Ảnh minh hoạ |
Theo đánh giá chung trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học của thế giới, lượng dầu thải xuống các vùng nước hàng năm (đặc biệt là với nước biển) ước tính theo tỷ lệ 73% từ hoạt động tàu biển, 21% từ sự cố hàng hải và 6% từ các nguồn khác. Việc khai thác các loại tàu, sà lan dầu làm cho tỷ lệ ô nhiễm dầu ở mức cao nhất. Trong các vụ tràn dầu dưới 7 tấn thì 90% là trong quá trình nhận, trả hàng, tiếp nhận nhiên liệu và thường xảy ra trong cảng hoặc tại bến nhận/ trả hàng. Việc cung cấp dầu mỡ, nhiên liệu cho tàu, việc sửa chữa nhỏ và vứt bừa bãi các loại chất thải dính dầu mỡ cũng là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm vùng nước cảng biển.
Khí thải từ máy bay làm ô nhiễm khu vực nhạy cảm nhất của khí quyển, các khí độc hại gây nhiễm tầng ozone và góp phần làm tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất ấm dần lên. Theo Tổ chức Liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC), khói thải từ máy bay chiếm 3,5% nguyên nhân làm cho trái đất ấm dần lên. Đối với khu vực châu Âu thì lượng khí thải lại được cảnh báo nhiều hơn. Theo dữ liệu của Cơ quan Môi trường châu Âu, lượng khí thải mà các phi cơ của 27 nước châu Âu tạo ra lên tới 440.000 tấn mỗi ngày. Ngay cả khi núi lửa phun ra 300.000 tấn khí CO2 mỗi ngày vẫn thua xa các máy bay châu Âu về mức độ tạo ra khí thải.
Trong quá trình vận hành, ngành Đường sắt đang gây ra ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, xã hội và con người. Khí thải trên tàu phát sinh từ 2 nguồn chính là đầu máy và toa xe máy phát điện. Các khí thải độc hại là sản phẩm của quá trình đốt cháy các loại nhiên liệu này trong buồng máy động cơ với các chất độc hại... Bụi bẩn, hóa chất có ảnh hưởng đến thành phần môi trường trong quá trình chuyên chở, xếp dỡ hàng rời, hàng độc hại, hàng nguy hiểm... Tiếng ồn của đoàn tàu trong quá trình vận hành cũng là một vấn đề lớn.
NGÀNH LOGISTICS ĐI TIÊN PHONG CHỐNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Vào năm 2008, Nhật Bản đã chế tạo chiếc tàu biển đầu tiên sử dụng năng lượng mặt trời đáp ứng khoảng 0,2% nhu cầu năng lượng của tàu. Năm 2009, hãng vận tải biển NYK Co. của Nhật đã có kế hoạch phát triển “tàu siêu thân thiện với môi trường” mang tên NYK Super Eco Ship, vào năm 2030 - đây sẽ là tàu chở công-ten-nơ cỡ lớn sử dụng kết hợp pin nhiên liệu chạy bằng khí hóa lỏng, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Hãng này cho biết, tàu NYK Super Eco sẽ giảm 69% lượng khí thải CO2 so với các tàu chở công-ten-nơ chạy bằng động cơ diesel hiện nay.
Kể từ ngày ngày 01/7/2011, Cảng Antwerp - Hà Lan bắt đầu áp dụng chính sách giảm phí cảng 10% cho các tàu xanh căn cứ theo tải trọng nếu như điểm số về Chỉ số tàu thân thiện môi trường (ESI - Environmental Ship Index) là 31 hoặc hơn. Hiệp hội Cảng quốc tế - IAPH cũng sẽ áp dụng chế độ thưởng cho các tàu có lượng tiêu thụ nhiên liệu giảm ô nhiễm và chỉ số khí thải SO2 và CO2 từ 0 tới 100.
Đối với ngành Hàng không, từ ngày 30/11/2010, ICAO đã đẩy nhanh các nỗ lực quốc tế thiết lập thị trường khí thải CO2 toàn cầu cho ngành công nghiệp hàng không. ICAO thúc đẩy nhiều lựa chọn giảm khí thải trong ngành Hàng không dân dụng cho các quốc gia thành viên. Các thỏa thuận này cũng bao gồm việc tăng sử dụng nhiên liệu sinh học, các tiêu chuẩn giảm sử dụng nhiên liệu cho máy bay và đường bay hiệu quả nhất.
Hệ thống xe lửa thân thiện với môi trường với vận tốc 300km/h ở Đài Loan là một hình mẫu về hạn chế lượng khí thải gây tình trạng ấm dần lên của trái đất và nâng cao tiêu chuẩn sống cho số đông người dân theo hướng bền vững cho môi trường. Sử dụng đường ray điện trên cao thay vì những đầu máy chạy bằng diezel sẽ chỉ tạo ra chỉ 1/9 lượng CO2. Hành khách xe lửa cũng chỉ hao tốn hơn một nửa năng lượng và giải phóng 1/4 lượng khí CO2 so với người đi xe buýt.
VIỆT NAM: CẦN LẮM NHỮNG DỰ ÁN LOGISTICS XANH
Cần phải nói rằng những phương tiện hiện đang đảm nhận phần lớn cho các hoạt động logistics Việt Nam đã quá cũ kỹ và lạc hậu, nếu xét về tiêu chí môi trường thì hẳn là một số không tròn trĩnh. Vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ đang gây ảnh hưởng đến môi trường trầm trọng, vì vậy những dự án vì môi trường cần phải nghiên cứu ở tầm vĩ mô. Báo cáo hiện trạng môi trường đã chỉ ra rằng, chất lượng môi trường biển và vùng ven biển tiếp tục bị suy giảm. Đáng chú ý là vận tải biển, hiện tại và tương lai, khi mà các quy định về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các tổ chức quốc tế thường xuyên thay đổi thì với đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế đã quá già cũ, sẽ làm cho đội tàu của Việt Nam khó theo kịp. Hoạt động vận tải biển Việt Nam rất khó bền vững trong ngành vận tải biển thế giới.
Những năm gần đây, các dự án của các doanh nghiệp, các chương trình hành động về môi trường đã được khởi động, dù chỉ mới là bắt đầu nhưng là những tín hiệu vui cho ngành Logistics Việt Nam.
Ngày 30/6/2010, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. Thông tư quy định rõ, các dự án quy hoạch, đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay phải được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về hàng không dân dụng, các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 855/ QĐ-TTg phê duyệt Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động GTVT với mục tiêu tổng quát là kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường, hướng tới xây dựng hệ thống GTVT bền vững, thân thiện với môi trường. Theo đó, đến năm 2017, ít nhất 25% số toa xe khách đường sắt đóng mới, 30% cảng biển quốc tế có trang bị phương tiện thu gom, xử lý rác thải, dầu thải từ tàu biển...; hoàn thiện bản đồ tiếng ồn đối với 50% cảng hàng không, sân bay...
Năm 2020, số toa xe khách đường sắt đóng mới phải đạt 80%, hoàn thiện bản đồ tiếng ồn đối với tất cả các cảng hàng không; duy trì thực hiện tiêu chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; 70% cảng biển quốc tế, 50% cảng bến thủy nội địa loại 1 có trang bị phương tiện, thiết bị thu gom rác thải, dầu thải từ các tàu. Định hướng đến năm 2030, tập trung phát triển hệ thống GTVT thân thiện với môi trường, cơ bản kiểm soát được các thành phần gây ô nhiễm môi trường trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.