi công vào Quý II/2017, hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan xác định sẽ phấn đấu hoàn thành trước năm 2020 nhằm sớm đưa các công trình vào khai thác sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án.

Có thể nói, Dự án LRAMP có ý nghĩa quan trọng, giúp các địa phương, nhất là ở cấp xã về phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, giảm gánh nặng trong việc huy động nguồn vốn, ngân sách để xây dựng mới các cầu dân sinh đã xuống cấp, hư hỏng nặng; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo ATGT cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Dự án cũng giúp xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối liên vùng nhằm đảm bảo phát triển bền vững để thực hiện mục tiêu, chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Chính phủ, đáp ứng cơ bản nhu cầu kết nối giữa các loại đường trong hệ thống giao thông nông thôn, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hướng tới phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đây được xem như một “cú hích” cho giao thông nông thôn trên cả nước nói chung và tỉnh Gia lai nói riêng

 

Ý kiến của bạn

Bình luận